Thử Nghiệm Thành Công Biện Pháp Phòng Bệnh Tai Xanh Ở Bắc Giang

Theo thống kê, tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Giang những năm gần đây thường xuyên đạt 1,1 đến 1,2 triệu con. Toàn tỉnh có 430 trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô 20 nái và 100 lợn thịt trở lên. Cùng với sự phát triển chăn nuôi thì nguy cơ dịch bệnh cũng gia tăng.
Tai xanh là bệnh truyền nhiễm do virut gây nên, lợn sữa và lợn trưởng thành đều có thể nhiễm bệnh với biểu hiện đặc trưng là gây ra những rối loạn về sinh sản (sảy thai, đẻ non hay lợn con sinh ra yểu) và những rối loạn về hô hấp (ho, khó thở...). Bệnh gây tỷ lệ chết cao ở lợn con trước và trong giai đoạn cai sữa. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Dịch tễ (Chi cục Thú y) từ tháng 3 đến tháng 6/2010, toàn tỉnh có hơn 40 nghìn con lợn mắc bệnh, số bị chết và tiêu hủy là 15 nghìn con. Hằng năm, lợn chết vì bệnh tai xanh vẫn xảy ra rải rác.
Để bảo đảm chăn nuôi lợn phát triển bền vững và đạt được mục tiêu tăng tổng số đàn lợn lên 1,5 triệu con vào năm 2015, Chi cục Thú y đã phối hợp với Viện Thú y quốc gia nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ của bệnh tai xanh và đề xuất một số biện pháp phòng, chống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Qua quá trình điều tra, cán bộ chuyên môn đã xác định một số đặc tính sinh vật, hóa học, serotype, độc lực và khả năng mẫn cảm với kháng sinh của các chủng vi sinh vật kế phát phân lập được. Từ những chủng vi khuẩn xác định được làm kháng nguyên chế ra vắc-xin phòng, chống bệnh tai xanh ở lợn phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Nguồn vắc-xin này đã được thử nghiệm thành công tại hai mô hình ở huyện Việt Yên và huyện Tân Yên với quy mô chăn nuôi từ 80 - 200 con lợn (tỷ lệ miễn dịch với bệnh tai xanh từ 95% - 98%). Anh Hoàng Văn Long - chủ hộ chăn nuôi ở xã Tăng Tiến (Việt Yên) cho biết: "Với 200 con lợn móng cái, việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc-xin cho lợn luôn được gia đình quan tâm. Trước đây tôi thường phải mua vắc-xin tai xanh với giá cao bởi đây là loại vắc-xin ngoại nhập, khi lợn mắc bệnh bị chậm lớn lại phải tăng thức ăn, công chăm sóc... nên lãi thu được mỗi lứa không đáng kể.
Chính vì thế khi nhận được thông tin Chi cục Thú y tỉnh triển khai nghiên cứu về bệnh tai xanh và biện pháp phòng chống, tôi đã đồng ý cho thí điểm trên tất cả đàn lợn nhà mình. Sau 4 tháng tiêm vắc-xin trên đàn lợn, tỷ lệ miễn dịch với bệnh tai xanh đạt 100%". Theo Thạc sĩ Lê Văn Dương (Chi cục Thú y), đối với các hộ chăn nuôi thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại, cấu trúc chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và tiêm vắc-xin khép kín thì kết quả đạt cao.
Thành công trong nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ của bệnh tai xanh ở lợn và đề xuất một số giải pháp phòng, chống của Chi cục thú y là giải pháp giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, qua đó góp phần đảm bảo cho chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Hoàng Phi ở ấp Hòa Thạnh, xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang đã sáng chế và ứng dụng thành công máy phun thuốc điều khiển từ xa và tự động cuộn dây trên đồng. Chiếc máy đoạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2012 và anh đã ra Hà Nội tham gia chương trình Nhà sáng chế trên VTV2 vào cuối tháng 3/2013 vừa qua.

Thời điểm năm 2010 và 2011, khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành trên đàn heo, anh Trần Đình Hiển (ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo, Bình Dương) lại thắng lớn với lợi nhuận gần 1 tỷ đồng từ trại heo của mình nhờ đàn heo không dính dịch bệnh “tai xanh”. Để có được kết quả này, anh Hiển đã áp dụng mô hình nuôi heo trại lạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên hoành hành như hiện nay.

Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.