Thử Nghiệm Thành Công Biện Pháp Phòng Bệnh Tai Xanh Ở Bắc Giang

Theo thống kê, tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Giang những năm gần đây thường xuyên đạt 1,1 đến 1,2 triệu con. Toàn tỉnh có 430 trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô 20 nái và 100 lợn thịt trở lên. Cùng với sự phát triển chăn nuôi thì nguy cơ dịch bệnh cũng gia tăng.
Tai xanh là bệnh truyền nhiễm do virut gây nên, lợn sữa và lợn trưởng thành đều có thể nhiễm bệnh với biểu hiện đặc trưng là gây ra những rối loạn về sinh sản (sảy thai, đẻ non hay lợn con sinh ra yểu) và những rối loạn về hô hấp (ho, khó thở...). Bệnh gây tỷ lệ chết cao ở lợn con trước và trong giai đoạn cai sữa. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Dịch tễ (Chi cục Thú y) từ tháng 3 đến tháng 6/2010, toàn tỉnh có hơn 40 nghìn con lợn mắc bệnh, số bị chết và tiêu hủy là 15 nghìn con. Hằng năm, lợn chết vì bệnh tai xanh vẫn xảy ra rải rác.
Để bảo đảm chăn nuôi lợn phát triển bền vững và đạt được mục tiêu tăng tổng số đàn lợn lên 1,5 triệu con vào năm 2015, Chi cục Thú y đã phối hợp với Viện Thú y quốc gia nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ của bệnh tai xanh và đề xuất một số biện pháp phòng, chống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Qua quá trình điều tra, cán bộ chuyên môn đã xác định một số đặc tính sinh vật, hóa học, serotype, độc lực và khả năng mẫn cảm với kháng sinh của các chủng vi sinh vật kế phát phân lập được. Từ những chủng vi khuẩn xác định được làm kháng nguyên chế ra vắc-xin phòng, chống bệnh tai xanh ở lợn phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Nguồn vắc-xin này đã được thử nghiệm thành công tại hai mô hình ở huyện Việt Yên và huyện Tân Yên với quy mô chăn nuôi từ 80 - 200 con lợn (tỷ lệ miễn dịch với bệnh tai xanh từ 95% - 98%). Anh Hoàng Văn Long - chủ hộ chăn nuôi ở xã Tăng Tiến (Việt Yên) cho biết: "Với 200 con lợn móng cái, việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc-xin cho lợn luôn được gia đình quan tâm. Trước đây tôi thường phải mua vắc-xin tai xanh với giá cao bởi đây là loại vắc-xin ngoại nhập, khi lợn mắc bệnh bị chậm lớn lại phải tăng thức ăn, công chăm sóc... nên lãi thu được mỗi lứa không đáng kể.
Chính vì thế khi nhận được thông tin Chi cục Thú y tỉnh triển khai nghiên cứu về bệnh tai xanh và biện pháp phòng chống, tôi đã đồng ý cho thí điểm trên tất cả đàn lợn nhà mình. Sau 4 tháng tiêm vắc-xin trên đàn lợn, tỷ lệ miễn dịch với bệnh tai xanh đạt 100%". Theo Thạc sĩ Lê Văn Dương (Chi cục Thú y), đối với các hộ chăn nuôi thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại, cấu trúc chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và tiêm vắc-xin khép kín thì kết quả đạt cao.
Thành công trong nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ của bệnh tai xanh ở lợn và đề xuất một số giải pháp phòng, chống của Chi cục thú y là giải pháp giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, qua đó góp phần đảm bảo cho chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Tại buổi họp báo về tiêu thụ và xuất khẩu gạo tháng 6 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 4-6 ở TPHCM, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc thu hoạch, tiêu thụ và xuất khẩu khi lúa hè thu vùng ĐBSCL sắp vào thời vụ thu hoạch chính.

Tổ công tác của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau vừa bắt quả tang cơ sở giết mổ heo của ông Nguyễn Quốc Tuấn ở huyện Cái Nước gian lận trọng lượng bằng cách bơm nước vào heo trước khi mổ.

Mùa này về Yên Châu (Sơn La), khách thập phương thường mua mấy cân xoài về làm quà. Xoài tròn ở đất này đã trở thành thương hiệu. Hiện nay, Yên Châu (Sơn La) có trên 580 ha trồng xoài, trong đó có gần 400 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 1.000 tấn quả.

Anh út Hận (chợ Ba Thê cũ, xã Bình Thành, Thoại Sơn, An Giang) cho biết: Từ cuối tháng 5/2013, thương lái các tỉnh phía Bắc đã vào thu mua rắn hổ hèo thương phẩm nên giá bán tăng từ 500.000 đồng/kg lên 650.000 đồng/kg.

Chiều 7.6, tại TP.Quy Nhơn, Bình Định, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT Bình Định tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và tưới tiết kiệm nước cho lúa hè thu cho các tỉnh khu vực miền Trung.