Thu Lãi Hàng Trăm Triệu Đồng Từ Mô Hình Nuôi Gà Công Nghiệp

Tận dụng lợi thế diện tích mặt bằng rộng, không khí thoáng mát và trong lành của địa phương, những năm gần đây, gia đình anh Cù Văn Hải ở xóm Chi 8, thôn Tân Yên, xã Hồng Thái Đông (Đông Triều - Quảng Ninh) đã chuyển đổi sang nuôi gà theo quy trình công nghệ tiên tiến và đã từng bước mang lại hiệu quả.
Anh Cù Văn Hải sinh năm 1986, quê gốc ở huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Sau khi học xong phổ thông, anh Hải quyết tâm phát triển kinh tế gia đình bằng cách làm trang trại chăn nuôi gà công nghiệp. Năm 2010, thấy khu vực xóm chi 8, thôn Tân Yên, xã Hồng Thái Đông có diện tích đất đai rộng, không khí thoáng mát và trong lành rất phù hợp cho chăn nuôi gà, mà đặc biệt là chăn nuôi gà công nghiệp, anh đã bàn với bố mẹ mua 2ha đất đồi ở đây rồi xây dựng 2 dãy chuồng với tổng diện tích 2400m2 tiến hành nuôi thử nghiệm 1,8 vạn con gà công nghiệp.
Anh Hải cho biết: Mô hình chăn nuôi gà công nghiệp là hướng phát triển kinh tế lâu nay vẫn chưa được người chăn nuôi huyện Đông Triều tận dụng và khai thác có hiệu quả. Những ngày đầu khi mới phát triển mô hình này, tôi cũng phải đi tìm tòi, học hỏi kỹ thuật ở nhiều nơi. Tuy vốn đầu tư, các quy trình chăm sóc gà công nghiệp vất vả, cần nhiều công sức cho việc dọn vệ sinh chuồng trại, chọn con giống, chăm sóc... nhưng hiệu quả kinh tế của nó mang lại tương đối cao. Vào những thời điểm giá cả ổn định, gia đình tôi có thể thu lãi được hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Khác với chăn thả gà đồi, mô hình nuôi gà công nghiệp có thời gian ngắn khoảng 35 ngày là có thể xuất chuồng, quy trình chăm sóc cũng đòi hỏi hiện đại hơn. Mọi khâu pha thuốc hay cho gà ăn đều bằng hệ thống tự động. Vì vậy, ngoài việc giảm công lao động, việc chăn nuôi gà công nghiệp còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được thức ăn với mức bình quân mỗi con gà giảm được khoảng 300 gam thực phẩm mỗi ngày.
Đối với gia đình anh Hải, sau gần 4 năm phát triển, mô hình nuôi gà công nghiệp thương phẩm đã mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể. Hiện tại, gia đình anh Hải đã đầu tư vốn xây dựng được 2 dãy chuồng rộng 2.400m2 nuôi 1,8 vạn con/1 lứa và mỗi năm, gia đình anh đều nuôi ổn định 5 lứa. Nhờ chất lượng thịt gà săn chắc, thơm và ngon nên trang trại gà của anh đã được thương lái khắp nơi như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội... về thu mua.
Ngoài việc đầu tư cho vệ sinh khử trùng chuồng trại, mua giống, thức ăn, thuốc ngừa dịch bệnh, công lao động chăm sóc và số gà nuôi bị hao hụt, từ đầu năm đến nay, gia đình anh Hải đã thu lãi được trên 200 triệu đồng. Chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi của mình, anh Hải bộc bạch: Con gà công nghiệp thường chủ yếu hay mắc phải bệnh hô hấp và tiêu chảy là chính. Vì vậy, để phát triển tốt mô hình, người chăn nuôi cần phải thực hiện đúng quy trình xây dựng chuồng trại đảm bảo đủ tiêu chí ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Ngoài ra, phải thực hiện vệ sinh chuồng sạch sẽ, thường xuyên tiêm vắc xin phòng bệnh cho gà.
Phát triển mô hình chăn nuôi gà công nghiệp không những đem lại nguồn lợi về kinh tế cho gia đình. Anh Hải còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác với mức lương bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Nói về hiệu quả mô hình, ông Lương Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Đông cho biết: Hiện xã Hồng Thái Đông chỉ có 1 mô hình nuôi gà công nghiệp của gia đình anh Hải. Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá là mô hình phát triển ổn định, có hiệu quả và đảm bảo về yếu tố môi trường. Đối với địa phương, chúng tôi luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ dân, các nhà đầu tư ở bên ngoài vào đầu tư phát triển có hiệu quả các mô hình kinh tế trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) vừa tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả của mô hình nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học.

Phú Yên có diện tích mặt nước ngọt tương đối lớn, nhưng việc phát triển thủy sản nước ngọt trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, diện tích ao hồ nuôi thủy sản nước ngọt ở Phú Yên chỉ hơn 276ha, với tổng sản lượng khoảng 304 tấn.

Hiện nay, thịt nhập khẩu về Việt Nam dù vẫn chịu thuế nhưng đã có lúc lấn át thịt trong nước về giá khiến doanh nghiệp, người chăn nuôi lo lắng. Sắp tới đây, khi thuế nhập khẩu thịt ngoại bằng 0, thị trường này sẽ là cuộc đọ sức nhiều cam go.

Năm 2013, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) thả nuôi 750ha thủy sản, trong đó 430ha cá ruộng. Hầu hết diện tích thả nuôi đều trúng mùa, được giá. Nhưng vui nhất là những hộ nuôi tôm càng xanh toàn đực và nuôi ghép các loại cá “đen” trên ruộng lúa. Đây là mô hình mới ở tỉnh Hậu Giang sẽ được nhân rộng theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Tháng 7-2013, anh Đặng Văn Phụng ở ấp Rạch Gừa - xã Phú Long (Bình Đại - Bến Tre) được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn làm thí điểm thực hiện mô hình nuôi ếch trong vèo kết hợp với nuôi cá trê và cá điêu hồng dưới ao.