Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thu lãi 1 tỷ mỗi năm từ trồng cam sành

Thu lãi 1 tỷ mỗi năm từ trồng cam sành
Ngày đăng: 11/09/2015

Đến thôn 7, xã Đại Lào (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) không khó để tìm đến nhà anh Minh- “Triệu phú cam sành” là cái tên thân thương người dân địa phương thường gọi anh. Bởi anh chính là người đầu tiên chinh phục giống cam miền Tây trên đất Đại Lào và đã thành công với nó.

Ghé vườn cây trái của gia đình anh Minh, chúng tôi không khỏi bất ngờ với vườn cam sành rộng 1,5 ha xanh tốt, trĩu quả. Vừa hái những trái cam anh Minh vừa vui vẻ chia sẻ, đây là năm thứ 2 vườn cam nhà anh cho thu hoạch. Vườn cam này, mỗi năm cho thu 2 vụ.

“Năm nay, ước tính cả 2 vụ thu được khoảng trên 60 tấn quả. Bình quân, cam được bán với giá từ 20 - 25 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, tính sơ sơ gia đình tôi thu về được khoảng 1 tỷ đồng”, anh Minh cho biết thêm.

Theo anh Minh, cam sành trồng được trên rất nhiều loại đất, kể cả đất pha cát. Điều quan trọng là phải chủ động được nguồn nước để tưới cho cam. Tất cả các yếu tố từ thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước ở vùng đất này đều rất thuận lợi để cây cam phát triển.

Là người miền Tây, nên từ nhỏ anh đã được làm quen với nghề trồng cam sành, vốn đã nổi tiếng của vùng đất Cái Bè. Từ cách chọn giống, đến kỹ thuật trồng và chăm sóc cam, anh đều nắm rất kỹ lưỡng.

Nhờ nắm bắt kỹ thuật tốt nên vườn cam nhà anh Minh luôn đạt năng suất cao

Được biết, năm 2009, sau khi lập gia đình, anh “khăn gói” về quê vợ ở xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) lập nghiệp. Sau khi vay mượn hai bên gia đình, vợ chồng anh mua được 1,5 ha đất sản xuất và anh chọn cây cam để trồng. Từ đó, anh bắt tay vào làm đất, lên luống rồi quay trở lại miền Tây mua giống cam.

Hiện nay, vườn cam của anh có khoảng 4.000 gốc. Trong đó, 1 ha (với 2.700 gốc) đã cho thu hoạch, 5 sào còn lại bắt đầu cho quả bói.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng cam anh Minh cho biết: “Trồng cam sành không khó, nhưng để thành công đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật, từ cách chọn giống đến các khâu chăm sóc, bón phân, xịt thuốc… làm sao để cam cho trái đều, quả không bị sâu bệnh”.

“Để phòng bệnh cho cam có hiệu quả, ngoài việc xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng cho cam theo định kỳ, thì cần tưới nước thường xuyên để rửa các loại nấm bệnh, côn trùng bám đậu trên lá. Đặc biệt, từ khi cây ra hoa kết trái đến khi thu hoạch cần phải bón đủ phân và đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên 2 lần/ngày cho cam. Ngoài ra, trước khi trồng cam cần phải lên luống sẵn, sau đó mới đào hố để trồng. Thông thường, trồng hàng cách hàng 2 mét và cây cách cây 1,5 mét”, anh Minh nói thêm.

Từ hiệu quả mang lại của vườn cam này, một số hộ dân trong xã Đại Lào đã chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm về để nhân rộng mô hình. Vì vậy, cùng với việc ngày ngày chăm sóc vườn cam, anh Minh còn sản xuất cây giống để cung cấp cho những người có nhu cầu tại địa phương.

Chỉ tính riêng năm 2014, anh đã xuất bán được hơn 10.000 cây giống cam, với giá từ 12 - 14 ngàn đồng/cây. Ngoài ra, anh còn tận tình tư vấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cam cho người dân quanh vùng khi muốn phát triển loài cây này.

Bà Đoàn Thị Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lào (TP Bảo Lộc), cho biết : Mô hình trồng cam của anh Minh là mô hình phát triển kinh tế “điểm” và có hiệu quả cao của xã.

“Anh Minh đã giúp đỡ rất nhiều hộ trong xã cùng phát triển cây cam. Với sự hỗ trợ này, đến nay, toàn xã Đại Lào đã có 6 hộ đầu tư trồng cam, với diện tích từ 3 - 5 sào/1 hộ. Từ hiệu quả thực tế này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có phương án để vận động bà con nông dân kết hợp trồng thêm cam sành để tăng thu nhập  ”, bà Thuận chia sẻ thêm.


Có thể bạn quan tâm

Khó Khăn Chuyển Đổi Cây Trồng Tại Những Vùng Trồng Mía Ninh Hòa (Khánh Hòa) Khó Khăn Chuyển Đổi Cây Trồng Tại Những Vùng Trồng Mía Ninh Hòa (Khánh Hòa)

Tình hình sản xuất mía niên vụ 2014 - 2015 trên địa bàn Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, hạn hán kéo dài. Trước tình hình đó, nhiều nông hộ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nhằm đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, với đặc thù canh tác tại địa phương khiến việc chuyển đổi cũng không hề đơn giản.

31/10/2014
Giữ Thương Hiệu Quế Văn Yên (Yên Bái) Giữ Thương Hiệu Quế Văn Yên (Yên Bái)

Văn Yên (Yên Bái) có cây quế được trồng từ Xuân Tầm, Nà Hẩu tới Xuân Ái, Yên Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn… với diện tích trên 22.000ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 4.500 - 5.000 tấn quế vỏ khô, doanh thu 150 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, quế ở đây có hàm lượng tinh dầu cao thuộc loại tốt nhất khu vực phía Bắc.

31/10/2014
Nghề Ép Chuối Khô Giúp Người Dân Thoát Nghèo Nghề Ép Chuối Khô Giúp Người Dân Thoát Nghèo

Với lợi thế nguồn nguyên liệu chuối có sẵn tại địa phương, nghề ép chuối khô được nhiều hộ dân ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời chọn làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo. Cứ mỗi khi mùa mưa sắp kết thúc, bà con ở đây ai cũng náo nức chuẩn bị đương vĩ, làm giàn và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị bước vào mùa ép chuối khô.

31/10/2014
Xây Dựng Thành Công 50ha Khóm Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP Xây Dựng Thành Công 50ha Khóm Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP

Đó là kết quả đạt được của dự án cấp Bộ “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen “Cầu Đúc” ở Hậu Giang”, do thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều làm chủ nhiệm. Dự án vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu loại khá.

31/10/2014
Mở Rộng Diện Tích Màu Thực Phẩm Mở Rộng Diện Tích Màu Thực Phẩm

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xuống giống được gần 45.000 ha màu thực phẩm các loại, đạt 102,9% chỉ tiêu cả năm. Nông dân địa phương đã thu hoạch trên 37.000 ha, với sản lượng khoảng 635.000 tấn rau màu các loại, cung ứng cho thị trường các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

03/11/2014