Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thu Hoạch Vụ 2 Tôm Thẻ Chân Trắng Trên Cát Nhiều Nông Dân Bội Thu

Thu Hoạch Vụ 2 Tôm Thẻ Chân Trắng Trên Cát Nhiều Nông Dân Bội Thu
Ngày đăng: 10/08/2013

Vụ 2 nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đang bước vào kỳ thu hoạch rộ. Được mùa lại được giá, nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ nhờ đầu tư mô hình nuôi tôm bài bản, chú trọng đến yếu tố đảm bảo môi trường.

Bội thu

Trong khi các “vựa tôm” tại nhiều vùng triều đang “hoang hóa” thì vào thời điểm này, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã đem đến vụ mùa bội thu cho nhiều nông dân. Tại thôn Phước An 1 (xã Bình Hải, Thăng Bình), vụ này gia đình ông Nguyễn Văn Thọ đồng loạt thu hoạch 16 ao nuôi (mỗi ao 2.000m2) được tổng cộng 60 tấn tôm, bán được hơn 3 tỷ đồng (giá thị trường 130 nghìn đồng/kg cỡ 60 con). Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.

“Nhìn cách tính, mọi người rất dễ lầm tưởng là nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ giàu nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Để thu hoạch được chừng ấy tôm, gia đình đã phải trả giá, nhiều khi chịu thua lỗ nhiều năm qua. Vả lại, số tiền đầu tư cũng rất lớn, với mỗi ao nuôi gia đình phải chi hết 175 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải thuê 3 cán bộ kỹ thuật chăm nom tôm nuôi không kể ngày đêm” - ông Thọ nói.

Tại vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của xã Tam Hòa (Núi Thành), nhiều năm qua gia đình ông Trần Công Thành đầu tư nuôi 36 ao (2.500m2/ao) tại 4 cơ sở nuôi tôm. Trong nỗ lực vượt khó khi những vụ nuôi ban đầu không thành công, gia đình ông đã áp dụng mô hình VietGAP cho nuôi tôm nước lợ. Tôm nuôi phát triển tốt đã đem đến vụ thu hoạch thắng lợi cho gia đình vào những ngày này.

“Ở vụ nuôi này, gia đình chúng tôi chủ động nguồn nước bằng cách sử dụng nước ngầm dung hòa độ mặn với nước được lấy trực tiếp từ biển. Sau khi xử lý nguồn nước thông qua ao chứa lắng, tôi thả nuôi với mật độ dày (300 con/m2). Tôm nuôi phát triển tốt nên gia đình thu được trung bình 4 tấn tôm tại mỗi ao nuôi” - ông Thành cho biết. Với giá tôm thương phẩm tăng cao, gia đình ông lãi hơn 2 tỷ đồng ở vụ này sau khi trừ chi phí sản xuất.

Đầu tư bài bản

Hiện tại, việc thu hoạch tôm thẻ chân trắng đang diễn ra đồng loạt tại nhiều vùng cát ven biển trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này vẫn chưa có thống kê cụ thể về năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, kết quả khả quan của vụ 2 này có thể sẽ mở ra nhiều thuận lợi trong việc phát triển ngành nuôi tôm nước lợ trong thời gian đến. “Hiệu quả của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã được chứng thực trong thời gian qua với các hộ sản xuất đầu tư bài bản.

Việc tham khảo và áp dụng các mô hình thành công từ Thái Lan vào Quảng Nam đã cho thấy khoảng cách từ học hỏi đến thực tiễn không xa lắm. Nuôi tôm công nghiệp, hiệu quả cao mà đảm bảo không ô nhiễm môi trường đáng được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn tỉnh” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam nói.

Thực tế nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã cho thấy thành công của nghề nuôi tỷ lệ thuận với công sức và mức độ đầu tư của người nuôi. Có thể nhận thấy tại các mô hình vừa nêu, môi trường luôn được đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Nếu đầu tư không tốt, môi trường bị ô nhiễm thì chính người nuôi sẽ gánh chịu tác động xấu trước tiên. Tính chất bền vững của nghề nuôi sẽ quy định tập quán sản xuất.

Chúng tôi ý thức được tác động của môi trường đến kết quả sản xuất nên luôn có sự đầu tư tương xứng, luôn đảm bảo yếu tố môi trường chứ không lơ là khâu này”. Ngoài xây dựng hẳn một trại kiểm soát môi trường nước ao nuôi để nhận biết các mức biến động của tôm khi phát triển, gia đình ông Thọ cũng đã đầu tư ao xử lý chất thải để xử lý nguồn nước trước khi đưa ra bên ngoài. Theo quan sát, hiện mô hình này đã được nhiều địa phương học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng.


Có thể bạn quan tâm

Diện tích sản xuất lúa mùa nổi có nguy cơ bị thu hẹp Diện tích sản xuất lúa mùa nổi có nguy cơ bị thu hẹp

Không cần bón phân, xịt thuốc, chỉ cần có nhiều nước, lúa mùa nổi có thể cho thu hoạch khoảng 2 tấn/ha, lãi trên 25 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp diện tích lúa này chỉ còn 50ha, giảm gần 20ha so với trước.

09/10/2015
Hướng đi mới từ cây trôm Hướng đi mới từ cây trôm

Trong bối cảnh giá mủ cao su liên tục xuống thấp, một người dân ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn chuyển đổi vườn cao su để sang trồng cây trôm đạt hiệu quả cao.

09/10/2015
Lúa Hè Thu đạt năng suất cao Lúa Hè Thu đạt năng suất cao

Vụ Hè Thu năm 2015, nông dân Tây Sơn (Bình Định) sản xuất trên 4.340 ha lúa, đạt 98,7% so với kế hoạch, giảm 171 ha so với cùng vụ năm 2014 (do nắng hạn thiếu nước tưới nên phải cắt giảm một số diện tích).

09/10/2015
Đề cao cảnh giác với việc chích cây trị bệnh vàng lá gân xanh Đề cao cảnh giác với việc chích cây trị bệnh vàng lá gân xanh

Sở NN&PTNT Hậu Giang đã có công văn yêu cầu phòng NN&PTNT, phòng kinh tế, ... thành phố tăng cường chỉ đạo các địa phương tuyên truyền đến bà con nông dân đề cao cảnh giác với các cá nhân, tổ chức thực hiện việc “chích cây” trị bệnh vàng lá gân xanh cho cây có múi.

09/10/2015
Thu nhập cao từ trồng năn bộp kết hợp nuôi cá tự nhiên Thu nhập cao từ trồng năn bộp kết hợp nuôi cá tự nhiên

Trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã vượt qua khó khăn và vươn lên thoát nghèo nhờ vào mô hình trồng năn bộp kết hợp với nuôi cá tự nhiên.

09/10/2015