Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thu hoạch lúa Thu đông Vui, buồn đầu vụ

Thu hoạch lúa Thu đông Vui, buồn đầu vụ
Ngày đăng: 11/09/2015

Giá lúa hiện chưa “chiều lòng” người nông dân và đang có xu hướng giảm.

Niềm vui năng suất

Những ngày này, dọc theo tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, chúng ta dễ dàng bắt gặp không khí mùa vụ của bà con nơi đây khi nhiều diện tích lúa Thu đông chín sớm đang bước vào giai đoạn thu hoạch.

Điều bà con phấn khởi nhất là hầu hết các diện tích lúa thu hoạch trong thời điểm này đều đạt năng suất khá cao.

Vừa cắt xong hơn 1ha lúa (giống IR 50404), ông Trịnh Tấn Sỹ, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tươi cười cho biết: “Mỗi công được 20 bao (một bao nặng hơn 50kg), tính ra cũng trên 1 tấn lúa tươi/công (1.300m2), tăng gần 200 kg/công so với cùng kỳ. Đây là năng suất cao nhất từ trước đến nay mà tôi làm được trong vụ lúa Thu đông”.

Qua khảo sát thực tế, hiện không riêng gì ông Sỹ mà hầu hết bà con có lúa thu hoạch trong thời điểm này đều đạt năng suất từ 900kg đến 1 tấn lúa tươi/công.

Theo lý giải của nhiều nông dân, hàng năm, vụ lúa Thu đông thường gặp bất lợi về thời tiết vì có mưa nhiều, dịch hại xuất hiện nhiều hơn 2 vụ lúa Hè thu và Đông xuân, từ đó năng suất vụ này thường đạt từ 700 - 800 kg/công.

Tuy nhiên, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, nhất là vào thời điểm lúa trổ thì gặp trời nắng nên lúa ít bị lép, dẫn đến trúng mùa.

Ngoài yếu tố thời tiết, điều kiện thu hoạch lúa vụ này có nhiều thuận lợi cũng là nguyên nhân làm cho năng suất lúa Thu đông đầu vụ đạt ở mức cao.

thường, vào thời điểm này hàng năm, trời hay mưa to và nước trên ruộng khá nhiều, có không ít diện tích lúa bị đổ ngã, nông dân không thể thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp mà phải thuê nhân công cắt bằng tay, rồi mướn trâu hoặc dùng vỏ lãi, túi nilon chở lúa bó lên bờ kênh để suốt; từ đó, làm cho lúa bị hao hụt và tốn nhiều chi phí.

Trong khi đó, vụ Thu đông năm nay trời nắng tốt, nước dưới kênh ít, mặt ruộng khô cứng nên đảm bảo cho máy cắt vào thu hoạch được thuận lợi, lúa ít bị hao hụt. Nhiều nông dân sau khi cắt lúa xong còn chất lúa bao thành đống ngay trên ruộng để chờ thương lái đến cân, điều mà trước đây chỉ thấy ở vụ lúa Đông xuân.

Ông Kim Văn Kênh, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thông tin: “Thời điểm này năm trước, hơn 1ha lúa của tôi bị ngập nước khá sâu, nhiều chỗ bị sập do mưa bão. Mặc dù thu hoạch bằng máy nhưng những nơi nước ngập, máy cắt thường bỏ sót nên năng suất chỉ gần 800 kg/công. Riêng năm nay, do trời nắng liên tục từ khi lúa trổ cho đến nay nên bà con thu hoạch lúa trong điều kiện không khác gì vụ Đông xuân, từ đó năng suất được nâng lên và chi phí cũng giảm hơn rất nhiều”.

Nỗi buồn giá cả

Tuy lúa đạt năng suất cao nhưng giá lúa lại không “chiều lòng” người nông dân khiến niềm vui không trọn vẹn. Đây là một vấn đề không mới nhưng chưa có hướng giải quyết căn cơ.

Hiện thương lái thu mua lúa tươi (giống OM 5451) tại ruộng có giá từ 4.500 - 4.600 đồng/kg, còn giống IR 50404 là 4.200 đồng/kg, giảm khoảng 200 đồng/kg so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đây là mức giá được thương lái đặt cọc trước với nông dân cách nay hơn 10 ngày, còn giá đặt cọc vào thời điểm này chỉ ở mức 4.300 - 4.400 đồng/kg (giống OM 5451) và 4.050 đồng/kg (giống IR 50404), nhưng thương lái cũng rất dè chừng khi đặt tiền cọc.

Ông Trần Văn Lương, nông dân ở cùng ấp 5, xã Vị Thanh, bộc bạch: “Lúa vụ này trúng nhưng gia đình không mấy vui vì giá bán thấp. Cùng một loại giống nhưng vụ Thu đông năm trước, gia đình bán lúa được 4.750 đồng, còn vụ này chỉ 4.600 đồng/kg. Tính ra, nguồn lợi nhuận cũng tương đương năm rồi là 900.000 đồng đến 1.000.000 đồng/công, riêng những hộ làm sau càng thấp hơn vì giá lúa đang giảm mạnh”. Cùng tâm trạng trên, ông Nguyễn Văn Năng, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Buồn nhất là làm lúa trúng mùa mà giá bán lại giảm, gần 5 công lúa của tôi đạt năng suất gần 1 tấn/công, nhưng giá bán chỉ 4.050 đồng/kg, giảm gần 200 đồng so với đầu vụ và 400 đồng so với cùng kỳ, không biết bao giờ nông dân mới thoát cảnh “được mùa, mất giá”, trong khi giá vật tư nông nghiệp cứ tăng vèo vèo”.

Theo lý giải của một số doanh nghiệp thu mua lúa trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân giá lúa năm nay giảm là do thị trường đầu ra của lúa, gạo trong những tháng gần đây không mấy khả quan, nhất là thời điểm từ cuối tháng 8 đến nay, giá gạo tiếp tục giảm từ 200 - 300 đồng/kg nên kéo theo giá thu mua lúa trong dân giảm theo.

Với thông tin giá gạo giảm làm cho giá lúa trong những ngày qua tiếp tục lao dốc đã khiến nhiều nông dân vô cùng lo lắng, bởi các trà lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh hiện đang trong giai đoạn trổ - chín (hơn 20.000ha), khả năng khoảng nửa tháng nữa, bà con sẽ bước vào thu hoạch rộ.

Chính vì vậy, hiện bà con đang mong các ngành chức năng có giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người trồng lúa, tránh cảnh “được mùa, mất giá”, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ. 

Nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 45.600ha lúa Thu đông, hiện lúa chủ yếu trong giai đoạn làm đòng đến trổ - chín.

Hiện tại, bà con đã thu hoạch hơn 3.000ha, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành A (hơn 1.300ha), huyện Vị Thủy (hơn 1.000ha) và thành phố Vị Thanh (hơn 300ha). Với giá lúa đang dao động từ 4.050 - 4.500 đồng/kg (tùy giống), người nông dân thu về nguồn lợi nhuận từ 10 - 12 triệu đồng/ha.


Có thể bạn quan tâm

Nghị quyết 01 tạo dựng cuộc sống mới Nghị quyết 01 tạo dựng cuộc sống mới

5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, Quảng Ninh là 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc và dẫn đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về xây dựng NTM.

16/10/2015
Đưa tôm thay lúa, giữ chân hội viên Đưa tôm thay lúa, giữ chân hội viên

Nằm ở nơi được xem là xa xôi nhất của TP.Hồ Chí Minh, nhưng Chi hội Nông dân ấp Doi Lầu (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) lại trở thành điểm sáng của thành phố trong việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.

16/10/2015
Những cột mốc đáng nhớ của Hội NDVN Những cột mốc đáng nhớ của Hội NDVN

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14.10.1930-14.10.2015), cùng Dân Việt nhìn lại những cột mốc đáng nhớ của Hội NDVN với những thành tích đáng ghi nhận và tự hào.

16/10/2015
Thuốc cấy tạo trầm từ dịch kiến Thuốc cấy tạo trầm từ dịch kiến

Nhà phát minh nông dân Trương Thanh Khoan sau khi phát hiện được một loài kiến làm tổ trên cây dó đã bắt đầu nghiên cứu tập quán sinh sống của kiến, thuần dưỡng kiến, làm “chuồng” gỗ nuôi kiến, trồng cây lấy lá cho kiến ăn và cho kiến uống nước dừa.

16/10/2015
Đời sống khấm khá, nông dân đi du lịch bằng ô tô riêng Đời sống khấm khá, nông dân đi du lịch bằng ô tô riêng

Thu nhập tăng, điều kiện sống thay đổi, thêm nhiều cơ hội tiếp xúc khoa học kỹ thuật, giáo dục..., chất lượng sống người dân vùng nông thôn TP.HCM đã được nâng cao rõ rệt những năm qua.

16/10/2015