Thu Bạc Tỉ Nhờ Trồng Gừng

Chuyện ít ai ngờ nhưng đang là hiện thực ở đồng đất huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau). Mỗi hecta gừng thương lái vào tận rẫy bỏ cọc và đồng ý thu mua với giá khoảng 1,5 tỉ đồng.
Nhân dân ấp 6 La Cua (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) vì cuối tháng 10 hàng loạt thương lái vào tận nơi đặt trước tiền cọc và đồng ý mua với giá từ 180-200 triệu đồng mỗi công gừng củ. Ông Chín Chủ (Nguyễn Minh Chủ- Bí thư chi bộ ấp 6 La Cua), chia sẻ: Nhà máy đường Thới Bình đóng cửa, thương lái không thu mua khiến giá mía rớt thê thảm. Hơn 140 hecta mía trong ấp của ông thu hoạch hơn phân nửa diện tích, ai cũng lỗ đang lo thì gừng có giá bất thường, ai cũng vui. Mừng nhất là hộ trồng mía chừa ít diện tích trồng gừng, nhận tiền đặt cọc mà “sướng” - ông Chín, nói vui.
Ông Chín cho hay năm 2014 ấp 6 La Cua có trên 22ha gừng của hàng chục nông hộ nhưng mới chỉ một vài hộ thu hoạch. Trong đó nhiều nhất là ông Út Quế, trồng 15 công gừng, bị hư hết 5 công nhưng vừa thu hoạch 5 công, bán được hơn 800 triệu đồng. 5 công gừng còn lại của ông Út Quế, theo lời ông Chín cánh thương lái đã bỏ cọc 50% là 400 triệu đồng, khi nào vô thu hoạch sẽ trả đủ 400 triệu đồng còn lại. Để chắc ăn và sợ ông Út Quế “bẻ kèo”, cánh thương lái thuê hẳn một người dân địa phương với giá 20 triệu đồng đảm trách canh giữ khu gừng của ông Út Quế, phòng trộm cắp khiến sản lượng gừng khi thu hoạch bị thất thoát.
Tại khu gừng củ chưa thu hoạch sau nhà cựu chiến binh Năm Được (Lê Văn Được) ông Chín cho hay trong ấp còn khá nhiều hộ chưa thu hoạch gừng. Ông Chín liệt kê: Đỗ Văn Chiến (3 công), Trần Thanh Dân (2 công), Phùng Thanh Phương (1 công), Lê Hùng, Cao Vụ, Lê Ngọc Duật (mỗi người 0,5 công)… Trong số những hộ vừa nêu, có hộ nhận tiền đặt cọc của thương lái với giá từ 80-100 triệu đồng/nửa công gừng, có hộ thấy giá cao chưa chịu nhận cọc, được giá cao hơn.
Riêng khu gừng hơn 3,5 công của ông Năm Được, hiện củ đã to, có tới 4 thương lái vào coi gừng, đồng ý mua và bỏ tiền cọc với giá 200 triệu đồng/công nhưng ông Năm nhất quyết không bán. Bởi theo lời ông Năm, ai cũng bán gừng củ nhưng ông thì chừa lại bán gừng giống cho bà con địa phương cho vụ gừng mới năm sau. “Giá gừng củ chót vót cỡ đó thì giá gừng giống của tôi làm gì mà bèo hơn được” – ông Năm, nhẩm tính.
Qua thống kê sơ bộ hồi cuối tháng 10 vừa qua thì toàn huyện có khoảng 200ha trồng gừng củ (năng suất ước từ 80-100 tấn/ha), bình quân mỗi ha hộ dân đầu tư khoảng 300-400 triệu đồng. Với giá mà thương lái đặt cọc và đồng ý thu mua từ 180-200 triệu đồng/công như vừa qua thì mỗi hecta gừng hộ dân thu lời không dưới 1 tỉ đồng sau khi trừ hết chi phí – ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết.
Vụ mía 2013, hơn 5ha mía của ông Năm Được hòa vốn vì giá thấp. Tiên liệu tình hình không sáng sủa nên khởi đầu vụ mía năm 2014, ông Năm cũng trồng mía phần lớn diện tích nhưng để lại khoảnh đất để trồng gừng. Bởi theo kinh nghiệm nhiều năm “chặt-đốn” của ông Năm, gừng củ năm 2012 và 2013 giá rẻ như cho không, rất nhiều hộ dân ở Trí Phải, Trí Lực (huyện Thới Bình) bất mãn không trồng gừng nữa mà trồng lại cây mía hoặc trồng rau màu. “Nắm bắt thời cơ ấy nên tôi trồng thêm gừng, cái gì người ta ít trồng là có giá cháu ơi” – ông Năm, phân tích.
Cùng suy nghĩ như ông Năm Được hàng chục hộ dân ở ấp 6 La Cua vẫn trồng mía niên vụ 2014 nhưng dành ít đất để trồng gừng. Công sức, nỗ lực của bà con đã và đang và sắp được đền bù một cách xứng đáng.
Nguồn bài viết: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=72&id=157212
Có thể bạn quan tâm

Tuy vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2013 chỉ mới bắt đầu nhưng người nuôi đang lo lắng trước tình hình môi trường bị ô nhiễm, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngày 27/8 hàng chục hộ dân nuôi và bán cá tra kéo đến Cty Chế biến thủy sản Sông Hậu (CBTSSH), phường Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (thuộc NT Sông Hậu cũ) để tìm gặp Ban giám đốc Cty yêu cầu giải quyết số nợ quá hạn kéo dài từ mấy tháng qua.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, lịch thả nuôi giống tôm biển trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 15-2-2013, do đó các địa phương ven biển đã tập trung cải tạo ao và thả giống theo khuyến cáo. Như huyện Bình Đại có kế hoạch giữ mức 16.000 ha nuôi thủy sản; trong đó nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh là 3.800 ha, nuôi thủy sản nước ngọt 300 ha, nghêu, sò 3.000 ha… Để cho vụ nuôi tôm năm 2013 phát triển ổn định, bền vững và đạt hiệu quả cao, hạn chế những dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, chủ lực là Chi cục thủy sản tăng cường quản lý chặt chẽ vụ nuôi, nhất là về tình hình dịch bệnh.

Tận dụng lợi thế của vùng sông nước, nông dân cù lao Ông Hổ đã khéo trồng trọt, xen canh, luân canh, đa canh… qua đó vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa giải quyết việc làm và tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù của vùng đất này.

Người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa lại bùng phát ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đe dọa 8,3 km tuyến đê bao ngọt hóa ven sông Tiền và 13 cống dưới đê có tổng trị giá 169 tỷ đồng vừa mới khởi công, khiến ngành chức năng Bến Tre lúng túng xử lý.