Thu 200 Triệu Đồng Từ 200 Trụ Tiêu

Đó là 200 trụ tiêu giống Vĩnh Linh lá to, 3 năm tuổi của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lợi - chị Thị Hồng ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh - Bình Phước). Chị Hồng phấn khởi khoe với chúng tôi đến đầu tháng 4, gia đình chị đã thu hoạch được 1,2 tấn, nhưng cây vẫn còn xum xuê những chuỗi trái dài và chắc mẩy nhờ đủ nước. Chị ước đoán sẽ thu thêm 1 tấn nữa và trung bình mỗi trụ tiêu được 10kg.
Vườn tiêu của vợ chồng anh Lợi được trồng bằng trụ sống (cây keo) cao 7m. 3 năm trước, vợ chồng anh Lợi ra ở riêng và được ba mẹ cho 4 sào đất. Lúc này, giá tiêu chỉ 28 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá thành và giá cao su đang cao nên mọi người đổ xô trồng cao su. Vợ chồng anh tính toán nếu trồng cao su 6 năm nữa mới được thu, giá cây giống vừa cao, chi phí kiến thiết cơ bản cũng nhiều. Nghĩ vậy, anh Lợi quyết định trồng tiêu.
Thời điểm đó giá 1 dây tiêu chỉ 4.000 đồng (hiện nay 15 - 20 ngàn đồng), mua trụ sống là cây keo cũng rẻ. Khu vực gia đình anh Lợi ở có nhiều nước tưới trong mùa khô và thoát nước tốt trong mùa mưa nhờ kết cấu đất đen pha sỏi cơm. Chỉ sau mấy tháng xuống giống, mùa vụ năm 2010 - 2011 giá tiêu tăng vùn vụt. Tận dụng có giống từ vườn tiêu năm đầu và trồng theo phương thức cuốn chiếu, hiện nay anh Lợi đã phủ hết 4 sào đất với 800 trụ tiêu 1 - 3 năm tuổi, đồng thời trồng mới 1.100 trụ ở huyện Kiến Đức, tỉnh Đắk Nông. Dự tính năm nay anh sẽ trồng thêm 1.400 trụ phủ hết 1,3 ha đất ở Kiến Đức.
Trước khi đầu tư trồng, anh Lợi đã tham quan những vườn tiêu có tuổi thọ trên 15 năm ở Lộc Khánh và nhiều xã khác. Giống tiêu anh tìm mua ở các vườn sai trái, chuỗi dài, vỏ mỏng, hạt chắc và kháng bệnh cao.
Từ học hỏi thực tế, tìm đọc tư liệu, anh Lợi cho rằng: Tiêu chết một phần do lạm dụng phân hóa học, đặc biệt là phân urê dẫn đến cây mẫn cảm với nấm bệnh. Khi trồng mới anh Lợi sử dụng tro rơm và đốt tại đồng để khử nấm bệnh. Phân bón mỗi năm 2 lần bằng tro trộn với phân bò để hoai, phân hóa học chủ yếu là lân, kali nhưng bón hạn chế khi tiêu ra bông. Tưới nước cho vườn tiêu 3 lần/tuần và vào ban đêm để tránh tia cực tím và lúc này đất đã dịu mát, không tỏa nhiệt trở lại nên cây dễ hấp thụ và phát triển tốt hơn.
Theo tính toán của anh Lợi, nếu trụ tiêu cao 6 - 7m, năm thứ 3 đến thứ 7 năng suất đạt 10 kg/trụ và năm thứ 7 - 10 đạt 7 - 8 kg/trụ, trên 10 năm giảm còn 4 - 5 kg/trụ. Như vậy, 1 ha tiêu giống Vĩnh Linh nếu chăm sóc tốt và được mùa sẽ cho năng suất 16 - 20 tấn (2.000 - 2.200 trụ/ha) và với giá tiêu 100 ngàn đồng/kg, thu từ 1,6 đến 2 tỷ đồng/ha.
Có thể bạn quan tâm

Trong 10 năm trở lại đây xuất khẩu thủy sản Việt Nam liên tục phát triển. Nhưng trong bản thân khối DN này vẫn tự nhận thấy còn nhiều điểm yếu.

Thông tin từ UBND TP Quy Nhơn cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ KH&CN) đã có quyết định chính thức về việc cấp giấy chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Quy Nhơn” cho các sản phẩm chả cá được sản xuất và chế biến tại các cơ sở trên địa bàn TP Quy Nhơn.

Những năm gần đây nhiều dự án, mô hình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đã được triển khai. Riêng Dự án hỗ trợ Kỹ thuật về giảm nghèo bền vững (PRPP) đã triển khai thí điểm ở 8 tỉnh, trong đó có Bắc Kạn với nhiều mô hình cụ thể, đã và đang giúp người dân từng bước đổi đời.

Bò là một trong những con vật tương đối dễ nuôi, tỷ lệ rủi ro thấp, thức ăn cho bò dễ tìm chủ yếu là các phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, bắp, cám gạo, cỏ… Tuy nhiên trong quá trình nuôi nếu không đảm bảo quy cách chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc và không đáp ứng đủ liều lượng thức ăn và các loại thức ăn bổ sung thì bò sẽ chậm lớn, trọng lượng giảm sút, ảnh hưởng đến thu nhập kinh tế của nông dân.

Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) cho biết, tổng đàn bò sữa trên địa bàn huyện Đơn Dương hiện nay đang tăng nhanh, đạt trên 9.800 con. Chủ yếu được nuôi trong dân (trên 6.700 con), trong đó số bò đang cho sữa gần 2.600 con với sản lượng sữa đạt trên 50 tấn/ngày.