Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thôn Riễu Giàu Lên Nhờ Trồng Hoa Lay Ơn

Thôn Riễu Giàu Lên Nhờ Trồng Hoa Lay Ơn
Ngày đăng: 22/11/2013

Gần 10 năm qua, đời sống của người dân thôn Riễu, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) đang ngày một khấm khá hơn từ nghề trồng hoa lay ơn.  
Thôn Riễu từ lâu đã có nghề trồng hoa cung cấp cho TP Bắc Giang, các huyện lân cận và một số tỉnh ngoài. Những năm trước khi chưa có cây hoa lay ơn, người dân chỉ trồng lúa, rau màu và một số loài hoa như cúc, violet nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi có một số hộ trong thôn đem giống hoa lay ơn về trồng thì diện tích trồng hoa ngày càng được mở rộng.

Qua tìm hiểu được biết, thôn Riễu hiện có khoảng 25 ha trồng hoa lay ơn mỗi năm, tính riêng vụ đông năm 2012, cả thôn có khoảng 10 ha. Đất thịt nhẹ rất thích hợp với hoa lay ơn bởi loại đất này giúp cây bám chắc, cành hoa dài và cho nụ mập. Ngoài ra cũng có thể trồng được hoa lay ơn trên đất cát pha, nhưng phải mất nhiều công chăm bón và hoa cho năng suất thấp hơn. Thời gian từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch chỉ từ hai đến ba tháng, thông thường một sào có thể trồng từ 5.500 - 6.000 củ/vụ, mỗi củ sẽ cho một cành hoa. Hoa lay ơn có nhiều loại với màu sắc đa dạng như tím sen, song sắc thường được trồng nhiều về mùa hè; tím cẩm, san hô được trồng nhiều về mùa đông.

Nhiều năm qua người dân ở thôn Riễu đều tự ươm lấy giống để giảm bớt chi phí đầu vào. Với những chân ruộng cao, đất tơi xốp, dễ thoát nước, có thể trồng được ba vụ/năm; còn với chân ruộng trũng, người dân vẫn canh tác hai vụ lúa và một vụ hoa. Nhà nào trong thôn cũng trồng ít nhất từ một đến hai sào, nhà trồng nhiều nhất từ 5-7 sào.

Vào mùa mưa bão, chủ ruộng thường căng lưới dọc luống hoa, mỗi cành hoa là một mắt lưới để cho cành thẳng và nụ hoa không bị giập nát. Những cành lay ơn đạt yêu cầu có chiều dài từ 1- 1,2m, nụ hoa mập, sắc hoa tươi tắn.

Những ngày thường hoa lay ơn có giá khoảng 3.000 - 3.500 đồng/cành, vào những dịp lễ tết có thể bán được 4.500 - 6.000 đồng/cành, trừ chi phí một sào hoa cho thu nhập khoảng chục triệu đồng. Các đại lý thu mua ngay tại thôn. Vào dịp cuối năm, mỗi ngày có khoảng 6.000 - 7.000 cành lay ơn được xuất bán, chủ yếu đem về các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội.

Người dân trong thôn cho biết, thời gian đầu, trồng hoa gặp nhiều khó khăn vì mọi người đã quen với việc trồng lúa và những cây hoa truyền thống. Thêm vào đó, trồng hoa lay ơn gần như ngày nào cũng phải ra đồng. Ngoài ra, còn phải chú ý tới phân bón lót, sử dụng thuốc trừ sâu theo định kỳ để có được cành hoa đẹp, đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, nhờ người dân tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, cây lay ơn đã trụ vững trên đồng đất của thôn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, đời sống của người dân thôn Riễu rất khó khăn, số hộ nghèo trong thôn còn nhiều. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn ít nhất xã, chỉ còn 9 trong tổng số 273 hộ (chiếm hơn 3%). 90% số hộ trong thôn trồng hoa lay ơn, trong đó hơn chục hộ có thu nhập từ 80 - 100 triệu/năm và hơn 100 hộ thu về 30 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Doanh, một hộ trồng hoa trong thôn cho biết, từ khi trồng hoa lay ơn, kinh tế gia đình chị khấm khá hẳn lên. Tiền thu được từ trồng hoa giúp chị mua sắm được đồ đạc trong nhà và nuôi các con ăn học. Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Long, cây hoa lay ơn đã thực sự nâng cao đời sống người dân nơi đây.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây hoa này đem lại, UBND TP Bắc Giang đã đầu tư xây dựng cánh đồng trồng hoa điểm tại thôn Riễu với diện tích 1 ha, mức hỗ trợ ba triệu đồng/sào tiền giống và phân bón.

Theo đó, giống hoa lay ơn tím cẩm chất lượng cao với màu hoa đậm và sắc hoa tươi hơn, cành hoa dài hơn các giống lay ơn thông thường từ 20 - 30 cm sẽ được đưa vào sản xuất. Giống hoa này có thể trồng từ 6.500 - 7.000 củ/sào (cao hơn 1000 củ/sào so với các giống lay ơn khác), có khả năng cho năng suất cao và tăng thu nhập cho người trồng hoa. Nếu thành công, mô hình sẽ được nhân rộng lên 5 ha.


Có thể bạn quan tâm

Chưa Quan Tâm Đúng Mức Nguồn Con Giống Chưa Quan Tâm Đúng Mức Nguồn Con Giống

Tuy nhiên ở nước ta, việc đầu tư phát triển nguồn con giống phục vụ cho chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Hiện cả nước có 195 cơ sở sản xuất giống lợn cụ kị (GGP) và ông bà (GP) với tổng đàn nái khoảng 73,5 ngàn con, trong đó có 10 cơ sở, 4,4 ngàn lợn nái cụ kị và ông bà thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT (chiếm 5,9% đàn GGP và GP của cả nước).

05/11/2013
Tăng Thêm 1 Triệu Con Gà Tăng Thêm 1 Triệu Con Gà

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai, tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh hiện nay trên 11,6 triệu con, tăng khoảng 1 triệu con so với cuối năm 2012. Trong đó, chăn nuôi theo hình thức trang trại chiếm hơn 88%, chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ gần 12%. Các công ty chăn nuôi nước ngoài và liên doanh chiếm gần 2/3 tổng đàn gà của tỉnh.

05/11/2013
Phòng Chống Đói, Rét Cho Trâu, Bò Phòng Chống Đói, Rét Cho Trâu, Bò

Hàng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò; chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các hội đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho trâu, bò đến tận người chăn nuôi. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để người chăn nuôi chủ động hơn.

05/11/2013
Nhọc Nhằn Làm Nông Sản Sạch Nhọc Nhằn Làm Nông Sản Sạch

Họ đã từng háo hức làm bằng được nông sản sạch theo các quy trình GlobalGAP (chuẩn toàn cầu), VietGAP (chuẩn Việt Nam) để xin cấp giấy chứng nhận. Sau 1 năm chứng nhận hết hạn, tính toán lại số tiền bỏ ra làm GAP cao hơn nhiều so với tiền lời, nông dân lặng lẽ rút lui.

05/11/2013
Hướng Đến Phát Triển Hồ Tiêu Bền Vững Hướng Đến Phát Triển Hồ Tiêu Bền Vững

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai sâu bệnh hại hồ tiêu bùng phát khá mạnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Trong khi đó, do tiêu được giá khiến bà con ồ ạt mở rộng diện tích, càng làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát. Để giúp nông dân khắc phục tình trạng này, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã xây dựng và chuyển giao mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây hồ tiêu, bước đầu thu được kết quả khả quan.

05/11/2013