Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thời hoàng kim của hồ tiêu

Thời hoàng kim của hồ tiêu
Ngày đăng: 11/05/2015

Nông dân điều tiết thị trường

Tại hội nghị thường niên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức ngày 8-5 ở TP HCM, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, cho biết năm 2014 hồ tiêu lần đầu lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD với kim ngạch 1,2 tỉ USD và trong 4 tháng đầu năm 2015, đã xuất khẩu được 57.000 tấn hạt tiêu, trị giá 521 triệu USD.

Về giá xuất khẩu, theo Tổng cục Hải quan, quý I/2015, giá tiêu đen đạt bình quân 8.772 USD/tấn, giá tiêu trắng 12.500 USD/tấn, đều tăng gần 35% so với cùng kỳ. Như vậy, kể từ năm 2007 đến nay, giá tiêu năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận từ trồng cây tiêu cao hơn nhiều so với các cây công nghiệp khác.

“Chính người trồng tiêu Việt Nam làm được điều này khi chủ động trữ hàng, buộc người mua muốn có hàng phải tăng giá và khi giá lên thì không hạ, nông dân thu lợi. Từ đó, ngành hồ tiêu sinh ra đặc thù là lợi nhuận phần lớn vào túi người trồng còn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chủ yếu hưởng phí dịch vụ xuất khẩu (công mua hàng, đóng gói, nâng chất lượng…) chứ không đóng vai trò nhà buôn như các ngành hàng khác” - ông Nam nói.

Ngoài ra, theo ông Nam, hồ tiêu xuất khẩu đi 97 quốc gia và vùng lãnh thổ nên không bị phụ thuộc thị trường, ngay với Trung Quốc (chiếm 20% thị phần) khi ngưng mua hàng, Việt Nam vẫn dễ dàng bán sang các nước khác buộc Trung Quốc phải quay lại mua với giá cao hơn.

“Tuy nhiên, tiêu Việt Nam cũng đang gặp thách thức lớn khi châu Âu và nhiều nước bắt đầu thực thi các hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Quý I/2015, xuất khẩu sang châu Âu đã giảm, riêng thị trường Đức giảm trên 50%, đó là trở ngại lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam.

Do đó, nếu không đồng lòng sản xuất hồ tiêu sạch, vệ sinh an toàn từ người sản xuất đến chế biến, xuất khẩu thì chắc chắn mặt hàng này sẽ gặp khó” - ông Nam nêu vấn đề.

Số lượng bù chất lượng

Theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, do đầu ra hiện quá thuận lợi nên nông dân không quan tâm đến việc kết nối tiêu thụ với DN trong khi xây dựng vùng nguyên liệu cho DN xuất khẩu là hết sức cần thiết để sản xuất bền vững.

Còn ông Hà Huy Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Pitco, nêu thực tế là giá tiêu Việt Nam hiện thấp hơn Malaysia, Indonesia từ 600 - 1.500 USD/tấn do chất lượng thấp. Tuy nhiên, nếu nâng chất lượng (đồng nghĩa với việc giảm năng suất) thì nhà nhập khẩu chỉ chấp nhận mua cao hơn từ 150 - 200 USD/tấn nên người trồng không có động lực chuyển đổi cách canh tác.

Trong khi đó, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nơi đi đầu trong sản xuất tiêu sạch, cho rằng chừng nào người dân trồng ra hạt tiêu chất lượng thế nào cũng có người mua thì vẫn khó trong việc kiểm soát số lượng lẫn chất lượng.

“Năm 2015, hạt tiêu có giá cao nhờ mất mùa nhưng khoảng 4 năm nữa sản lượng có thể lên tới 200.000 tấn (năm 2014 khoảng 125.000 tấn) do diện tích trồng tăng quá nhanh thì chuyện bán không được, giá xuống là không tránh khỏi” - ông Bính cảnh báo.

Đồng quan điểm, ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng (Đắk Lắk), nhận xét hồ tiêu đang thời kỳ hoàng kim nhưng sắp tới có thể là thời kỳ đen tối. Khi mà, thành quả của hồ tiêu mang nhiều yếu tố “ăn may”, chưa bền vững. Việt Nam nên chú trọng trồng tiêu hữu cơ với giá bán gấp 2,6 lần như Malaysia để đa dạng thêm phân khúc thị trường.

Một vấn đề khác dù chưa có báo cáo chính thức nhưng thông tin về việc hồ tiêu Việt Nam bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại một số nước nhập khẩu đặt ra vấn đề cho ngành hồ tiêu trong thời gian tới. “Hiện VPA đang phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng quy chuẩn về chất lượng hạt tiêu để làm hàng rào trước khi xuất khẩu” - ông Nam cho biết.

Giá cao, khó khuyến cáo người trồng

Dù vụ thu hoạch tiêu năm 2015 cơ bản hoàn tất nhưng chưa có con số chính thức về năng suất, sản lượng; lượng tiêu lớn chủ yếu đang nằm trong dân và các đại lý. Theo nhận định của VPA và Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, sản lượng hồ tiêu Việt Nam 2015 ổn định dù thời tiết bất lợi và dịch bệnh khá nặng ở các vùng chuyên canh nhưng được bù lại từ nguồn hạt tiêu thu hoạch vụ đầu của diện tích trồng tự phát những năm 2010 - 2011.

Tại vùng trọng điểm tiêu Gia Lai, năng suất mất từ 30% - 40%. Ngành tiêu bị đánh giá là đang khai thác tài nguyên (đất, nước) thiếu khoa học, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến sâu bệnh có chiều hướng lây lan, cây tiêu mất sức đề kháng, mau suy kiệt. Dù vậy, hiện giá tiêu đen nguyên liệu đã lên trên 180.000 đồng/kg thì sẽ khó khăn trong khuyến cáo người trồng.


Có thể bạn quan tâm

Phát triển ngành thủy sản theo hướng liên kết chặt chẽ giữa các khâu Phát triển ngành thủy sản theo hướng liên kết chặt chẽ giữa các khâu

Ngày 24/4, Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020. Theo Hiệp hội Thủy sản, tính đến cuối năm 2014, vùng nuôi thủy sản tỉnh đạt 7.600ha, sản lượng 474.500 tấn, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 541 triệu USD (tăng 3,6 lần so với đầu nhiệm kỳ), sản phẩm cá tra có mặt gần 100 thị trường trên thế giới.

04/05/2015
Sức sống mới trên vùng căn cứ năm xưa Sức sống mới trên vùng căn cứ năm xưa

Vốn một thời hứng chịu cảnh tàn phá bởi “bom rơi đạn xới”, nhưng làng quê Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh hôm nay đang từng bước chuyển mình, khẳng định sức sống mới ngay trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa.

04/05/2015
Ồ ạt chặt bỏ cam sành Ồ ạt chặt bỏ cam sành

Hậu Giang hiện có trên 10.000ha cam sành, tập trung chủ yếu ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Tuy nhiên diện tích này bị thu hẹp từng ngày bởi dịch bệnh vàng lá gân xanh đang tàn phá nặng nề.

04/05/2015
Nuôi bồ câu hiệu quả kinh tế cao Nuôi bồ câu hiệu quả kinh tế cao

Những năm gần đây, mô hình nuôi bồ câu phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa. Đây là vật nuôi đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao.

05/05/2015
Ngành Chăn nuôi hội nhập đẩy mạnh tái cơ cấu Ngành Chăn nuôi hội nhập đẩy mạnh tái cơ cấu

Đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Bộ NN&PTNT phê duyệt tháng 5/2014 cho thấy những chuyển biến tích cực. Vì vậy, khắc phục điểm yếu và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong hội nhập.

05/05/2015