Thoát Nghèo Từ Mô Hình Trồng Cây Hồ Tiêu Xen Canh Cây Cà Phê

Với sự tìm tòi và luôn mạnh dạn trồng và xen canh nhiều loại cây trồng cho giá trị kinh tế, đến nay có thể nói mô hình trồng cây hồ tiêu xen canh cây cà phê của hộ nông dân Lê Lộc, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai trong những năm qua đã mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập bình quân hàng năm từ 250 triệu đồng đến 350 triệu đồng.
Vốn sinh ra trên dải đất miền Trung quanh năm thiên tai hạn hán, gia đình đông anh em, kinh tế chỉ trông vào mấy sào ruộng. Năm 1985 chàng thanh niên rời bỏ mảnh đất Thừa Thiên Huế quyết định lên Tây Nguyên lập nghiệp và anh đã chọn mảnh đất Chư Sê là điểm dừng chân.
Với diện tích 7.800 m2, năm 2000 anh đã thiết kế và trồng hơn 600 gốc cây cà phê, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cây cà phê kinh tế mang lại thấp, chi phí đầu tư ngày càng cao. Không chịu thất bại, năm 2006 anh mạnh dạn trồng thử nghiệm xen canh hơn 100 gốc hồ tiêu vào trong vườn cây cà phê, lúc đầu chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật nên vườn cây hồ tiêu phát triển chậm và sinh trưởng kém.
Rút kinh nghiệm từ việc chăm sóc lúc đầu lập nghiệp, năm 2007 anh tiếp tục trồng thêm 300 gốc tiêu vào cà phê. Và có thể nói trong 4 năm kể từ năm 2007- 2010 đến nay không phụ công chăm bón khi sản lượng hồ tiêu xen canh cây cà phê luôn cho giá trị và sản lượng cao, cây sinh trưởng nhanh, sức đề kháng mạnh và giảm được nhiều rủi ro.
Anh chia sẻ: “Trong quá trình trồng tôi thấy việc trồng cây hồ tiêu xen canh cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ bộ rễ cây cà phê mạnh nó bao trùm bộ rễ tiêu, giúp giữ được độ ẩm, về mùa mưa rút nước nhanh. Đồng thời hạn chế được các bệnh chết nhanh và vàng lá ở cây hồ tiêu”.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, dám mạo hiểm trồng xen canh cây hồ tiêu và cà phê, trong những năm qua anh đã mạnh dạn làm đơn vay vốn để phát triển mô hình xen canh. Năm 2014 được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương anh làm đơn vay vốn từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai với số tiền 200 triệu đồng để tiếp tục trồng hồ tiêu xen canh trong vườn cà phê.
Hiện nay, với diện tích 7.800 m2 trồng ban đầu hơn 600 gốc cây cà phê và hơn 1.000 gốc cây hồ tiêu, mỗi năm sản lượng cà phê cho đến hơn 5 tấn, tính ra giá thị trường 40.000 đồng/kg cũng cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Riêng cây hồ tiêu cho sản lượng hơn 1,3 tấn, tính giá thị trường cũng cho thu nhập hơn 250 triệu đồng.
Việc mạnh dạn đầu tư trồng xen canh cây hồ tiêu vào vườn cây cà phê trong những năm qua đã mang lại thu nhập cao, con cái có điều kiện được cắp sách đến trường, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Có thể nói mô hình trồng cây hồ tiêu vào vườn cây cà phê là một ý tưởng hay thông qua mô hình này trong những năm qua có rất nhiều hộ nông dân xã nhà lựa chọn trồng thử nghiệm và mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

Cứ đến mùa, hàng ngàn hộ nuôi ong ở Đắk Lắk lại tất bật ngược xuôi khắp các tỉnh thành để mang ong đi đánh mật. Họ mải miết bay theo cánh ong, lấy trời đất, bốn bể là nhà, cuộc sống lênh đênh như những gã du mục.

Qua khảo sát thực tế cho thấy những năm gần đây, các gia đình, trang trại chăn nuôi đang có xu hướng sử dụng 100% thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nhiều năm nay, Đồng Nai là nơi thu hút nhiều “ông lớn” đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Không “cờ giong trống mở”, song các nhà đầu tư sẵn sàng rót hàng triệu USD để xây dựng mới và mở rộng chăn nuôi theo quy trình khép kín.

Ngoài việc tránh hạn thành công, việc chuyển sang trồng rau quả còn mang lại cho người nông dân thu nhập cao hơn trồng lúa. Trong khi nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên bị thiệt hại nặng bởi hạn hán, thì tại huyện Chư Quynh, tỉnh Đắc Lắc, nông dân đã tránh hạn thành công nhờ chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sang trồng những loại hoa màu phù hợp.

Đến ngày 3/5/2015, nông dân huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) thu hoạch được 600/700ha mè vụ hè thu năm 2015, tập trung ở các xã Bình Hàng Trung, Mỹ Hội, Mỹ Thọ, An Bình, Nhị Mỹ, Tân Nghĩa và Phong Mỹ; năng suất đạt từ 1 – 1,5 tấn/ha.