Thoát Nghèo Từ Mô Hình Trang Trại

Những năm gần đây, ở xã miền núi huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định không ít nông dân tận dụng tốt tiềm năng đất đai để đầu tư sản xuất và đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong đó có chị Huỳnh Thị Sương ở thôn Định An, thị trấn Vân Canh.
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, chị kể: “Gia đình tôi trước đây thu nhập không quá 200.000 đồng/tháng, vốn ham lao động nhưng vẫn không thoát cảnh đói nghèo. Sau khi nhờ các cấp hội Nông dân giới thiệu và tận mắt tham quan những vườn điều, đồi chanh sum suê trĩu quả, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng, ý chí vươn lên thoát nghèo từ mô hình trang trại đã giúp gia đình tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay”.
Quả vậy, sau đợt tham quan những mô hình làm ăn có hiệu quả, chị quyết tâm đầu tư vào kinh tế trang trại. Để biến quyết tâm thành hiện thực, chị tận dụng một số đất rẫy bỏ hoang, canh tác kém hiệu quả của làng L7, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh để đầu tư trồng 500 cây điều. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, dưới những tán cây điều, chị trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, đậu đỗ… tùy theo từng thời vụ trong năm, thu nhập từ các loại cây hoa màu cũng đủ nuôi sống gia đình và tích lũy được ít vốn để đầu tư sản xuất. Từ hiệu quả bước đầu, chị vay 9 triệu đồng từ nguồn vốn của quỹ Hỗ trợ nông dân, mượn thêm anh chị trong gia đình 20 triệu đồng để đầu tư trồng 300 gốc chanh.
Nhờ đầu tư đúng hướng, đúng quy trình kỹ thuật, trong vụ thu hoạch điều vừa qua, chị thu được 6.000 kg hạt, bán được 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 70 triệu đồng. 300 gốc chanh hàng năm cũng đem lại cho chị 20 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, chị còn đầu tư trồng 2.000 cây quế, 1.000 cây bồi lời đỏ, 50 cây xoài, 300 cây huỳnh đàn, 100 cây dó bầu… Cơ ngơi này hứa hẹn sẽ giúp cho gia đình chị có một cuộc sống sung túc.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, những năm qua chị Sương còn giúp đỡ cho nhiều bà con trong làng vốn, cây con giống để bà con khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và cuộc sống như: giúp 12 hộ trong làng về cách trồng chanh và hướng dẫn kỹ thuật cho 5 hộ trồng 1.000 cây bồi lời đỏ…
Có thể bạn quan tâm

Huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau là nơi có diện tích nuôi tôm xen canh với nuôi cua lớn nhất của tỉnh Cà Mau, với hơn 25.600 ha. Nơi đây còn là đầu mối tập kết của hàng trăm thương lái trong tỉnh, hàng ngày thu gom cua ở các vuông tôm vận chuyển đến bán cho các chủ vựa thu mua cua tại thị trấn Năm Căn

Qua bình xét cuối năm 2011 xã Bình Đông, thị xã Gò Công (TXGC), tỉnh Tiền Giang có 219 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, những nông dân này đã thành công trong nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế gia đình tại địa phương - trong số này có gia đình ông Nguyễn Văn Hai, ấp Hồng Rạng, xã Bình Đông đã thành công với mô hình nuôi rắn mối.

Để thực hiện mục tiêu phát triển nghề chăn nuôi bò sữa bền vững tại Quận 12 nói riêng và TP.Hồ Chí Minh nói chung, thì việc trang bị hệ thống phun sương làm mát chuồng trại để cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi là một yếu tố cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay nước ta đang bị ảnh hưởng nhiều bởi sự biến đổi khí hậu làm thời tiết thay đổi thất thường.

Để từng bước thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho bà con nông dân, Chương trình Cải thiện hệ thống sản xuất nông nghiệp và liên kết thị trường tại 2 tỉnh Lai Châu, Sơn La (Dự án Asiar) phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tam Đường triển khai mô hình trồng đậu tương xen ngô vụ thu đông tại xã Bản Bo.

Ông Hoàng Sơn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết đang tích cực phát động người chăn nuôi, cửa hàng thú y “tẩy chay” chất cấm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.