Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Ngựa

Trong những năm gần đây, nhờ chăn nuôi ngựa sinh sản, gia đình ông Trương Thuỷ Long ở làng Chả, xã vùng cao Phong Vân (Lục Ngạn – Bắc Giang) không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá điển hình trong xã.
Trước kia, cũng như nhiều gia đình khác ở làng Chả, cuộc sống của gia đình ông Trương Thuỷ Long cũng khó khăn, vất vả lắm. Vì đất cấy lúa của gia đình ít, sản xuất lại chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên nên năng suất lúa đạt thấp. Cái nghèo, cái đói cứ quẩn quanh đeo bám nhà ông, nhiều khi cơm cũng chẳng có đủ để ăn...
Ông Long suy tính mãi mà không tìm được hướng đi nào phù hợp để đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình. Trong lúc ấy, huyện Lục Ngạn có chủ trương hỗ trợ người dân vùng cao phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hoá, nhằm tận dụng diện tích đồng cỏ tự nhiên và lao động nhàn rỗi trong nông thôn. Là đảng viên, được tiếp cận với chủ trương đó, ông Long đã quyết định chọn nghề chăn nuôi ngựa sinh sản.
Bởi theo ông nghề này người già, trẻ nhỏ trong nhà ai cũng làm được, không phải mất tiền mua thức ăn chăn nuôi và quan trọng là có thể mang lại nguồn thu nhập khá. Vậy là ông đã bàn với vợ con vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện được 30 triệu. Với số tiền ấy, ông mua được 6 con ngựa giống (trong đó có 5 con cái và 1 con đực). Sau bốn năm chăn nuôi, với số tiền bán ngựa con giống gia đình ông không chỉ trả được hết nợ cho Ngân hàng mà còn đầu tư mua thêm được ngựa đực giống, nâng tổng số đàn ngựa lên 15 con.
Năm 2008, chỉ với khoản tiền bán ngựa con giống, gia đình ông Long đã thu về được hơn 70 triệu đồng. Đến năm 2009, ông Long đã dựng vợ gả chồng xong cho các con và cho chúng ra ở riêng. Theo đó ông cũng chia “gia sản” cho mỗi đứa mấy con ngựa làm vốn, vợ chồng ông chỉ giữ lại nuôi 7 con ngựa. Ông Long nghĩ, tuy mình đã ngoài 60 tuổi và hiện nay gia đình đã có của ăn, của để nhưng vẫn phải làm kinh tế để cho lớp trẻ học tập noi theo. Chỉ với số ngựa đó nhưng năm vừa qua gia đình ông Long cũng thu được hơn 40 triệu đồng tiền lãi... .
Đầu tháng 4/2010, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi ngựa của gia đình ông Long, đúng vào lúc con ngựa màu kim của nhà ông sinh được một con ngựa bạch. Hướng dẫn mọi người đi thăm, ông Long vui mừng cho biết, chỉ với con ngựa bạch nhỏ này, chăn nuôi thêm một vài tháng nữa là đã có thể bán được giá khoảng 10 triệu đồng rồi...
Không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, ông Long còn tích cực vận động bà con trong thôn tập trung phát triển chăn nuôi bò, ngựa. Hộ nào mới bước vào chăn nuôi, ông đều đến nhà chỉ bảo cho họ cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi và biện pháp chống dịch bệnh hiệu quả. Cũng trong năm 2009, UBND huyện đã hộ trợ kinh phí cho các hộ dân thực hiệm mô hình trồng cỏ VA06 để chăn nuôi bò sinh sản. Vì thế giờ đây trong làng Chả đã có gần 20 hộ dân chọn nghề chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hoá.
Ngoài chăn nuôi đại gia súc, ông Long còn được biết đến là một nghệ nhân chơi cây cảnh của làng. Tận dụng những khoảng thời gian rãnh rỗi, ông lên rừng tìm kiếm những gốc cây có hình dáng đẹp, đào về vườn, rồi cắt tỉa, uốn tạo thành các thế cây “Bon sai”. Hiện nay vườn cây cảnh của ông Long đã có hàng chục cây đẹp, nhiều cây giá trị được khách đến thăm trả giá một vài triệu đồng/cây mà ông chưa bán...
Có thể bạn quan tâm

Những ngày cuối năm âm lịch, nông dân trồng khoai mỡ ở xã Phú Mỹ rất phấn khởi vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, phấn khởi cho biết, anh có 8 công đất trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch được trên 17 tấn khoai. Đợt 1 thu hoạch bán được giá 14.000 đồng/kg, đợt 2 có giá 13.500 đồng/kg, còn đợt 3 vừa mới thu hoạch cách nay mấy ngày bán được giá 10.000 đồng/kg.

Mì chỉ là cây trồng xen lấy ngắn nuôi dài của nông dân Bình Phước. Nhưng cứ “giáp hạt” là giá cao, vào vụ giá giảm. Năm nay, giá mì lúc vụ chính thì nông dân chỉ hòa vốn, nếu hộ nào không nhổ kịp thì nay lỗ giá và cũng không bán được. “Trồng mì khó có lãi” - ông Nguyễn Anh Nhật ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) với 10 năm trồng mì thở dài.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2015, ngành tiêu chủ trương không tăng số lượng mà củng cố nâng cao chất lượng, khuyến khích các DN đầu tư cho chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.

Tại nhiều chợ và điểm bán trái cây ở TP Cần Thơ, vú sữa Lò Rèn loại ngon giá bán lẻ đang ở mức 12.000 - 15.000 đồng/kg; vú sữa Cà Na 10.000 - 12.000 đồng/kg. Giá vú sữa Lò Rèn được nhà vườn bán buôn cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 10.000 - 11.000 đồng/kg; vú sữa Cà Na có giá khoảng 8.000 đồng/kg.

Ngày 2-2, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) Lê Văn Thanh cho biết, Tết Nguyên đán 2015 các nhà vườn trong xã cung cấp cho thị trường trên 1,5 triệu trái bưởi (tương đương 1.500 tấn) mang thương hiệu bưởi Tân Triều (ảnh). Trong đó, bưởi da xanh chỉ khoảng 50 tấn, còn lại đa số là bưởi đường lá cam.