Thịt gà nhập từ Mỹ rẻ vì đang có dịch mà Việt Nam vẫn ùn ùn nhập

Tiếp tục câu chuyện đùi gà Mỹ bán giá khoảng 20.000 đồng/kg gây “sốc” thị trường thời gian qua, tại hội thảo về Tác động của Hiệp định TPP và hội nhập kinh tế tới ngành chăn nuôi Việt Nam.
Sáng 16/10, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Nguyên nhân quan trọng là trong khi nhiều nước lập tức cấm nhập thịt gà Mỹ do có dịch bệnh thì cơ quan quản lý Việt Nam sau gần 5 tháng mới cấm nhập.
Trong thời gian đó, các doanh nghiệp của Việt Nam lại lao vào nhập khẩu để thịt gà Mỹ ùn ùn về nước ta.
Giải thích rõ hơn về đánh giá này, ông Khanh cho biết: Từ cuối năm 2014, phía Mỹ thông báo đang có dịch cúm gà trên quy mô lớn.
Ngay lập tức, Chính phủ nhiều nước như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan...thông báo dừng nhập khẩu thịt gà từ Mỹ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, đến giữa tháng 5/2015 cơ quan quản lý mới có thông báo dừng nhập các sản phẩm thịt gà từ Mỹ.
Do đó, “thịt gà Mỹ vẫn tung tăng vào Việt Nam”.
Theo ông Khanh, đến tháng 8/2015, báo chí Việt Nam vẫn đăng tin doanh nghiệp Việt ùn ùn nhập thịt gà từ Mỹ về Việt Nam, khối lượng thịt gà nhập khẩu tăng đột biết.
“Có lẽ chỉ có Việt Nam mới có hành động lạ đời là khi gà ở nước họ đang bị dịch bệnh thì mình lại đổ xô đi nhập thịt gà của họ về” – ông Khanh nhấn mạnh.
Về mức giá, ông Khanh cho biết tại Mỹ, dù người dân không chuộng ăn thịt đùi nhưng giá bán trung bình cũng từ 1-1,5 USD/kg thì không thể có mức giá bán lẻ 20.000 đồng/kg tại Việt Nam.
Trong khi đó, rà soát của Bộ Công Thương cũng cho thấy chưa có bất kỳ cam kết nào về cắt giảm thuế với mặt hàng này hay thịt gà Mỹ có biểu hiện bán phá giá.
“Khả năng lớn nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu thịt gà đó về nước ta đã có gian lận thương mại.
Vì lợi nhuận, họ phớt lờ yếu tố sức khỏe của người tiêu dùng trong nước nên mới nhập thịt gà đó về bán cho người dân"- ông Khanh nhận định.
Cho nên, theo ông Khanh, thay vì rầm rộ lên tiếng kêu gọi tiến hành các biện pháp tự vệ, điều tra chống bán phá giá như thời gian qua, cần nghiên cứu để có cơ sở khoa học, khách quan và tuân thủ các quy định luật pháp và theo các cam kết quốc tế một cách thận trọng.
Vì Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không phải thích áp thuế 100% là được.
Đối tác cũng có cơ sở khoa học để kiện lại và áp mức thuế tương ứng với sản phẩm của ta.
Về thị trường khi TPP được ký kết, ông Khanh khuyến nghị: Bất kể vấn đề gì xảy ra, doanh nghiệp chăn nuôi cần đánh giá sự việc chính xác, có căn cứ và thật bình tĩnh xử lý vấn đề, thay vì cảm tính như thời gian vừa qua.
Có thể bạn quan tâm

Ban Quản lý Dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP)" tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm rau, quả an toàn của 7 cơ sở sản xuất, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.

Xuất khẩu rau quả trong hai tháng đầu năm nay đạt 136 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 22% so với cùng kỳ và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) hy vọng mặt hàng rau quả có thể đem về khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi cá lăng vàng không chỉ là hướng đi mới, mà còn hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển phong trào nuôi trồng thuỷ sản và cải thiện đời sống thu nhập cho bà con nông dân huyện Đông Triều (Quảng Ninh).

Để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, bên cạnh việc quy hoạch bãi giống, bãi đẻ thì việc tái tạo nguồn lợi thủy sản đang được quan tâm.

Nhiều hộ chăn nuôi dù đã bảo vệ thành công đàn gia cầm trong dịch cúm, nhưng lại khó bảo vệ kinh tế của mình trước lượng cầu đang sụt giảm.