Thiếu Thông Tin, Mất Cơ Hội

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có đợt làm việc tại Hàn Quốc vào cuối tháng 5-2014, bàn về hợp tác trong sản xuất, cung ứng những mặt hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường này. Trong đó, mặt hàng trái cây được Hàn Quốc đánh giá cao và đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu.
Trái xoài từ trang trại của ông Trần Cầu đắt hàng nhờ “bắt” đúng nhu cầu thị trường (ảnh chụp tại Lễ hội trái cây Nam bộ 2014).
Theo một số nhà vườn, hợp tác xã (HTX), gần đây không ít khách hàng từ Dubai, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... tìm đến tận nơi đặt vấn đề nhập khẩu trái cây. Tuy nhiên, xuất khẩu thành công vào những thị trường khó tính trên là điều không dễ.
* Làm sản phẩm khách cần
Vừa qua, các loại trái cây, như: xoài, thanh long, mít…liên tục rớt giá vì Trung Quốc giảm nhập hàng. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu các loại trái cây trên từ các thị trường, như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…ngày càng tăng. Nhưng cơ hội để xuất khẩu được vào các thị trường trên chưa nhiều do nông dân chưa xác định được rõ thị hiếu, nhu cầu của thị trường đối tác.
Ông Nguyễn Đăng Bông, Chủ nhiệm HTX xoài Phú Lý, cho biết hiện HTX có trên 32 hécta xoài sản xuất theo quy trình VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt theo quy chuẩn Việt Nam).
Tuy sản phẩm làm theo quy trình sạch, nhưng thương lái vẫn mua theo mức giá chung trên thị trường. Vụ thu hoạch vừa qua, nhiều nhà vườn thua lỗ vì từ thời điểm rộ mùa đến cuối vụ, nông dân chỉ bán được từ 1-2 ngàn đồng/kg. “Mục tiêu của HTX khi xây dựng VietGAP là để mở ra cơ hội về thị trường xuất khẩu.
Cái khó hiện nay là sản phẩm của HTX chủ yếu là giống xoài ba mùa mưa, trước nay chủ yếu chỉ xuất sang thị trường Trung Quốc, không phù hợp với nhu cầu của các nước Nhật, Hàn Quốc… HTX cũng nhiều lần chào hàng với siêu thị, nhưng không được chọn vì khách không chuộng”.
Ngược lại với câu chuyện trên, vụ thu hoạch vừa qua, ông Trần Cầu, chủ trang trại trồng xoài với diện tích trên 22 hécta ở xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) lại trúng lớn. Ông vẫn bán được xoài với giá vài chục ngàn đồng/kg nhờ loại trái cây này xuất khẩu tốt sang các thị trường Mỹ, New Zealand...
Ông Trần Cầu chia sẻ: “Giống xoài tôi đang trồng có nguồn gốc từ Florida (Mỹ), lai ghép với giống địa phương. Đây là loại trái cây được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Nhờ làm sản phẩm đúng thị hiếu khách nên không thiếu các đơn vị thu mua tìm đến đặt hàng xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, nhiều đoàn khách từ Dubai, Hàn Quốc đến tận vườn đặt vấn đề nhập khẩu xoài của trang trại”.
* Để vào thị trường khó tính
Theo các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu nông sản, trái cây vào các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản thường được trả giá cao hơn so với mặt bằng xuất khẩu chung, nhưng họ cũng đặt ra tiêu chuẩn khắt khe hơn nhiều. Trong đó, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm là các yếu tố được coi trọng hàng đầu.
“Tuy yêu cầu nghiêm ngặt nhưng nông dân vẫn có thể tiếp cận được những thị trường khó tính này. Điều quan trọng là phải xây dựng được vùng chuyên canh ổn định về sản lượng và đồng đều về chất lượng. Ở đây cần vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ cho nông dân đầu tư vào sản xuất. Bản thân tôi sẵn sàng hướng dẫn chuyển giao về kỹ thuật canh tác và cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân” - ông Cầu nói.
Ông Huỳnh Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH trái cây Long Khánh, nhận xét: “Một nghịch lý đáng buồn là trái cây của ta thường xuyên rớt giá vì đầu ra bấp bênh, trong khi doanh nghiệp lại phải từ chối đơn hàng xuất khẩu. Vì yêu cầu làm hàng xuất khẩu phải ổn định về sản lượng và chất lượng”.
Hiện tại, nhiều loại trái cây của Đồng Nai có diện tích lớn nhưng được trồng khá phân tán, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó đảm bảo về sản lượng và độ đồng đều của kích cỡ trái. Nông dân thì vẫn chưa quen với việc liên kết, khi thấy giá thị trường cao, họ sẵn sàng phá vỡ cam kết và bán hàng cho thương lái.
Theo Giám đốc Sở nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo, trái cây Đồng Nai đa dạng, được nhiều đối tác nước ngoài đánh giá cao về chất lượng. Nhưng để đạt điều kiện xuất khẩu, sản phẩm phải truy nguyên được nguồn gốc, đảm bảo về chất lượng, an toàn. Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân nên quan tâm đến việc làm nhãn hiệu, xuất xứ cho trái cây để có cơ hội tham gia vào thị trường xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Đó là chủ đề của Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 8, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp cùng UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức tại TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh vào sáng 17-8. Diễn đàn thu hút khoảng 400 đại biểu là nhà khoa học đến từ viện, trường; các nhà quản lý; nông dân nuôi cá ĐBSCL, doanh nghiệp chế biến cá tra, sản xuất thức ăn thủy sản.

Nhu cầu thả nuôi tăng cao, trong khi đó nguồn con giống đang khan hiếm đã kéo giá tôm càng xanh giống liên tục tăng cao kể từ đầu vụ đến nay.

Trước đây ở ấp 2 và ấp 3, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chỉ sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả thấp do thường gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 vụ lúa trong năm, nhằm tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết đang triển khai thí điểm mô hình nuôi 2.000 con cá sấu nước ngọt chất lượng cao tại trại cá sấu Tồn Phát (huyện Củ Chi).

Với bản tính cần cù, chịu khó, sau khi phục viên về địa phương, anh Nguyễn Long Anh (SN 1959) ngụ ấp 2, xã Mỹ Thạnh Bắc (Đức Huệ, Long An), đã cố gắng tích góp đầu tư chăn nuôi với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình.