Thiếu nguồn cho vay hộ nghèo, cận nghèo

Do thiếu vốn, bà Nguyễn Thị Hồng Xua gặp khó trong việc đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Hồng Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, những năm qua, nhờ tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH, giúp cho 108/228 hộ nghèo trong hội thoát nghèo, bình quân mỗi năm thoát từ 15-20 hộ nghèo.
Tuy nhiên, do nguồn vốn phân bổ có hạn nên vẫn còn 40 hộ nghèo chưa tiếp cận được vốn vay. Khó khăn nhất là nguồn vốn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của hộ vay, bình quân mỗi hộ nghèo được vay 10 triệu đồng, hộ cận nghèo 20 triệu đồng. Đa phần hộ vay sử dụng vào mục đích chăn nuôi heo, nhưng để đầu tư chuồng trại, con giống đòi hỏi chi phí đầu tư nhiều.
Với số tiền vay như trên chỉ nuôi ở quy mô nhỏ, do đó khi gặp trường hợp rủi ro thì hộ khó thoát được nghèo, nguy cơ tái nghèo cao.
Biết rằng, theo Quyết định số 34/QĐ-HĐQT ngày 26/4/2014 của HĐQT NHCSXH thì kể từ ngày 1-5-2014 nâng mức cho vay hộ nghèo, cận nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng có hiệu lực thực hiện từ lâu, nhưng với hạn mức cho vay này, rất ít hộ được vay tới số tiền trên.
Ông Trần Ngọc Kế Hậu, ở ấp Bình Tân, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, nói: “Nhờ vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo, gia đình có thêm nguồn vốn sản xuất, chăn nuôi. Tôi dự định nuôi thêm bò, nên đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu nhiều, khoảng 60 triệu đồng, cho nên tôi cần sự quan tâm của NHCSXH hỗ trợ để có đủ vốn vay cho đầu tư”.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Xua, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ ấp Bình Thuận, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo, rất khó khăn.
Năm 2011, được vay vốn của hộ nghèo từ NHCSXH, tôi đầu tư chăn nuôi vịt, sau thời gian nuôi đem lại lợi nhuận, có vốn tôi đầu tư nuôi thêm heo thịt. Nhờ vậy năm 2014 gia đình tôi đã thoát được hộ nghèo và trả sổ hộ nghèo.
Tuy nhiên, để vươn lên làm giàu phải chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Với mức được vay 10 triệu đồng, chưa thể mở rộng thêm. Sắp tới đầu tư chuồng nuôi thêm 10 heo tơ và 3 con nái, tôi cần vốn vay từ 30-40 triệu đồng”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, cho rằng để công tác xóa đói, giảm nghèo hiệu quả hơn thì hàng năm đối với những hộ đăng ký thoát nghèo, phía ngân hàng nên mạnh dạn tăng vốn cho vay để hộ có điều kiện đầu tư mở rộng mô hình, đặc biệt là đối với những hộ có mô hình làm ăn hiệu quả. Làm được như vậy mới giúp hộ thoát nghèo bền vững.
Tuy được xóa sổ hộ nghèo từ năm 2013, nhưng đến nay hộ ông Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp Vĩnh Hiếu, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cũng được vay ở mức 10 triệu đồng. Ông Hoàng cho biết: “Với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH cho hộ nghèo vay 10 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư vào nuôi gà.
Nay, tôi muốn mở rộng mô hình nuôi gà đẻ trứng, để đầu tư mô hình này nhu cầu vốn vay khoảng 40 triệu đồng. Mới đây, nghe thông tin Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho vay đối với những hộ mới thoát nghèo, tôi rất vui và hy vọng vay vốn được nhiều hơn để mở rộng chăn nuôi”.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng Phòng Kinh doanh - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH Chi nhánh Hậu Giang, cho biết nguyên nhân hạn chế trong cho vay hộ nghèo, cận nghèo thời gian qua là do nguồn vốn bổ sung có hạn, không được phân bổ mới, chủ yếu dư nợ cho vay từ việc thu vốn cho vay xoay vòng. Trong khi số lượng hộ nghèo nhiều, nên số tiền cho vay bị phân mỏng, manh mún.
Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Hậu Giang, cho biết: So với hạn mức quy định tối đa 50 triệu đồng, mức cho vay hiện tại thấp, chỉ đạt từ 9,5 triệu đồng/hộ. Nguyên nhân cho vay thấp là do các tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương chưa mạnh dạn bình xét các mô hình làm ảnh hướng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của người nghèo.
Việc đầu tư của hộ còn mang tính tự phát, chưa được các hội, đoàn thể hướng dẫn hộ vay điều chỉnh mô hình, chưa được hỗ trợ đầy đủ, dẫn đến sản xuất kém hiệu quả.
Hiện nay, chi nhánh ngân hàng đã được phân bổ 20 tỉ đồng để cho vay hộ mới thoát nghèo, đáp ứng cho vay khoảng 1.000 hộ, chiếm 10% hộ thoát nghèo trên địa bàn, bình quân mỗi hộ vay được 20 triệu đồng.
Để khắc phục thực trạng trên, có nguồn cho nhiều hộ nghèo vay, ngân hàng sẽ phối hợp với địa phương bằng nguồn thu hồi vốn cho vay hộ nghèo sau đó tập trung cho hộ mới thoát nghèo; phần còn lại cho vay hộ nghèo, làm thế nào nâng dần số tiền cho vay, phấn đấu mỗi hộ nghèo vay đạt mức trên dưới 15 triệu đồng/hộ.
Đồng thời, đẩy nhanh giải ngân để tranh thủ nguồn vốn Trung ương, cân đối thu hồi vốn của hộ cận nghèo để cho vay hộ mới thoát nghèo.
Bên cạnh đó, nâng cao công tác tuyên truyền sử dụng hiệu quả nguồn vốn, các cấp hội và chính quyền thường xuyên kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn, tuyên truyền thông tin những mô hình hiệu quả.
Ngày 21-7, Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Quyết định này quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Đối tượng áp dụng là hộ mới thoát nghèo là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, được UBND cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm.
Có thể bạn quan tâm

Vị giám đốc chưa đến 30 tuổi nhưng đã có 10 năm lập nghiệp từ nghề trồng gấc. Đến nay, công việc kinh doanh của anh phát triển sang nhiều lĩnh vực khác, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Chỉ tính trong nửa đầu năm 2014, diện tích thanh long trồng mới ở các địa phương khoảng 3.376 ha, đưa diện tích thanh long toàn tỉnh lên 23.927 ha. Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, đồng nghĩa với tình hình sâu bệnh hại xảy ra trên thanh long ngày càng phức tạp, nhất là bệnh đốm trắng, thán thư, gây nhiều thiệt hại cho nông dân.

Khoảng một tuần nay nhiều nơi ở ĐBSCL có mưa liên tục làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa hè thu. Chiều 22-6, ông Trần Điền Lang, Trưởng ấp Đông Giang, xã Đông Bình, huyện Thới Lai (Cần Thơ) cho biết, mưa dầm đã làm lúa bị đỗ ngã hàng loạt khiến chi phí thu hoạch tăng cao, tỷ lệ hao hụt nhiều và chất lượng lúa cũng bị ảnh hưởng.

Những năm qua, một số mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp theo chuẩn toàn cầu đã thuyết phục được nhiều nông dân làm theo, nhưng khó khăn về đầu ra khiến nông dân e ngại. Dù vậy, đây vẫn là xu hướng tất yếu để nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới trong giai đoạn hội nhập.

Tháng 1-5 âm lịch hàng năm là mùa cá “đoàn” - cách mà ngư dân đặt cho những loại cá nhỏ đi theo bầy và thường hay vướng vào lưới. Để rồi sau mỗi phiên biển, khi cập về bờ, chủ tàu phải huy động tất cả thuyền viên, thậm chí thuê thêm người mới giũ sạch được lưới...