Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) kịp thời xử lý, ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi

Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) kịp thời xử lý, ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi
Ngày đăng: 15/06/2015

TX Quảng Yên cũng là một trong số các địa phương trong tỉnh có diện tích nuôi tôm tương đối lớn, song bằng biện pháp thiết thực, thị xã đã kịp thời xử lý dịch bệnh, đảm bảo diện tích nuôi trồng phát triển tốt. Một trong những hộ dân có tôm bị nhiễm bệnh, ông Vũ Khắc Nhận, khu 12, phường Hà An (TX Quảng Yên) cho biết: Vụ năm nay gia đình tôi thả 15 vạn con giống tôm chân trắng trên diện tích 1,3ha với mật độ 20 con/m2 theo hình thức quảng canh.

Tất cả các giống tôm đều được nhập về từ các cơ sở uy tín, nguồn gốc con giống rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Ngay sau khi phát hiện ra tôm bị vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tuỵ cấp tính, gia đình tôi đã khẩn trương khoanh vùng tôm bị dịch bệnh; bổ sung các loại thức ăn có nhiều vitamin, khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.

Nhằm tránh lây lan dịch bệnh, gia đình không xả nước từ ao nọ sang ao kia, đồng thời xử lý triệt để môi trường các ao nuôi bị nhiễm bệnh. Thời gian qua, do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, khiến độ mặn tăng cao, gia đình chủ động được việc cấp nước cho ao đầm, thường xuyên theo dõi độ mặn của nước để điều chỉnh cho phù hợp. Đến nay, toàn bộ diện tích tôm của gia đình vẫn phát triển tương đối tốt và chuẩn bị thu hoạch.

Từ ngày 1-6, Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT) đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện ra 11 mẫu tôm của 7 hộ nuôi tại các phường Hà An, Minh Thành, Đông Yên Hưng dương tính với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tuỵ cấp tính. Đây là loại bệnh có nguy cơ gây tôm chết hàng loạt và có mức độ lây nhiễm ra diện rộng sang tôm nuôi đang khoẻ mạnh.

Ngay sau khi phát hiện ra tôm bị nhiễm bệnh, thị xã đã thông tin kịp thời cho các cơ sở nuôi biết về tình trạng bệnh lý của tôm nuôi, tuyên truyền cho các cơ sở có tôm bị nhiễm bệnh và các cơ sở trong vùng biết tình hình dịch bệnh. Thị xã cũng đã khẩn trương triển khai công tác khoanh vùng tôm bị nhiễm bệnh nhằm tránh lây lan sang các vùng khác.

Đồng thời, thường xuyên thu mẫu bùn, mẫu nước và mẫu tôm của các ao nuôi để giám sát, theo dõi, kiểm tra tình hình; quan trắc cảnh báo môi trường, bệnh dịch ở các vùng nuôi trọng điểm và các cửa cống, cửa sông chính phục vụ các vùng nuôi để kịp thời phát hiện dịch bệnh; phối hợp với các địa phương hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật nhằm chăm sóc tôm bị nhiễm bệnh, phòng tránh lây lan, giảm thiểu thiệt hại.

Các hộ nuôi xuất hiện dịch bệnh nghiêm túc thực hiện ký cam kết tuyệt đối không tháo nước chưa được xử lý ra hệ thống mương thoát nước chung của vùng nuôi. Đối với dụng cụ chăm sóc tôm, đồ dùng bảo hộ lao động được người dân sử dụng riêng cho từng ao nuôi và khử trùng sau mỗi lần sử dụng.

Để chủ động hơn trong công tác phòng dịch, hiện nay, thị xã đã cấp 4 tấn hoá chất Chlorine cho phường Hà An và dự phòng 13 tấn hoá chất tại phường Tân An. Đối với các hộ nuôi chưa phát hiện tôm nhiễm bệnh, thị xã đã phối hợp với hộ nuôi phun khử trùng bờ ao nuôi bằng hoá chất khử trùng.

Đồng thời, khuyến cáo hộ nuôi tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn. Thị xã đã tiến hành cấp định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng vi lượng nhằm cải thiện môi trường nước, mật độ tảo, ổn định pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc, tăng sức đề kháng cho tôm.

Ngay từ đầu vụ xuân hè, thị xã chủ động thực hiện chu đáo các bước chuẩn bị cho việc thả giống vào vụ. Điều này đã hạn chế tối đa dịch bệnh của tôm. Để hạn chế dịch bệnh có thể phát sinh, Quảng Yên đã xây dựng quy chế quản lý giống, vùng nuôi và cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về chất lượng giống thuỷ sản, vật tư, hoá chất, thức ăn phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; con giống nhập về phải được kiểm dịch hoặc tái kiểm dịch.

Việc đầu tư, nâng cấp các đầm nuôi của các hộ dân trong vùng được quan tâm hơn. Hệ thống công trình nuôi đã dần đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật. Công tác quản lý môi trường của cả vùng được quan tâm. Việc điều tiết nước được tốt hơn khâu chuẩn bị ao đầm là rất quan trọng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hồng Hưng, Phó phòng Kinh tế hạ tầng TX Quảng Yên cho biết: Ngay sau khi phát hiện tôm bị nhiễm bệnh, thị xã đã khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo tôm phát triển đến kỳ thu hoạch, giảm thiểu tối đa thiệt hại, hạn chế lây lan dịch bệnh. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, khâu quan trọng nhất đó là việc xử lý môi trường nước trong các ao đầm nuôi tôm.

Người dân nên thường xuyên thăm ao, phát hiện kịp thời nếu thấy hiện tượng tôm bị sốc, đặc biệt độ PH sụt giảm nên dùng vôi hoà với nước để bón xuống ao theo hướng dẫn của kỹ thuật.


Có thể bạn quan tâm

Xuất cấp vắc xin, hóa chất sát trùng cho 5 địa phương Xuất cấp vắc xin, hóa chất sát trùng cho 5 địa phương

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) vắc xin dịch tả lợn; hóa chất sát trùng Benkocid; hóa chất Chlorine 65% min; hóa chất sát trùng Han-Iodine thuộc hàng dự trữ quốc gia cho 5 địa phương để phòng chống dịch bệnh.

25/08/2015
Nghề nuôi dê ở Vũ Muộn (Bắc Kạn) Nghề nuôi dê ở Vũ Muộn (Bắc Kạn)

Vũ Muộn là xã vùng cao của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi vài năm trở lại đây nhân dân đã tập trung phát triển đàn dê núi rất hiệu quả. Nghề nuôi dê ở Vũ Muộn đã và đang trở thành mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho nông dân…

25/08/2015
Nuôi lợn trong chuồng lạnh Nuôi lợn trong chuồng lạnh

Từ xuất phát điểm là một hộ gia đình khó khăn, sau hơn 10 năm phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1972, ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã sở hữu 30 cây nhãn giống mới, gần 1 mẫu ao, 150 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt được nuôi trong hệ thống “chuồng lạnh” khép kín, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

25/08/2015
Nuôi trâu giúp đồng bào Xêtiêng ổn định cuộc sống Nuôi trâu giúp đồng bào Xêtiêng ổn định cuộc sống

Nuôi bò và dê ngày càng phát triển rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước do mang lại hiệu quả kinh tế và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vùng đồng bào Xêtiêng ở khu phố Đông Phất, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, nuôi trâu lại là thói quen nhiều đời và góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của họ.

25/08/2015
Tỷ phú nuôi vịt trời ở Khánh Tiên (Ninh Bình) Tỷ phú nuôi vịt trời ở Khánh Tiên (Ninh Bình)

Từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại thủ đô, rồi là nhân viên của Tập đoàn Mobifone, nhưng trong tâm khảm của anh Phạm Văn Nhật (xóm 4, xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn canh cánh mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Rời xa chốn phồn hoa đô hội, anh Phạm Văn Nhật đã trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi chí làm giàu.

25/08/2015