Thị xã Long Mỹ tập trung cho phát triển nông nghiệp

Các HTX ở ngoài tỉnh đến tham quan sản phẩm quýt đường của HTX quýt đường Long Trị, thị xã Long Mỹ.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại - dịch vụ thì thị xã Long Mỹ có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trên địa bàn đã xây dựng thương hiệu cho trái cây của vùng.
Để sản xuất nông nghiệp đi vào ổn định và phát triển bền vững, thị xã Long Mỹ đang tập trung củng cố, sắp xếp lại các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trong dân, tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp của người sản xuất là thay đổi từ cách nghĩ, cách làm.
Điển hình nhất là sự thay đổi trong việc liên kết 4 nhà trong sản xuất, tiêu thụ lúa. Tính đến nay, toàn thị xã thực hiện liên kết 4 nhà bao tiêu sản phẩm được 400ha lúa. Từ nay đến cuối năm, tiếp tục phát triển sự liên kết thêm 60ha nữa.
Sau khi được chia tách địa giới hành chính, đi đôi với việc kiện toàn bộ máy tổ chức hành chính, Thị ủy, UBND thị xã đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung cho phát triển sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, sắp xếp lại các HTX, tổ hợp tác để từng bước đi vào hoạt động ổn định. Để thực hiện công tác này, Phòng Kinh tế thị xã đang tiến hành rà soát, kiểm tra lại hoạt động của HTX và tổ hợp tác, nắm bắt tình hình hoạt động và nhu cầu để có kế hoạch cho hướng phát triển tới.
Đồng thời, kiện toàn hệ thống tổ chức Ban phòng, chống lụt bão, dịch bệnh, bằng mọi giải pháp thực hiện sản xuất nông nghiệp của thị xã Long Mỹ phải phát triển một cách bền vững và hướng tới chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định, có vị thế trên thị trường.
Để đạt mục tiêu, hiệu quả trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Út, Chủ nhiệm HTX quýt đường Long Trị, ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, chia sẻ:
“Để cách ly bệnh trên 5.000m2 trồng quýt đường, tôi quyết định đốn ngay phần diện tích cây quýt (1.000m2) bị nhiễm bệnh, trồng cây gừng thay vào. Vụ đầu thu hoạch 2,5 tấn gừng, tôi thu được 70 triệu đồng, so với quýt, gừng cho lời từ ngang tới hơn.
Tuy nhiên, quýt đường vẫn là cây đặc sản của vùng, đầu ra ổn định và có thương hiệu, nên tôi vẫn quyết tâm bám trụ với cây quýt đường.
Hôm nay, trên phần diện tích bị nhiễm bệnh, tôi đã xuống giống quýt đường trở lại và vẫn tiếp tục trồng gừng xen dưới phần diện tích đất trống.
Bên cạnh đó, dù hoạt động của HTX đã có hiệu quả, bình quân một năm mỗi xã viên thu nhập từ 70-80 triệu đồng.
Nhưng với vai trò là chủ nhiệm HTX, làm thế nào HTX hoạt động luôn ổn định có hiệu quả hơn và việc sản phẩm quýt trồng trong xã viên đều cho trái có chất lượng ngon, bán được giá cao, thương hiệu quýt đường Long Trị tiến xa hơn nữa là việc HTX luôn quan tâm.
Trong thời gian tới, nếu điều trị dịch bệnh trên cây quýt tốt, HTX phát triển thêm xã viên tham gia vào HTX và nhân rộng diện tích trồng quýt. Ngoài ra, thường xuyên nâng chất lượng hoạt động của HTX”.
Bà Lê Thị Nhãn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, cho biết dù mới được chia tách địa giới hành chính, có khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng đã có sự chuẩn bị tinh thần từ trước, nên không ảnh hưởng gì đến công tác quản lý của Hội.
Trong sản xuất nông nghiệp, Hội vẫn tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả ra hội viên.
Tiếp tục giúp vốn cho những mô hình phát triển bền vững; đồng thời củng cố hoạt động các tổ hợp tác theo hướng hiệu quả, hoạt động tốt và phấn đấu đạt chỉ tiêu về hộ thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Văn Thống, Phó Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, tuy còn những khó khăn nhất định, nhưng ngành nông nghiệp tiếp tục từng bước tháo gỡ. Trước mắt, sắp xếp lại hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất lúa, tiếp tục xúc tiến thương mại đưa thương hiệu quýt đường Long Trị ra nhiều thị thường.
Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông xây dựng 5ha để theo dõi dịch bệnh vàng lá, thối rễ và chất lượng trên cây quýt đường. Tạo điều kiện cho người nông dân phát triển mô hình thủy sản 2 lúa 1 cá để tăng thu nhập.
Tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi lươn trên bể bạc, nuôi cá đăng quầng trên ruộng.
Tăng cường công tác xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển gắn với đầu tư tập trung nhằm mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ưu tiên cho các chương trình chọn giống cây trồng vật nuôi và các dự án vùng lúa chất lượng cao, vùng mía nguyên liệu, khóm, vùng trồng màu, vùng nuôi thủy sản.
Đẩy mạnh củng cố phát triển công tác khuyến nông theo hướng hệ thống canh tác, tập trung. Nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác, sản xuất giỏi. Hướng dẫn các biện pháp bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nông sản phẩm.
Để sản xuất nông nghiệp đi vào ổn định và phát triển, bà Nguyễn Kim Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, cho biết thị xã chỉ đạo ngành kinh tế theo dõi, hướng dẫn nhà nông chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện Đề án cơ giới hóa nông nghiệp, Đề án 1.000, củng cố phát triển HTX theo kế hoạch và cải tạo vườn tạp.
Tiếp tục giải ngân theo tinh thần Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm

Ông Huỳnh Văn Vẹn ở xã Vĩnh Hội Đông An Phú (An Giang) cho biết, đầu mùa lũ, đáy dính cá linh non ít, bình quân mỗi ngày chỉ khoảng 5 - 10 kg.

Trái với sự sôi động, náo nhiệt tại khu vực phía Nam, ngành thủy sản miền Bắc hơn một thập kỷ qua vẫn chỉ dậm chân tại chỗ. Ngoài đặc thù địa lí, khí hậu, tập quán thì nguyên nhân chính khiến thủy sản miền Bắc èo uột như hiện tại là do hệ thống nghiên cứu và SX giống quá yếu, lem nhem.

Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết, sau khi Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tiến hành lấy mẫu giám định hiện tượng lúa bị bệnh vàng lá ở huyện Đông Hòa bằng phương pháp RT-PCR, xác định đó là bệnh vàng lá tungro. Tác nhân môi giới truyền bệnh là rầy xanh đuôi đen.

Mít siêu sớm có nguồn gốc từ Thái Lan, mới được du nhập vào các tỉnh Đồng Bằng Sông Cứu Long một số năm gần đây nhưng đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều nhà vườn và người tiêu dùng vì có nhiều ưu điểm mà giống mít bình thường không có được: Dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí phân, thuốc thấp, năng suất, lợi nhuận cao, một cây mít ở độ tuổi 2 năm trở lên cho thu hoạch bình quân 100kg trái/năm.

Sau gần 2 năm (2012 - 2013) triển khai, thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”, kết quả ghép cải tạo thí điểm thành công mô hình giống nhãn địa phương cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần đang mở cho hướng phát triển nhãn ở Sông Mã.