Thị trường Phân bón nguồn cung dồi dào, giá ổn định

Tại ĐBSCL, Đại lý Thu Dung (đại lý cấp 1) ở tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện nay nhờ Nhà máy đạm Phú Mỹ đã bảo dưỡng xong, hàng cung cấp rất mạnh và đều đã khiến cho thị trường phân bón tại khu vực đã ổn định. Giá bán đến nông dân hiện nay như sau: phân đạm từ 8.400-8.800đ/kg; Kali: 8.600 – 8.700 đ/kg; DAP châu Âu: 12.800 – 12.900 đ/kg (tuỳ loại và địa điểm giao hàng).
Tương tự, trao đổi với NNVN nhiều đại lý cấp 1 tại ĐBSCL cũng cho biết: Thời gian gần đây do nguồn cung dồi dào, đa dạng chủng loại nên giá các mặt hàng phân bón đặc biệt là Urê đã giảm khá mạnh khiến bà con nông dân rất phấn khởi.
Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Út nông dân ở ấp Trà Quýt A, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hôm bữa nghe tin giá Urê tăng cao tui chưa có mua, nhưng bữa rày ra đại lý mua thì thấy bảo giá đã hạ rồi nên cũng không biết giá cao hơn bao nhiêu. Với giá Urê như hiện nay là 8.300đ/kg thì rẻ hơn so với cùng thời điểm này năm ngoái – bà Út vui cười nhớ lại.
Theo ghi nhận của NNVN tại các tỉnh miền Trung, phần lớn khu vực đã hoàn tất chăm bón đợt 2 cho cây lúa, một số địa phương đã bón đợt 3 nên nhu cầu phân bón không cao. Cùng với lượng cung tăng mạnh nên giá Urê hiện đã giảm từ 200 - 400đ/kg.
Nguồn cung phân bón đang tăng mạnh cũng góp phần làm cho giá phân bón giảm
Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên, bà con nông dân đã chăm bón xong đợt 1 cho cây cà phê nên nhu cầu phân bón cũng giảm mạnh hơn như trước khi bước vào đợt chăm bón đợt 2.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng khiến giá Urê giảm đó là: Sau thời gian tăng giá khá mạnh vừa qua, giá Urê thế giới tuần qua bắt đầu giảm nhẹ ở hầu hết các thị trường.
Cụ thể, tại Trung quốc, giá giao thầu và giá nội địa đều giảm, vụ hè dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 7 nguồn cung xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng sau thời điểm này. Tại thị trường Nga (Yuzzny), giá urê giảm xuống 285usd/t FOB, nhu cầu giảm thấp đặc biệt là Châu Âu. Giá các gói thầu tại Sri Lanka tuần qua cho thấy rõ xu hướng giảm của Urea thế giới với việc các đơn vị chào bán thấp hơn gần 11usd/t so với gói thầu 1 tháng trước đây.
Chiều 8/7, trao đổi với NNVN đại diện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho biết: Sau thời gian ngừng máy để thực hiện công tác bảo dưỡng định kỳ, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã vận hành ổn định từ ngày 20/6/2015 và đạt công suất tối đa (khoảng 2.400 tấn/ngày).
Sáu tháng đầu năm 2015, PVFCCo đã cung cấp ra thị trường gần 440.000 tấn Đạm Phú Mỹ và hơn 200.000 tấn phân bón khác góp phần bình ổn thị trường phân bón theo hướng giảm
Toàn bộ lượng hàng này đã được khẩn trương đưa về các khu vực trong cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2015, PVFCCo đã cung cấp ra thị trường gần 440.000 tấn Đạm Phú Mỹ và hơn 200.000 tấn phân bón khác. Ngày 7/7 vừa qua, 27.500 tấn Kali Phú Mỹ do PVFCCo nhập khẩu cũng đã cập cảng, hiện nay lượng hàng này đang được PVFCCo tích cực đóng gói và vận chuyển về các vùng, miền để tiêu thụ kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm bón của bà con nông dân.
Ngoài ra, dự kiến giữa tháng 7 tới đây lượng hàng do các doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesiasẽ cũng về cảng. Như vậy, nguồn cung phân bón trong nước trong thời gian tới chắc chắn sẽ dồi dào và giá các loại phân bón được dự báo sẽ tiếp tục ổn định theo hướng giảm nhẹ.
Có thể bạn quan tâm

Cây điều nhiều năm mất mùa, mất giá, nhưng thay đổi loại cây trồng khác trên diện tích đất đồi dốc là điều rất khó đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Điểu Đan ở thôn 5, xã Minh Hưng (Bù Đăng - Bình Phước) đã lên rừng mang giống rau nhíp về trồng xen trong vườn điều và ca cao. Đây là cách làm mới, vừa tăng thu nhập, vừa giúp bảo tồn một loại cây thực phẩm, có dược tính của đồng bào Xêtiêng ở Bình Phước.

Từ lần gặp đầu tiên, tôi rất ấn tượng với chú bởi tác phong nhanh nhẹn và cởi mở. Chú là người biết nắm bắt cơ hội để làm kinh tế gia đình: nuôi ong lấy mật và làm du lịch. Chú Lê Hữu Phước, 58 tuổi, một nông dân chân chất, thích học hỏi, ngụ ở ấp Phú Hiệp - xã Vĩnh Bình (Chợ Lách - Bến Tre).

Thời gian qua, một số nông dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bỏ cây tràm chuyển qua trồng cây xà cừ. Theo các hộ dân, trồng xà cừ lợi nhuận cao hơn 3 lần trồng tràm và tốn ít công hơn. Ông Hồ Sơn Tư, chủ trang trại lớn ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc - Đồng Nai), cho biết với diện tích khoảng 25 hécta xà cừ năm thứ 12 - 13, hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất gỗ tới hỏi mua với giá 2,5 - 3 triệu đồng/m3. Sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 600 triệu đồng/hécta.

Huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) có trên 9.240ha trồng cây ăn trái, trong đó có 2.408ha cam sành. Nhờ làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa cây có múi xuống chân ruộng đang được nông dân huyện Trà Ôn phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội ND xã Minh Khai cho biết: Hội ND xã đã sớm về đích chi hội, cơ sở hội khá, vững mạnh với nhiều tiêu chí đạt trên 100% chỉ tiêu huyện giao. Cụ thể, Hội ND đã phát triển được 40 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 1.448; 4/4 chi hội đạt vững mạnh xuất sắc.