Thí điểm trồng chuối mốc cấy mô

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, thời gian qua, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao xây dựng phương án sản xuất mía tím và chuối mốc từ nuôi cấy mô.
Huyện đã chuyển giao 5.000 cây chuối cấy mô cho nông dân các địa phương, gồm: Thành Sơn (2.500 cây), Sơn Hiệp (500 cây), Tô Hạp (1.000 cây) và Ba Cụm Bắc (1.000 cây) để trồng thí điểm trên tổng diện tích 5ha.
Đối với giống mía tím cấy mô, cuối năm 2016, huyện sẽ chuyển giao 360.000 hom mía giống để người dân trồng thí điểm trên diện tích 1ha.
Thu hoạch chuối ở Khánh Sơn
Tại Khánh Sơn, cây chuối tập trung chủ yếu ở xã Thành Sơn với tổng diện tích gần 450ha.
Cây chuối là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, hiện nay, giống chuối mốc trên địa bàn đã bị thoái hóa nên năng suất, chất lượng thấp, thu nhập của người dân từ cây chuối chưa cao.
Ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: “Chúng tôi hy vọng, với những ưu điểm vượt trội, giống chuối mốc cấy mô sẽ kháng bệnh, sinh trưởng tốt, năng suất cao...
từ đó mang lại thu nhập khá cho người dân.
Nếu thí điểm thành công, địa phương sẽ kiến nghị huyện cho nhân rộng giống chuối này để thay thế dần giống chuối mốc cũ trên địa bàn xã”.
Tại xã Ba Cụm Bắc, hộ ông Bo Bo Khuyến (thôn Tha Mang) trồng gần 2ha chuối mốc giống cũ.
Trước đây, cây chuối phát triển tốt, nhiều cây cho quả to, bán được giá, giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định.
Nhưng qua thời gian, vườn chuối của gia đình anh Khuyến dần cằn cỗi, ra buồng nhỏ, không ít cây ra quả rồi bị chết.
Theo anh Khuyến, cây chuối phát triển kém do nắng hạn kéo dài.
Hơn thế, phần lớn diện tích chuối ở Ba Cụm Bắc được trồng cách đây rất lâu nên đã già cỗi, nhiều khu vực bị sâu bệnh nên ra ít buồng, quả nhỏ.
Vì vậy, việc thay thế giống chuối mốc cũ bằng giống chuối cấy mô rất cần thiết.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, lúc cao điểm, diện tích chuối trên địa bàn huyện lên đến hơn 1.000ha.
Tuy nhiên, do sâu bệnh, giống chuối thoái hóa cho năng suất thấp; có thời điểm giá chuối xuống thấp nên diện tích hiện nay chỉ còn khoảng 700ha.
Thực tế, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, việc trồng chuối từ giống cấy mô sạch bệnh là một hướng đi đúng.
Bởi các loại giống được sản xuất bằng phương pháp cấy mô sạch bệnh đã thể hiện những ưu điểm vượt trội về hình thái, tốc độ tăng trưởng, chất lượng cao hơn nhiều so với giống cũ khi chưa được phục tráng.
“Sau 1 năm thí điểm, chúng tôi sẽ đánh giá cụ thể kết quả mô hình, nếu thành công sẽ dần thay thế toàn bộ giống chuối mốc thoái hóa kém chất lượng trước đây bằng giống nuôi cấy mô sạch bệnh, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân”, ông Hiếu nói.
Có thể bạn quan tâm

Sau vụ thu hoạch vải thiều, thời tiết trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thường có nắng mưa xen kẽ gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều. Đặc biệt là ở những vườn vải thấp, dễ xảy ra tình trạng ngập úng nhiều ngày. Nếu người dân không làm rãnh thoát nước tốt thì cây vải thiều sẽ chết rút.

Hơn 20 hộ dân ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng) tự phân công sản xuất từng loại rau theo thỏa thuận với hệ thống siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh. Quy trình sản xuất được kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu hộ nào không tuân thủ sẽ chịu các hình thức kỷ luật tương xứng như cảnh cáo, khai trừ…

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đàn bò thịt cả nước từ 6,7 triệu con năm 2007 giảm xuống còn 5,07 triệu con vào năm 2014, tức chỉ trong 7 năm đã giảm khoảng 1,63 triệu con. Do nguồn cung trong nước đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu tiêu dùng nên Việt Nam phải nhập khẩu 300.000 - 400.000 con bò thịt mỗi năm từ Australia, Lào, Campuchia, Thái Lan...

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận đã trồng mới 1.968 ha thanh long. Các huyện có diện tích trồng mới thanh long nhiều gồm huyện Bắc Bình 520 ha, Hàm Thuận Nam 499 ha, La Gi 351 ha và Hàm Thuận Bắc 280 ha. Nâng tổng diện tích thanh long toàn tỉnh đến cuối tháng 6/2014 đạt 22.470 ha.

Linh hoạt cấp vốn vay theo từng giai đoạn của dự án là hình thức đang được các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai trong Chương trình Cho vay thí điểm theo chuỗi nông nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai từ đầu tháng 6/2014.