Thêm giống lúa ngắn ngày

Vụ mùa 2015, Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách (Hải Dương) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu & phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực & cây thực phẩm) trình diễn mô hình thâm canh giống lúa thuần chất lượng ngắn ngày N25.
Lúa N25 đã khảo nghiệm trên diện rộng ở Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Bình... và được công nhận SX thử. Ông Hà Văn Nhân, tác giả của N25 cho biết, đây là giống ngắn ngày, chịu thâm canh cao, cứng cây.
TGST vụ mùa 85 - 90 ngày; vụ xuân 115 - 120 ngày. Chiều cao cây 98 - 102 cm, dạng hình gọn, thân đứng, lá to màu xanh vàng. Tốc độ sinh trưởng và thời gian vào chắc đến chín hạt nhanh, số hạt/bông đạt 125 - 180, tỷ lệ lép thấp (< 10%), trọng lượng 1.000 hạt 22 - 23 gr.
Chất lượng gạo mềm, ngon, vị đậm, mùi thơm nhẹ. Năng suất khoảng 60 - 65 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 70 tạ/ha.
Vụ mùa 2015, N25 được SX với quy mô 5 ha tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nam Sách. Giống đối chứng là Khang dân 18 (giống phổ biến tại địa phương).
Qua theo dõi cho thấy, gieo cấy cùng thời điểm, chăm sóc như nhau, 2 giống lúa có khả năng đẻ nhánh tương đương nhau (trung bình đạt 9 dảnh hữu hiệu/khóm). Song TGST của giống Khang dân 18 dài hơn giống N25 từ 5 - 7 ngày.
Thời gian từ cấy đến đứng cái, từ đứng cái đến trổ bông của hai giống lúa Khang dân 18 và N25 tương đương nhau nhưng khả năng trổ thoát của N25 nhanh hơn 2 - 3 ngày.
Nổi bật nhất là giống N25 từ trỗ đến chín ngắn hơn Khang dân 18 từ 3 - 4 ngày.
Như vậy so sánh về TGST của 2 giống thì N25 ngắn hơn Khang dân 18 từ 5 - 7 ngày. Đây là một đặc điểm ưu việt của giống để nông dân có thể tranh thủ thời gian bố trí các cây vụ đông sớm có giá trị kinh tế cao.
Mặt khác, theo nhiều nông dân đánh giá, sớm được cả tuần như vậy sẽ bớt được rất nhiều chi phí về thuốc BVTV, nước tưới...
Đánh giá về khả năng chống chịu bất lợi thời tiết và kháng sâu bệnh của 2 giống lúa cho thấy: Do tán lá thẳng đứng, màu lá hanh vàng từ thời lúa con gái nên N25 không bị sâu bệnh hại nhiều.
Vụ mùa 2015 bệnh khô vằn lại nhiễm nhiều trên giống Khang dân 18 ở mức vừa đến trung bình nhưng N25 sạch bệnh.
Thời tiết vụ mùa năm nay có nhiều diễn biến phức tạp (giai đoạn lúa đẻ nhánh hữu hiệu và làm đòng gặp nắng nóng kéo dài, giai đoạn đứng cái lại có mưa lớn nhiều ngày) nhưng giống N25 vẫn thích ứng rất tốt.
So sánh về năng suất thực thu thì 2 giống cho năng suất tương đương (2 - 2,2 tạ/sào) nhưng về chất lượng gạo thì N25 vượt trội hơn hẳn: trắng trong, cơm dẻo, không dính và có vị đậm.
Với những ưu điểm nổi trội của N25 cho thấy đây là giống lúa có triển vọng thay thế Khang dân 18 bởi ngắn ngày, kháng sâu bệnh tốt, ít mẫn cảm với thời tiết bất lợi, chất lượng gạo ngon, rất thích hợp cho các vùng luân canh 3 - 4 vụ/năm, giảm được nhiều chi phí cho nông dân và tăng giá trị thu nhập
Có thể bạn quan tâm

Vụ đông 2014-2015, xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) gieo trồng 80 ha cây trồng vụ đông, trong đó ngoài trồng các loại cây truyền thống, như: ngô, khoai tây, ớt xuất khẩu, thuốc lào, rau các loại, xã còn liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương (công ty cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm) trồng thử nghiệm 6 ha khoai lang ruột vàng có chất lượng cao.

Trong chăn nuôi nói chung và nuôi bò sữa nói riêng việc áp dụng tốt các giải pháp về thú y có ý nghĩa quan trọng, vì quản lý tốt dịch bệnh trong chăn nuôi sẽ giúp tăng đàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững. Sóc Trăng hiện đang tập trung thực hiện dự án phát triển đàn bò sữa giai đoạn 2013-2020.

Hai đối tượng nuôi chủ lực là cá tra và tôm đều cho hiệu quả cao. Cá tra đạt sản lượng trên 1,1 triệu tấn trên tổng diện tích nuôi 5.200 ha; tôm nước lợ đạt gần 550.000 tấn trên tổng diện tích nuôi 666.000 ha. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi lẫn sản lượng.

Tại diễn đàn, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng VN cho biết, kết quả nghiên cứu chứng minh hạt điều là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chỉ số đường huyết thấp, có thể góp phần vào việc phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường.

Sau lần thất bại từ việc nuôi gà thả vườn, vốn liếng cạn kiệt dần nhưng anh không nản lòng mà tiếp tục cố gắng tìm hướng đi mới. Hiện tại, anh đã thành công với mô hình nuôi chim trĩ đỏ. Tại địa phương, anh được nhiều người biết với cái tên thường gọi là “anh Quyền chim trĩ”.