Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thêm Động Lực Cho Người Nuôi Tôm

Thêm Động Lực Cho Người Nuôi Tôm
Ngày đăng: 02/04/2013

Cà Mau là 1 trong 21 tỉnh, thành được chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315 của Chính phủ. BHNN như nguồn động lực lớn khích lệ nông dân mạnh dạn đầu tư, tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm tính cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường.

Áp dụng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên tôm nuôi theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Chính phủ, Cà Mau tiến hành thử nghiệm tại 9 xã của 3 huyện, thành phố gồm: Đầm Dơi, Cái Nước và TP Cà Mau với các loại hình nuôi: công nghiệp, quảng canh cải tiến; đối tượng nuôi là tôm sú và thẻ chân trắng, tổng diện tích 24.100 ha.

Đến nay có trên 1.300 hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) của bà con nông dân đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh (đơn vị được chỉ định bán bảo hiểm) đã chi trả khoảng 10 tỷ đồng giá trị hợp đồng bảo hiểm.

Ông Trịnh Hoàng Khanh, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Cà Mau, cho hay: “Bảo hiểm thí điểm đã qua như phao cứu sinh nâng đỡ người nuôi tôm. Nhờ đó họ có vốn để cải tạo vụ mùa mới sau rủi ro”.

Chung tay vào cuộc

9 xã được chọn triển khai thực hiện thí điểm là: Tân Duyệt, Trần Phán, Tạ An Khương Nam (huyện Đầm Dơi); Hưng Mỹ, Hoà Mỹ, Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) và Hoà Tân, Hoà Thành, Định Bình (TP Cà Mau). Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ cho phát triển lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện tốt, tỉnh triển khai và có sự gắn kết giữa các đơn vị: công ty bảo hiểm, chi cục nuôi trồng thuỷ sản, chi cục thú y, chi cục thuỷ lợi, trung tâm khuyến nông - khuyến ngư và chính quyền địa phương các cấp. Trong đó, ngành nông nghiệp giữ vai trò quan trọng.

Ông Trịnh Hoàng Khanh cho biết: Bảo Minh Cà Mau chỉ đạo cho các đại lý bảo hiểm lập thủ tục chặt chẽ, tư vấn nhiệt tình cho bà con: khi ký kết HĐBH phải có sơ đồ, hình ảnh xác định chính xác vị trí ao nuôi, diện tích từng ao và số lượng con giống thả nuôi.

Đồng thời, Công ty Bảo Minh Cà Mau tăng cường tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho các đại lý bảo hiểm, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để triển khai khi có chủ trương mở rộng thêm các xã, phường, thị trấn tham gia thí điểm BHNN trong thời gian tới.

Để ngành chức năng xác định được mật độ thả nuôi thực tế từng ao đầm của người tham gia bảo hiểm, các hộ tham gia thí điểm BHNN khi thả vụ tôm nuôi mới phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của chi cục nuôi trồng thủy sản; chứng nhận tổ chức, cá nhân có địa chỉ rõ ràng, số lượng cụ thể theo hóa đơn quy định; giấy xét nghiệm âm tính với 3 bệnh: đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi (tôm sú) và 4 bệnh: đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi và taura (thẻ chân trắng).

Về trách nhiệm chuyên môn của các ngành thuộc Sở NN&PTNT, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở, cho biết, các đơn vị này phối hợp chặt chẽ với các huyện, UBND các xã, các đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tham mưu, báo cáo đề xuất với Ban Chỉ đạo tỉnh xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo tinh thần quyết định của Chính phủ về BHNN, khi hộ dân tham gia tuỳ theo loại đối tượng mà được hưởng ưu đãi. Hộ nghèo được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm; hộ cận nghèo 80% và những hộ thuộc diện còn lại được hỗ trợ 60% phí đóng bảo hiểm.

“Tuy nhiên, đã qua trong số hợp đồng bảo hiểm tôm nuôi ở Cà Mau tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tham gia rất hạn chế. Phần vì chính sách còn quá mới mẻ, phần vì hầu hết những hộ nông dân nghèo, cận nghèo không đủ vốn để đầu tư sản xuất đạt những điều kiện được bảo hiểm”, ông Khanh lý giải.

Nông dân hưởng lợi

Anh Trần Văn Nhớ, Trưởng Ban nhân dân ấp Tân Khánh, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, phấn khởi: “Trước đây, khi chưa áp dụng bảo hiểm trên tôm nuôi, nông dân trong ấp có phát triển mô hình nhưng không nhiều.

Đôi khi có trường hợp rủi ro, hết vốn phải thế chấp tài sản cho ngân hàng rồi rời bỏ vuông tôm, gia đình đi làm ở tỉnh khác. Từ tháng 5/2012, khi chính sách mới về bảo hiểm tôm triển khai, số bà con nuôi tôm công nghiệp, quảng canh cải tiến của ấp nhiều hẳn, cộng thêm số lượng đăng ký bảo hiểm cũng tăng.

Đến nay, cả ấp có trên 27 hộ nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến với diện tích khoảng 26 ha, trong đó có gần 50% tham gia bảo hiểm. Còn lại, do điều kiện nuôi không bảo đảm theo ràng buộc, điều khoản của hợp đồng. Qua gần 1 năm, có vài trường hợp nông dân gặp rủi ro có nguồn vốn tái sản xuất vì được thanh toán HĐBH”.

Anh Nhẩm, nông hộ nuôi tôm công nghiệp xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tâm sự: Vừa qua, sau khi tìm hiểu chính sách bảo hiểm, tôi đăng ký tham gia 1 trong 2 ao tôm. Sau hơn 40 ngày nuôi, không may tôm phát bệnh và thất trắng.

Nhờ có bảo hiểm chi trả mà gia đình tôi có vốn tái sản xuất vụ mới. Hiện tôi đã đăng ký bảo hiểm cho cả 2 ao tôm đang phát triển tốt.

Anh Linh, nhà gần đó, cũng cho hay anh vừa ký xong hợp đồng bảo hiểm. Anh cho rằng, có được sự hỗ trợ như thế này thì nông dân an tâm hơn trong sản xuất.

Gần 1 năm triển khai ở 9 xã của 3 đơn vị huyện, thành phố trong tỉnh, chủ trương thí điểm BHNN được nhân dân đồng tình hưởng ứng và rất trông đợi triển khai đại trà. Đã qua, tỉnh đã hoàn thành thủ tục đăng ký trên 1.300 hợp đồng.

Do tình hình thời tiết phức tạp sau Tết Nguyên đán, lượng tôm nuôi liên tục bị thiệt hại, chỉ tính riêng mức thiệt hại tính được (từ nguồn chi trả bảo hiểm) đã lên đến con số 10 tỷ đồng.

Ông Khanh cho biết thêm: “Hiện Công ty Bảo Minh đang xem xét 500 hồ sơ khai báo được bảo hiểm và chuẩn bị bồi thường 200 hợp đồng giá trị khoảng 7 tỷ đồng nữa trong tháng 3 và đầu tháng 4 này”.

Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng BHNN tại Cà Mau đã và đang phát sinh nhiều vướng mắc: địa bàn rộng khó quản lý; nhân lực phục vụ còn mỏng; nhận thức và trình độ kỹ thuật nuôi của người dân còn chưa cao; các điều kiện thuỷ lợi, con giống chưa bảo đảm.

Gần đây ở các tỉnh trong khu vực xảy ra tình trạng trục lợi từ BHNN. Ông Châu Công Bằng khẳng định: “Ban thanh tra tiến hành kiểm tra rộng khắp ở những địa phương triển khai bảo hiểm nhưng chưa phát hiện sai phạm. Chỉ phát hiện và đã đôn đốc công ty bảo hiểm lập thủ tục chi trả chậm với một vài trường hợp”.

Ông Khanh cũng khẳng định: “BHNN triển khai ở Cà Mau đến nay vẫn trong vòng kiểm soát nghiêm. Với những trường hợp chậm trễ được nhắc nhở chúng tôi khắc phục ngay, bởi theo quy định bảo hiểm chi trả thiệt hại trong vòng 30 ngày làm việc khi có đủ hồ sơ thẩm định, kết quả xét nghiệm bệnh lý”.


Có thể bạn quan tâm

Con Tôm Càng Xanh Ngày Càng Tăng Giá Trị Con Tôm Càng Xanh Ngày Càng Tăng Giá Trị

Đồng Tháp là tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế. Ngoài sản lượng lúa ổn định hàng năm trên 2,8 triệu tấn, thủy sản là thế mạnh thứ hai với chủ lực là con cá tra, mỗi năm xuất khẩu sản phẩm đông lạnh trên dưới 120.000 tấn. Những năm gần đây, con tôm càng xanh được lãnh đạo các địa phương quan tâm với mô hình nuôi trên ruộng lúa mùa nước nổi. Diện tích nuôi tôm ngày càng gia tăng. Giá trị kinh tế từ con tôm càng xanh ngày càng được khẳng định.

21/10/2012
Làm Giàu Từ Chồn Hương Và Cà Phê Chồn Làm Giàu Từ Chồn Hương Và Cà Phê Chồn

Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.

11/05/2013
Bền Bỉ Với Con Tôm Sú Bền Bỉ Với Con Tôm Sú

Điều kiện môi trường bất lợi, hàng trăm người nuôi tôm ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) đã bỏ nghề, nhưng nhiều năm nay, tại ao nuôi của ông Lê Quang Hùng guồng quay máy sục khí vẫn hoạt động bền bỉ. Ao nuôi tôm của ông là một trong số ít những điểm sáng trên vùng đất nuôi thủy sản đã bỏ hoang nhiều năm của khu vực này.

04/06/2013
Chăn Nuôi Gà Tàu Theo Hướng An Toàn Sinh Học Tại Huyện Châu Thành (Long An) Chăn Nuôi Gà Tàu Theo Hướng An Toàn Sinh Học Tại Huyện Châu Thành (Long An)

Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả điều tra “Tình hình chăn nuôi, đặc điểm ngoại hình gà tàu và đề xuất quy trình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2013 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” đây là giai đoạn 1 của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành đăng ký chủ trì thực hiện; tiến sĩ Đoàn Đức Vũ giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam và kỹ sư Nguyễn Thị Đậm trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành làm chủ nhiệm đề tài.

22/10/2012
Trồng Màu Trên Đất Lúa Trồng Màu Trên Đất Lúa

Từ lâu, các nhà khoa học đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh lúa màu trên đất lúa kém hiệu quả.

28/07/2013