Thêm 2 Giống Đu Đủ Mới

2 giống đu đủ này do Khoa Nông học, Trường Đại học nông nghiệp Hà Nội tuyển chọn, lai tạo từ nguồn giống bản địa và nhập nội. Thay mặt nhóm tác giả, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, chủ nhiệm đề tài cho biết: Ở nước ta cây đu đủ rất được coi trọng, được trồng nhiều vì có nhiều lợi ích- vừa dùng ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến các loại nước giải khát, nước quả, pu rê, làm mứt như một loại cây ăn quả vừa có thể sử dụng như một loại rau trong đời sống hàng ngày hoặc chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích loại cây quan trọng này trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân theo ông Hoan chính là chúng ta chưa có giống tốt có khả năng cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mặt khác hầu hết các giống đu đủ nhập nội đều bị nhiễm bệnh virus xoăn lá là nguyên nhân làm cho cây nhanh tàn, gây thiệt hại lớn cho người trồng. Bên cạnh đó do giá hạt giống nhập nội rất cao, nhiều hộ nông dân không dám đầu tư để phát triển.
Với mục tiêu nhanh chóng tuyển chọn, lai tạo được một số giống đu đủ mới có những ưu điểm vượt trội so với giống nhập nội như: khả năng kháng bệnh tốt hơn, năng suất, chất lượng tương đương hoặc cao hơn, sản xuất hạt giống lai F1 với giá thành thấp hơn để cung cấp cho nông dân nhằm mở rộng diện tích, từ năm 2005 đến nay các nhà khoa học Bộ môn Di truyền và chọn tạo giống thuộc Khoa Nông học, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo và trồng thử nghiệm thành công 2 giống đu đủ mới đáp ứng những tiêu chí nói trên đặt tên là VNĐĐ9 và VNĐĐ10.
Giống VNĐĐ9 là kết quả của tổ hợp lai giữa giống đu đủ Đài Loan quả dài với giống đu đủ bản địa được thu thập từ tỉnh Sóc Trăng; giống VNĐĐ10 được lai giữa giống đu đủ Trung Quốc quả dài với giống đu đủ bản địa của tỉnh Quảng Ninh. Đây là 2 giống tốt nhất trong số các tổ hợp lai triển vọng được đưa vào trồng thử nghiệm sản xuất từ tháng 11/2009 đến nay tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ và Hà Nội đều sinh trưởng, phát triển tốt, tỏ ra thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu những nơi làm thí nghiệm.
VNĐĐ9 có dạng quả tròn, khối lượng bình quân 1,34kg/quả, thịt quả đỏ đậm; VNĐĐ10 có dạng quả dài, khối lượng bình quân đạt 1,75kg/quả, thịt màu vàng tươi; Cả 2 giống mới được chọn tạo có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống đu đủ Hồng Phi, một giống nhập nội của Đài Loan hiện đang được trồng nhiều ở nước ta làm đối chứng: chất lượng tương đương (độ Brix từ 11,36-12,41, ăn có vị ngọt đậm); thấp cây, chiều cao đóng quả thấp thuận lợi cho chăm sóc và thu hoạch.
Thời gian cho thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng, 15 ngày cho thu quả một đợt, năng suất tương đương hoặc cao hơn, 81,6 tấn/ha (VNĐĐ9), 115 tấn/ha (VNĐĐ10) so với Hồng Phi 73,6 tấn/ha. Cả 2 giống đều cho tỷ lệ cây cái và cây hữu tính rất cao, gần như 100%; nhiễm rất nhẹ với virus đốm nhẫn lá, không nhiễm với virus khảm lá, thối cổ rễ, cháy lá do vi khuẩn và nhện trong khi giống Hồng Phi bị nhiễm rất nặng các bệnh này.
KS. Nguyễn Thị Bích Hồng cùng nhóm nghiên cứu cho hay, năm 2010 anh Tiến ở xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tham gia trồng 9 sào đu đủ mô hình hiện đã thu được trên 40 triệu đồng, bán với giá từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg, giống dễ trồng, đầu tư ít mà thu lợi nhuận cao, hiện nông dân Thanh Sơn rất ưa chuộng và mong muốn có giống để mở rộng diện tích.
Điều đặc biệt khiến các thành viên hội đồng nhất trí đánh giá cao kết quả của đề tài là các tác giả đã tiến hành sản xuất thử hạt giống lai F1 với chất lượng cao, giá thành hạ nhiều so với giống nhập nội của Đài Loan (2,66 triệu đồng/khoảng 40 triệu đồng 1kg hạt giống), được coi là cơ sở thuận lợi để nước ta tiến tới chủ động sản xuất hạt giống thay thế cho giống nhập ngoại tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng diện tích, tăng thêm thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi bò vỗ béo nhưng với phương thức đơn giản như nuôi từ lúc bò mẹ đẻ ra đến lúc thịt, một số khác thì mua bò, bê về nuôi chăn thả, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên và phụ phẩm của ngành trồng trọt, có bổ sung thức ăn tinh nhưng với một phần nhỏ, chủ yếu là ngô, cám gạo cho nên chưa khai thác hết tiềm năng tăng trọng của bò khi đưa vào vỗ béo. Hơn nữa, thời gian nuôi còn kéo dài nên hiệu quả chưa cao.

Tiểu Cần (Trà Vinh) là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cây lúa, với diện tích đất tự nhiên trên 22.000ha, trong đó đất nông nghiệp có hơn 19.000ha, riêng đất trồng lúa trên 13.400ha. Ngoài ra trên địa bàn còn có một số diện tích đất giồng cát tập trung ở các xã Hiếu Tử, Hiếu Trung, Phú Cần và Long Thới. Nhân dân sinh sống trên đất giồng cát theo tập quán lâu đời thường tr
Bà con nông dân đánh giá cao cây trồng biến đổi gen nhờ những đặc tính vượt trội do đó cần sớm được triển khai rộng rãi.

Đến năm 2020, Hà Nội sẽ duy trì được khoảng 80% mức tự túc lương thực, trong đó, vùng nông thôn đạt 100%, vùng nội thành đạt trên 60%.

Hiện nay, trên thị trường, cây xoan đâu đang có lợi thế bởi dễ trồng, đầu ra thuận lợi. Ở nhiều xã của huyện Đô Lương (Nghệ An), bà con đã chuyển sang trồng cây xoan địa phương để lấy gỗ đem lại hiệu quả kinh tế cao.