Thê Thảm Thủ Phủ Cà Phê Miền Trung

Nhiều người trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không mặn mà với việc thu hoạch hoặc phải chuyển đổi cây trồng vì giá rớt thảm hại
Huyện Hướng Hóa là nơi có diện tích trồng và sản lượng cà phê chè (arabica) lớn nhất miền Trung, doanh thu năm 2012 đạt trên 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm nay, khi cà phê đã vào vụ, năng suất cao nhưng chắc rằng doanh thu sẽ thấp hơn rất nhiều so với trước vì rớt giá. Nhiều rẫy cà phê đã chín đỏ, rụng xuống đất mà người trồng vẫn không buồn hái.
Rẻ như bèo
Xã Hướng Phùng là địa phương có diện tích trồng cây cà phê lớn nhất của huyện Hướng Hóa với trên 1.500 ha. Vào thời điểm này những năm trước, lực lượng lao động đã đổ về xã Hướng Phùng để hái cà phê thuê nhưng năm nay thì hoàn toàn yên ắng.
Rẫy cà phê của ông Nguyễn Văn Lợi ở thôn Kợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã chín nhưng vẫn không được thu hoạch
Rẫy cà phê với diện tích 2 ha của bà Nguyễn Thị Lan (ngụ thôn Kợp, xã Hướng Phùng) trái chín đỏ rực nhưng chỉ mình bà thu hoạch. Bà Lan rầu rĩ: “Năm trước, giá đầu vụ lên tới 4.000 - 5.000 đồng/kg nhưng nay chưa tới 3.000 đồng/kg, nếu thuê nhân công thì chẳng có tiền mà trả”.
Năm 2011, bà Nguyễn Thị Hằng (ngụ xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) vay ngân hàng 250 triệu đồng mua 2 ha cà phê ở thôn Kợp với hy vọng có lời để nuôi 5 người con ăn học. Vụ đầu thu được một ít vốn nhưng đến năm nay thì gia đình bà Hằng đứng ngồi không yên vì giá cà phê quá rẻ, trong khi đã đến kỳ trả lãi ngân hàng. “Với giá cả như hiện nay thì chúng tôi lỗ trên 20 triệu đồng” - bà Hằng nhẩm tính.
Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua xã Hướng Phùng là những rẫy cà phê xanh tốt, trái chín đỏ rực nhưng không người hái, thi thoảng lại gặp những tấm bảng đề bán rẫy cà phê. Tại rẫy của ông Nguyễn Văn Lợi (ngụ xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) ở thôn Kợp, rất nhiều trái cà phê rụng xuống đất, một số cây do không chăm sóc nên bị sâu tấn công. Đã gần tháng nay, ông Lợi không lên rẫy mà nhờ hàng xóm trông coi giùm. “ Giá cà phê bèo bọt quá nên đành để vậy” - ông Lợi chua xót.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa, cho biết toàn huyện có gần 5.000 ha cà phê, năng suất ước đạt 50.000 tấn. Mấy ngày qua, người dân than trời vì giá thu mua tại vườn quá thấp, có nơi chỉ 1.500 đồng/kg. “Giá cả thế này thì dân sống sao nổi, chắc họ bỏ cà phê thôi” - ông Hùng nhận định.
Phát triển không bền vững
Ngày 21-8, tại hội nghị triển khai công tác thu mua - chế biến cà phê do UBND huyện Hướng Hóa tổ chức, một số doanh nghiệp cho rằng giá thu mua cà phê tại địa phương thấp do giá thế giới hiện đang rất thấp, chỉ 38 triệu đồng/tấn cà phê nhân.
Thực tế, cùng loại cà phê chè, ở Tây Nguyên, giá thu mua tại vườn là trên 6.000 đồng/kg nhưng ở huyện Hướng Hóa thì chỉ 3.000 đồng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn An - thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thái Hòa (Quảng Trị) - lý giải rằng ở Hướng Hóa, người dân chỉ thu hoạch vào mùa mưa nên trọng lượng cà phê tăng cao. Bên cạnh đó, chất lượng cà phê Hướng Hóa cũng không cao so với một số địa phương khác.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thu mua cà phê đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến yếu kém, gây ô nhiễm môi trường phải đóng cửa hoặc bán cho người khác. “Cần có một chiến lược phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu, quy hoạch lại hệ thống chế biến phù hợp năng suất… thì may ra cà phê Hướng Hóa mới trụ vững được” - ông An khẳng định.
Không muốn tái canh
Ông Nguyễn Văn Siêu, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa, cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cũng như nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp vay để đầu tư vào cây cà phê...
Theo ông Nguyễn Ngọc Sắc, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, trong năm 2012, huyện Hướng Hóa đã chi 300 triệu đồng để hỗ trợ nông dân tái canh đối với diện tích cà phê trên 15 tuổi nhưng chỉ giải ngân được 50 triệu đồng vì ít người hưởng ứng.
Có thể bạn quan tâm

Dân gian có câu, “đánh rắn, phải đánh dập đầu”. Thế nhưng cách xử lí vi phạm đối với hành vi sử dụng chất cấm trong SX, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ở ta hiện nay còn khá lúng túng.

Bà Chế, một thương lái nấm tại xã Hố Nai cũng lắc đầu ngao ngán: “Tôi thu mua hàng chục tấn nấm mà lượng bán ra rất chậm, gọi điện hỏi bạn hàng thì họ nói tạm thời ngưng mua vì phía Bắc “ăn” hàng chậm”. Hiện bà Chế đang tồn gần 80 tấn nấm, nếu không tiêu thụ nhanh, thiệt hại có thể lên đến cả tỷ đồng.

Hiện xã đã thành lập tổ liên kết chăn nuôi vịt; thời gian tới sẽ phát triển tổ liên kết chăn nuôi bò thành tổ hợp tác nuôi bò để hỗ trợ nông dân. Xã cũng đang làm hồ sơ vay vốn cho 17 hộ với tổng số tiền 500 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Hội Nông dân tỉnh để hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi.

Trước đây, nhắc đến Pú Nhung (huyện Tuần Giáo), là người ta nghĩ ngay đến vùng trọng điểm trồng đậu tương. Nhưng vài năm trở lại đây, cây sắn đang dần thay thế vị trí của đậu tương, bởi những lợi thế về đầu ra, quá trình chăm sóc, thu hoạch.

Trong chuyến công tác tại huyện Mường Chà, chúng tôi có dịp được gặp và chia sẻ kinh nghiệm vượt khó làm giàu với ông Lường Văn Phanh, tổ dân phố số 1, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà. Ông Phanh là 1 trong 51 cá nhân tiêu biểu được UBND huyện Mường Chà tặng Giấy khen trong Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Mường Chà lần thứ 2.