Thế mạnh của rau quả trái vụ

Vùng dứa trái vụ thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam) cho thu nhập cao.
Trước đây, người dân xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) để dứa ra quả tự nhiên vào tháng 5, tháng 6 dương lịch, trùng vào thời điểm thu hoạch nhiều loại quả khác nên giá bán rẻ.
Để tăng hiệu quả sản xuất, một số nhà vườn đã áp dụng thành công kỹ thuật cho dứa ra quả trái vụ.
Từ những mô hình ban đầu, đến nay toàn bộ hơn 200 ha dứa của xã đều được xử lý cho quả vào dịp Tết và những tháng mùa xuân, thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với chính vụ, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm. Để thuận lợi trong quá trình vận chuyển, người dân tự đầu tư mở đường để xe ô tô lên được đến đỉnh đồi “ăn” hàng đi tiêu thụ.
Cũng nhờ có những con đường tự mở, người dân tiết kiệm được công lao động, dù có diện tích dứa lớn nhưng hầu hết các hộ không phải thuê người hái quả.
Với 3 ha đất đồi, gia đình ông Giáp Văn Hưởng dành 1 ha nhân chồi làm giống, 1 ha để trống cho đất nghỉ luân phiên còn lại trồng dứa thương phẩm. Theo ông Hưởng, dứa trái vụ luôn được giá, bình quân 7 - 8 nghìn đồng/kg, cao điểm 10 nghìn đồng/kg. Với 30 tấn quả, mỗi năm ông thu về gần 200 triệu đồng.
Nhờ áp dụng kỹ thuật, một số hộ dân thôn Ngò 1, Ngò 2, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) trồng bí xanh trái vụ vào tháng 9, thu hoạch vào tháng 12, sớm hơn ba tháng so với bí chính vụ (tháng 3). Vì vậy giá bán cao, khoảng 12 - 15 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi 15 - 18 triệu đồng/sào/vụ, gấp 3 lần so với bí thu đúng mùa.
Ngoài dứa, một số loại rau quả khác như: Quất ở xã Tân Sỏi (Yên Thế), ổi ở xã Cao Thượng (Tân Yên); na ở các xã: Nghĩa Phương, Huyền Sơn, Đông Phú (Lục Nam) cũng cho hiệu quả kinh tế cao nhờ kỹ thuật cho ra quả trái vụ hoặc kéo dài thời gian thu hoạch.
Theo bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), sản xuất rải vụ hoặc trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao song cây trồng dễ gặp rủi ro về thời tiết, sâu bệnh hại. Chi cục chỉ khuyến cáo sản xuất trái vụ tại những vùng chủ động về nước tưới và người dân nắm chắc biện pháp kỹ thuật chăm sóc.
Để góp phần gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp rải vụ với các cây trồng chính như: Na, nhãn, vải thiều, dứa; quy hoạch vùng đất chuyên màu, bổ sung vào quy hoạch vùng sản xuất rau chế biến, rau an toàn của tỉnh.
Trong đó, tập trung thay đổi cơ cấu cây trồng, công thức luân canh ở một thời điểm nhất định theo hướng đẩy thời vụ sớm hơn hoặc muộn hơn so với chính vụ.
Được biết vụ mùa năm nay, Trạm khuyến nông huyện Hiệp Hòa phối hợp với Viện Cây lương thực, cây thực phẩm triển khai mô hình trình diễn giống lúa thuần N25 tại xã Ngọc Sơn với diện tích 35 ha. Giống lúa thuần N25 do Viện chọn tạo có ưu điểm ngắn ngày, cứng cây, ít sâu bệnh, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha.
Bà Hoàng Thị Tiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Lúa chín sớm vào đầu tháng 9 nên nông dân có thể giải phóng ngay đất trồng cây vụ đông như cà chua, lạc đông hoặc rau màu khác cho thu hoạch sớm để có sản phẩm bán được giá cao. Những vụ tới, huyện tiếp tục mở rộng giống lúa này tại một số xã có truyền thống trồng màu”.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi con đặc sản, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội triển khai thí điểm mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Trạm Bảo vệ thực vật Tp. Phan Thiết vừa tổ chức lớp tập huấn về phòng trừ ruồi đục trên quả thanh long cho 50 nông dân trên địa bàn xã Tiến Lợi, Tp. Phan Thiết.

Từ một dòng sông xanh trong, tàu bè tấp nập qua lại, trên sông còn có nhiều hộ nuôi cá bè quy mô lớn. Đến nay, sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành (Tây Ninh) chỉ còn những đám lục bình trôi lấp mặt sông, với lác đác vài chiếc lồng nuôi cá vắng người chăm sóc.

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế giỏi” đem lại hiệu quả thiết thực. Từ phong trào này, những người lính năm xưa lại tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phát triển kinh tế.

Cà Mau là 1 trong 21 tỉnh, thành được chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315 của Chính phủ. BHNN như nguồn động lực lớn khích lệ nông dân mạnh dạn đầu tư, tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm tính cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường