Thất Thu Vì Ruộng Trầm Thủy

Vụ gieo sạ lúa Đông Xuân 2014-2015 đang cận kề, nông dân ở khắp nơi đang tất bật chuẩn bị. Thế nhưng, hàng trăm hộ nông dân có ruộng ở dọc kênh chìm Sơn Tịnh đang đứng ngồi không yên vì ruộng đồng bị ngập úng đã nhiều năm nay.
“Vụ hè cũng như vụ đông, chỗ khác thì lo thiếu nước, còn nông dân ở dọc kênh chìm này thì lúc nào cũng lo thừa nước. Thừa đến nỗi chả trồng được cây gì”- ông Huỳnh Ngọc Vàng ngụ ở đội 3 thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi than thở khi nhắc đến hơn 2 sào ruộng ở xứ đồng Tiểu Giang.
Với người làm ruộng ở thôn Gia Hòa, xứ đồng Tiểu Giang từng là mảnh đất màu mỡ với năng suất lúa đạt rất cao. Vị thế của xứ đồng lại khá thuận lợi nên hơn 40 hộ có đất ở xứ đồng này luôn phấn khởi vì được mùa quanh năm, thu hoạch dễ dàng. Thế nhưng, đó chuyện của hơn 5 năm về trước, khi kênh chìm Sơn Tịnh chạy dọc xứ đồng còn làm tốt nhiệm vụ tiêu nước và hệ thống kênh Thạch Nham phục vụ tưới chưa bị hư hỏng.
“Giờ kênh chìm thì bị bồi lấp, không thể tiêu nước. Mặt khác đoạn kênh B8 phục vụ tưới nước cho đồng này lại hỏng ở nhiều đoạn xi phông. Cả năm, dù không muốn, nhưng ruộng của chúng tôi cứ ngập nước thế này thì sao chịu cho thấu”- ông Vàng lý giải về nguyên nhân ruộng ngập, khiến gia đình ông không thể canh tác được nữa.
Tình trạng ngập úng quanh năm ở xứ đồng vốn rất phì nhiêu, đã khiến cho nhiều hộ dân thất thu. “Nhiều gia đình gốc là nhà nông trồng lúa nhưng nay phải đi mua gạo ăn vì ruộng trầm thủy”- Ông Đỗ Văn Ba- Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Long thừa nhận.
Theo ông Ba, tuyến kênh chìm Sơn Tịnh chạy dọc qua nhiều xứ đồng ở các xã Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Long, Tịnh Khê. Nhưng nay tuyến kênh đã bị bồi lấp khá nặng, không thể phục vụ tiêu nước, nhất là đoạn từ xi phông kênh B8-12 đến xã Tịnh Khê. Mặc khác xi phông đầu kênh B8-12 sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp trầm trọng làm rò rỉ nước, tràn ra một số diện tích ở đồng Tiểu Giang và đồng Xí Nghiệp. Tình trạng ngập úng ngày càng nặng nề thêm.
“Riêng đồng Tiểu Giang rộng 6ha thường xuyên bị ngập úng. Trong đó có 2,3ha của 41 hộ dân đã phải bỏ không nhiều năm liền. Chúng tôi đã huy động sức dân đi nạo vét kênh chìm phục vụ tiêu úng nhiều mùa nhưng đâu vẫn vào đó. Sức người như muối bỏ biển”- ông Ba cho biết.
Không riêng ở xã Tịnh Long, mà tình trạng ruộng ngập úng với tổng diện tích trên toàn tuyến hơn 28ha cũng là vấn đề người nông dân ở các xã có đồng ruộng chạy dọc theo kênh chìm Sơn Tịnh phải “đau đầu” từ nhiều năm nay. Tại xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi, hơn 100 hộ dân đã bỏ ruộng không kể từ khi 10ha đất ruộng bị nước xâm chiếm triền miên.
Ông Đặng Văn Sinh- Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu chia sẻ: “Hầu hết người dân ở đây đều sống nhờ đất ruộng. Nhưng nay, hơn 100 hộ dân phải kiếm kế sinh nhai khác để bù lỗ từ diện tích 10ha bị úng nặng. Dân kiến nghị, chính quyền đề xuất lên cấp trên nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Nỗi day dứt có ruộng mà chẳng được canh tác của người nông dân càng khiến cho họ đứng ngồi không yên khi mùa vụ mới lại sắp bắt đầu. Có đất ruộng phì nhiêu, canh tác được mùa, nhưng nay người nông dân đành ngậm ngùi chịu thất thu vì cảnh ruộng trầm thủy triền miên.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/that-thu-vi-ruong-tram-thuy-2354402/
Có thể bạn quan tâm

Một chiều cuối tuần, anh nông dân trẻ Nguyễn Trung Thành đang thu hoạch những trái ớt ngọt baby cho vừa đủ số lượng 3 tạ, chuyển ngay về các siêu thị ở Sài Gòn tiêu thụ. Đây là diện tích 500 mét vuông nhà kính mà Thành đã canh tác ớt ngọt baby hơn 7 tháng qua, trong đó đã kết trái cho hoa lợi hơn 3 tháng.

Khoai lang Hoàng Long là loại cây đặc sản của Ninh Bình có thịt củ bở, màu vàng, bùi, ngọt dịu và có mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, thời gian qua, giống cây này đã bị thoái hóa dẫn đến năng suất, chất lượng không cao. Gần đây, giống khoai lang Hoàng Long đang được phục tráng, hứa hẹn giúp tăng năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích sản xuất.

Trong mấy năm gần đây, giá kén ổn định ở mức cao, từ 120 ngàn - 140 ngàn đồng/kg, nên phong trào trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân phát triển trở lại. Hiện toàn huyện có gần 300 ha dâu, tập trung ở các xã ven sông An Lão như Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Tín và Ân Mỹ.

Với nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ và đúng cách), Công ty Phú Lacue, Đà Lạt đã sử dụng 12 loại thuốc bảo vệ thực vật (nằm trong danh mục) phòng trừ hữu hiệu các đối tượng dịch hại phổ biến trên cây xà lách như: bệnh đốm đen, bệnh cháy lá, ruồi đục lá…

Huyện Châu Thành (Tiền Giang) có 3 xã vùng đất cát trồng khoai lang: Tân Lý Đông, Tân Lý Tây và Tân Hương với tổng diện tích từ 180 đến 200 ha. Vụ này, bà con trồng loại khoai bí đế, một loại giống ngon và cho năng suất cao. Nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc đúng kỹ thuật, khoai cho củ lớn, năng suất đạt khoảng hơn 2,5 tấn/1000 m2 trở lên.