Thất Thu Vì Ruộng Trầm Thủy

Vụ gieo sạ lúa Đông Xuân 2014-2015 đang cận kề, nông dân ở khắp nơi đang tất bật chuẩn bị. Thế nhưng, hàng trăm hộ nông dân có ruộng ở dọc kênh chìm Sơn Tịnh đang đứng ngồi không yên vì ruộng đồng bị ngập úng đã nhiều năm nay.
“Vụ hè cũng như vụ đông, chỗ khác thì lo thiếu nước, còn nông dân ở dọc kênh chìm này thì lúc nào cũng lo thừa nước. Thừa đến nỗi chả trồng được cây gì”- ông Huỳnh Ngọc Vàng ngụ ở đội 3 thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi than thở khi nhắc đến hơn 2 sào ruộng ở xứ đồng Tiểu Giang.
Với người làm ruộng ở thôn Gia Hòa, xứ đồng Tiểu Giang từng là mảnh đất màu mỡ với năng suất lúa đạt rất cao. Vị thế của xứ đồng lại khá thuận lợi nên hơn 40 hộ có đất ở xứ đồng này luôn phấn khởi vì được mùa quanh năm, thu hoạch dễ dàng. Thế nhưng, đó chuyện của hơn 5 năm về trước, khi kênh chìm Sơn Tịnh chạy dọc xứ đồng còn làm tốt nhiệm vụ tiêu nước và hệ thống kênh Thạch Nham phục vụ tưới chưa bị hư hỏng.
“Giờ kênh chìm thì bị bồi lấp, không thể tiêu nước. Mặt khác đoạn kênh B8 phục vụ tưới nước cho đồng này lại hỏng ở nhiều đoạn xi phông. Cả năm, dù không muốn, nhưng ruộng của chúng tôi cứ ngập nước thế này thì sao chịu cho thấu”- ông Vàng lý giải về nguyên nhân ruộng ngập, khiến gia đình ông không thể canh tác được nữa.
Tình trạng ngập úng quanh năm ở xứ đồng vốn rất phì nhiêu, đã khiến cho nhiều hộ dân thất thu. “Nhiều gia đình gốc là nhà nông trồng lúa nhưng nay phải đi mua gạo ăn vì ruộng trầm thủy”- Ông Đỗ Văn Ba- Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Long thừa nhận.
Theo ông Ba, tuyến kênh chìm Sơn Tịnh chạy dọc qua nhiều xứ đồng ở các xã Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Long, Tịnh Khê. Nhưng nay tuyến kênh đã bị bồi lấp khá nặng, không thể phục vụ tiêu nước, nhất là đoạn từ xi phông kênh B8-12 đến xã Tịnh Khê. Mặc khác xi phông đầu kênh B8-12 sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp trầm trọng làm rò rỉ nước, tràn ra một số diện tích ở đồng Tiểu Giang và đồng Xí Nghiệp. Tình trạng ngập úng ngày càng nặng nề thêm.
“Riêng đồng Tiểu Giang rộng 6ha thường xuyên bị ngập úng. Trong đó có 2,3ha của 41 hộ dân đã phải bỏ không nhiều năm liền. Chúng tôi đã huy động sức dân đi nạo vét kênh chìm phục vụ tiêu úng nhiều mùa nhưng đâu vẫn vào đó. Sức người như muối bỏ biển”- ông Ba cho biết.
Không riêng ở xã Tịnh Long, mà tình trạng ruộng ngập úng với tổng diện tích trên toàn tuyến hơn 28ha cũng là vấn đề người nông dân ở các xã có đồng ruộng chạy dọc theo kênh chìm Sơn Tịnh phải “đau đầu” từ nhiều năm nay. Tại xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi, hơn 100 hộ dân đã bỏ ruộng không kể từ khi 10ha đất ruộng bị nước xâm chiếm triền miên.
Ông Đặng Văn Sinh- Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu chia sẻ: “Hầu hết người dân ở đây đều sống nhờ đất ruộng. Nhưng nay, hơn 100 hộ dân phải kiếm kế sinh nhai khác để bù lỗ từ diện tích 10ha bị úng nặng. Dân kiến nghị, chính quyền đề xuất lên cấp trên nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Nỗi day dứt có ruộng mà chẳng được canh tác của người nông dân càng khiến cho họ đứng ngồi không yên khi mùa vụ mới lại sắp bắt đầu. Có đất ruộng phì nhiêu, canh tác được mùa, nhưng nay người nông dân đành ngậm ngùi chịu thất thu vì cảnh ruộng trầm thủy triền miên.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/that-thu-vi-ruong-tram-thuy-2354402/
Có thể bạn quan tâm

Khi đánh giá về tác động sản xuất vụ đông, đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê thẳng thắn trao đổi: Quá trình sản xuất nhiều năm cho thấy, diễn biến thời tiết sản xuất vụ đông thường phức tạp.

Được biết, mô hình nuôi bò vỗ béo của dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam thông qua Hội Nông dân huyện Tam Nông hoạt động có hiệu quả. Hội Nông dân huyện đang phát huy và nhân rộng, với mức hỗ trợ sẽ được nâng lên nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Sau một thời gian tìm đến các mô hình sản xuất, chăn nuôi trang trại lớn ở trong huyện, trong tỉnh học tập kinh nghiệm, đến năm 2008 ông Chương đã mạnh dạn bàn bạc với gia đình vay thêm vốn đầu tư xây dựng trang trại để chăn nuôi lợn với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng.

Diện tích tự nhiên hơn 4.800ha, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn có 3.006 hộ với 12.084 khẩu sinh sống ở 22 khu dân cư, trong đó dân tộc Kinh chiếm 48%, Mường 46%, còn lại là dân tộc Dao và dân tộc khác.

Hiện nay ở Sóc Trăng phần lớn diện tích hè thu đang giai đoạn đẻ nhánh. Thời tiết đang tạo điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn bộc phát gây hại trên nhiều ruộng lúa.