Thanh Tân (Thái Bình) Ðẩy Mạnh Chăn Nuôi Theo Quy Trình VietGAP

Nhiều năm qua, xã Thanh Tân (Kiến Xương - Thái Bình) đã áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi, tuy có yêu cầu khắt khe hơn phương pháp chăn nuôi truyền thống, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Ðến nay, toàn xã có 58 hộ tham gia dự án VietGAP. Nhờ áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên con vật nuôi luôn phát triển khỏe mạnh, đời sống người dân từ đó được nâng lên.
Khu chăn nuôi lợn thịt siêu nạc của gia đình anh Trần Quang Sở (thôn An Cơ Ðông, xã Thanh Tân, Kiến Xương).
Ðến thăm mô hình chăn nuôi của anh Bùi Mạnh Hùng, thôn Tử Tế, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là chuồng trại, sạch sẽ, bố trí hợp lý, khoa học. Anh Hùng chia sẻ: Tôi tham gia VietGAP từ năm 2012, được tập huấn, hỗ trợ trang thiết bị như quần áo, khẩu trang, ủng và thuốc sát trùng; luôn thực hiện tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, tôi thấy con vật nuôi phát triển tốt hơn, dịch bệnh cũng ít mà lượng thịt cung cấp ra thị trường rất sạch và an toàn.Với tổng diện tích 4.000m2 anh Hùng dành 600m2 xây dựng 3 dãy chuồng nuôi lợn với 200 con lợn siêu nạc. Một năm xuất bán từ 2 - 3 lứa, tổng thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Với diện tích vườn 700m2 anh nuôi trên 3.000 con gà và từ 600 - 700 con ngan, vịt, thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh Hùng còn dành 2.300m2 đào ao thả nuôi các giống cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè và cá chim, thu lãi khoảng 25 - 30 triệu đồng/năm.
Về thôn An Cơ Ðông, chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Quang Sở một trong những gia đình chăn nuôi theo hướng VietGAP có năng suất, chất lượng cao. Anh Sở chia sẻ: Trước đây, nuôi lợn theo phương pháp truyền thống, lợn hay bị dịch bệnh, không có lãi mà thiệt hại lại nhiều. Tháng 7 năm 2013, tôi tham gia VietGAP, được tập huấn khoa học kỹ thuật, cho lợn ăn uống bằng hệ thống tự động thấy nhàn hơn, đỡ vất vả nhiều, lợn lại nhanh lớn. Anh nuôi từ 50 - 60 con lợn siêu nạc, thu lãi từ 80 - 90 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh Sở dành 2.100m2 đào ao thả nuôi các giống cá truyền thống thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Ðể tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP xã hỗ trợ 100% vỏ hầm biogas, thành lập câu lạc bộ chăn nuôi cho người dân tham gia học tập và chia sẻ kinh nghiệm.
Ðồng thời, ký hợp đồng với Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình mở lớp sơ cấp thú y, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thú y và các hộ chăn nuôi. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về lịch tiêm phòng vắc-xin định kỳ và phun hóa chất tiêu độc, khử trùng trên vật nuôi.
Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP là giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững. Lợi ích khi áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi là nắm được các kỹ thuật khoa học tiên tiến, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn, cho năng suất, hiệu quả cao. Bởi vậy, xã luôn khuyến khích, động viên bà con nhân dân và các chủ trại đăng ký tham gia chăn nuôi theo quy trình VietGAP.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2012, Tiền Hải (Thái Bình) tổ chức nuôi trồng thủy - hải sản trên tổng diện tích 4.333 ha. Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, trong quý I các địa phương đã chuẩn bị tốt cho vụ nuôi trồng, tiến hành nạo vét kênh mương, cải tạo toàn bộ diện tích ao đầm, lấy nước và đảm bảo cung ứng đủ giống cho người nuôi đúng thời vụ.

Tuy nhiên, do phải bảo quản giống với thời gian dài (6-7 tháng), mặt khác hạt giống lạc lại có hàm lượng dầu cao dễ biến chất làm mất sức nẩy mầm dẫn đến nhiều khi thiếu giống, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch gieo trồng lạc xuân hàng năm. Từ kết quả đề tài "Nghiên cứu phát triển vụ lạc thu đông với các tỉnh phía Bắc" của Viện KHKTNN Việt Nam đến nay nhiều địa phương đã áp dụng thành công TBKT này nhằm chủ động cung cấp đủ giống lạc cho vụ lạc xuân.

Con tôm hùm nuôi ở Phú Yên đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tự nhiên đầm, vịnh, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Nhiều hộ ngư dân đổi đời nhờ nuôi tôm hùm, và tiêu biểu một trong số đó phải kể đến ông Nguyễn Thành Nhơn ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu).

Ông Nguyễn Văn Út, hội viên nông dân ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Ông còn được mọi người nể phục bởi đức tính cần cù, ham học hỏi, chịu khó để vươn lên.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, ấp Phú Chiến, xã Phú Hưng, TP Bến Tre đang thực hiện mô hình nuôi cút lấy trứng và tận dụng phân cút trồng gừng đạt hiệu quả kinh tế cao.