Thành Phố Hồ Chí Minh Đẩy Mạnh Hợp Tác Về Lĩnh Vực Nông Nghiệp Với Nhật Bản

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cam kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trên địa bàn.
Ngày 20/1, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với ông Koya Nishikawa, Bộ trưởng Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản cùng đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Theo ông Lê Thanh Hải, những năm qua thành phố chú trọng, quan tâm phát triển về nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp nguồn cây con giống có chất lượng cho khu vực và cả nước. Với những tiềm năng đó, Thành phố Hồ Chí Minh và Nhật Bản có thể thúc đẩy mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp mà hai bên cùng quan tâm.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cam kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trên địa bàn cũng như chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan triển khai nội dung hợp tác giữa hai bên.
Đánh giá cao sự năng động của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, ông Koya Nishikawa, Bộ trưởng Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản chia sẻ ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Ông Koya Nishikawa mong các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động hiệu quả.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao tại Việt Nam.
Nhân dịp này, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản đã ký kết Biên bản thảo luận về hợp tác trong nông nghiệp, ngành công nghiệp thực phẩm.
Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến các vấn đề như gia tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, cải thiện mức độ an toàn của các sản phẩm nông nghiệp, kỹ thuật chế biến và bảo quản sau thu hoạch); chọn lọc và lai giống các loại gia súc, hoa màu và hoa; sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi bò sữa là một trong những mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế, hứa hẹn sẽ nâng cao thu nhập cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Liên Sơn nói riêng và toàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) nói chung. Phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên đất, những năm gần đây, các tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa ở Lương Sơn đã ra đời, thu hút ngày càng nhiều hộ nông dân tham gia.

Tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp chăn nuôi mới đây, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cao Đức Phát đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn giúp doanh nghiệp ngành chăn nuôi trụ vững và phát triển khi Việt Nam trở thành thành viên của các Hiệp định tự do thương mại ASEAN, FTA, TPP…

Chú trọng đến công tác quy hoạch là một giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển nghề nuôi chim yến Việt Nam theo định hướng bền vững.

Chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế khá cao trong điều kiện môi trường tự nhiên thuận lợi cho nghề trồng rong sụn đang mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Xã Ðông Minh (Tiền Hải - Thái Bình) có 450ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ, trong đó có 105ha được chuyển đổi từ diện tích làm muối theo quyết định của UBND tỉnh. Vụ xuân, hè năm 2015, trong vùng chuyển đổi nuôi thả 60ha với số lượng 12 triệu tôm sú, 35ha với số lượng 30 triệu tôm thẻ chân trắng.