Thanh Long Và Nỗi Tâm Tư

Qua theo dõi, đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, chưa năm nào giá thanh long trong tỉnh lại ít biến động và đứng ở mức cao (từ 10.000 đồng đến trên 30.000 đồng/kg) như năm 2013.
Thậm chí, có mặt tại các chợ bán lẻ tại một tỉnh miền Trung, chúng tôi còn ghi nhận được, thanh long thuộc loại hàng dạt ở Bình Thuận, khi ra đến tận tay người tiêu dùng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2014 đã có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Không ít hộ gia đình tại huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, sau khi xuất bán một lứa thanh long trái vụ có thể “tậu” xe 4 bánh, xây nhà, mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền trong gia đình...
Bức tranh sáng màu đó chính là động lực thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế của người trồng thanh long nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Tuy nhiên, cũng chính từ lý do đó, trong năm qua diện tích thanh long trong tỉnh đã không ngừng tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của thị trường tiêu thụ, khi xảy ra hiện tượng “cung vượt cầu”.
Mới đây, tôi có dịp tháp tùng đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí đến gặp mặt, trò chuyện cùng một số bà con trồng thanh long trên địa bàn xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc). Tận mắt chứng kiến những người nông dân chân chất, với nụ cười rạng rỡ vì mới “trúng giá” thanh long, chúng tôi cũng không khỏi vui lây.
Đáng mừng hơn nữa, chính là nhận thức của bà con về sản xuất thanh long an toàn đã nâng cao thấy rõ. Họ biết rằng, sản xuất thanh long VietGAP vô cùng cần thiết để giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận, an toàn cho người tiêu dùng và có tính bền vững cao trên thị trường tiêu thụ...
Biết vậy, nhưng không ít nông dân vẫn còn đó nỗi âu lo canh cánh và những tâm tư khó giải bày. Bởi lẽ, thực tế hiện nay thị trường tiêu thụ thanh long của tỉnh chủ yếu vẫn là Trung Quốc, thông qua đường tiểu ngạch. Ở nước này, thị trường thường yêu cầu trái to, tai xanh, không kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.
Khi thị trường là mệnh lệnh, không ít thương lái vì lợi ích kinh tế, nên đã yêu cầu chủ vườn xịt thuốc tăng trưởng cho thanh long trước khi cắt. Mặt khác, trong khi phong trào sản xuất thanh long VietGAP đang được tỉnh và đông đảo bà con ra sức triển khai thực hiện, thì lợi ích giữa sản xuất VietGAP và không VietGAP chưa có sự khác biệt rạch ròi. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến động lực sản xuất an toàn của các hộ dân.
Thông qua buổi gặp gỡ và trao đổi tâm tư với lãnh đạo tỉnh và Hiệp hội thanh long Bình Thuận, những khó khăn về nguồn điện chong đèn; tình hình sâu bệnh trên thanh long; phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường; việc quản lý chặt chẽ đội ngũ thương lái thu mua... được nông dân trồng thanh long ở xã Hàm Chính kiến nghị với lãnh đạo tỉnh.
Riêng tôi, thiết nghĩ những kiến nghị trên lâu nay vốn là trăn trở của không riêng gì nông dân xã Hàm Chính. Đó cũng là những băn khoăn, lo lắng của đông đảo bà con trồng thanh long trong tỉnh nói chung. Do vậy để giải quyết được vấn đề này, vai trò của các đơn vị quản lý nhà nước liên quan có vị trí rất quan trọng.
Nhất là việc xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm để xây dựng thương hiệu thanh long Bình Thuận; xử lý dịch bệnh; thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song đó, nông dân cần tiếp tục phát huy quá trình sản xuất thanh long VietGAP để nâng cao chất lượng trái thanh long... Có như vậy, “rồng xanh” Bình Thuận mới đủ sức vươn xa trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, vú sữa Lò Rèn loại 1 được các thương lái thu mua tại vựa chỉ khoảng 30.000đ/kg; loại 2 đến tay người tiêu dùng khoảng 20.000đ/kg; loại 3 khoảng 15.000 – 18.000đ/kg. Trong đó, năm trước giá vú sữa Lò Rèn loại 1 có giá 40.000 - 45.000đ/kg; loại 2 khoảng 30.000đ/kg; loại 3 từ 22.000đ/kg trở lên.

Ông Nguyễn Hữu Tài, giám đốc HTX Sản xuất, tiêu thụ và XK thanh long Dương Xuân cho biết, nhờ thị trường XK thanh long sang Trung Quốc khởi sắc, các DN XK thanh long liên tiếp nhận được những đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng thanh long ruột đỏ nên họ không ngừng đẩy giá lên. Ngoài ra, nguyên nhân tăng giá còn do diện tích thanh long ruột đỏ còn hạn chế.

NM được xây dựng trên diện tích gần 5 ha (giai đoạn 1), trong đó nhà xưởng 18.600 m2, được lắp đặt thiết bị tiên tiến nhất do Mỹ, Nhật Bản và châu Âu chế tạo, với tổng vốn đầu tư trên 170 tỷ đồng, công suất chế biến 5.000 tấn tôm thành phẩm/năm, tạo việc làm cho 750 lao động, doanh thu XK khoảng 50 - 60 triệu USD.

Chương trình phát triển đàn bò sữa từng gánh nhiều vấp ngã và chỉ trích. Tuy nhiên, sự vực dậy của ngành chăn nuôi bò sữa qua hơn một thập kỷ có mặt tại Việt Nam đang tái khẳng định tinh thần của chính sách này không hề chệch hướng.

6 tháng đầu năm, giá phân bón thế giới lẫn trong nước đều có xu hướng giảm. Các đơn vị sản xuất phân đạm trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, bù chi phí cho quy định siết chặt tải trọng từ tháng 4/2014…