Thanh Long Và Nỗi Lo Của Người Trồng

Thanh long là loại cây trồng có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu đứng đầu của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Tiền Giang. Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt 181 triệu USD, tăng 175 triệu USD so với năm 2003. Tuy vậy, nông dân trồng thanh long không hẳn “dễ thở” hơn trồng các loại cây khác mà vẫn thường xuyên gặp khó khăn vì giá bán không ổn định “lúc lên, lúc xuống”.
Qua ghi nhận tại huyện Chợ Gạo, “thủ phủ” trồng thanh long của cả tỉnh, từ tháng 3 đến tháng 5-2014, thanh long ruột trắng loại 1 được thương lái mua tại vườn giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg và thanh long ruột đỏ có giá bán từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nhưng bước sang tháng 6 và tháng 7 - 2014, giá thanh long liên tục giảm mạnh. Hiện nay, giá thanh long vẫn duy trì ở mức thấp nhưng cũng đã “nhích” cao hơn so với thời điểm tháng 6, tháng 7.
Ông Nguyễn Văn Sáu, canh tác 6 công thanh long ở ấp Mỹ An B (xã Mỹ Tịnh An) cho biết: “Hồi đầu năm 2014, thương lái tìm tới tận vườn thu mua thanh long ruột trắng giá từ 20.000 - 23.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá tới 40.000 đồng/kg. Thời điểm đó ai bán thanh long cũng thu lời đậm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, thanh long ruột trắng được thương lái thu mua tại vườn (loại xuất khẩu) chỉ còn từ 9.000 - 12.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại. Còn đối với loại trái thanh long kém chất lượng, bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì ít được thương lái thu mua, rất khó bán và giá bán tại vườn chỉ từ 500 - 1.000 đồng/kg”.
Theo ghi nhận, tại các chợ ở TP. Mỹ Tho như: Chợ Cũ, chợ Mỹ Tho, chợ Thạnh Trị... giá bán thanh long ruột trắng và ruột đỏ từ 10.000 - 25.000/kg, tùy loại. Theo các tiểu thương, giá bán này đã cao hơn thời điểm cách đây 2 tháng nhưng vẫn chưa cao bằng đầu năm.
Còn tại một số điểm bán thanh long của các hộ dân trên Quốc lộ 50 (đoạn qua xã Song Bình, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo...) thì thanh long ruột trắng được bày bán với giá còn rẻ hơn, chỉ 2.000 đồng/kg hoặc 10.000 đồng/3kg...
Người bán cho biết, sở dĩ giá thanh long vẫn còn bán với giá thấp là do vào mùa vụ, thanh long chín nhiều; đồng thời các loại thanh long bán ở lề đường hầu hết là hàng trái nhỏ, xấu hoặc bị ảnh hưởng của dịch bệnh, không thể xuất khẩu nên có giá bán khá rẻ.
Ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt cho biết, 85% sản lượng thanh long của công ty xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp qua Trung Quốc. Còn về giá cả thì thường không ổn định. Ông Danh dẫn chứng, cách nay không lâu thanh long đạt mức giá cao ngất ngưỡng nhưng nay giảm xuống còn không bằng một nửa so với trước đó.
Nguyên nhân là do trong thời gian gần đây thanh long xuất sang Trung Quốc có phần giảm đi. Mặt khác, những năm qua, diện tích, sản lượng thanh long tăng quá nhanh, vượt xa nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Do đó, khi xuất khẩu gặp khó khăn, giá thanh long sẽ giảm. Tuy nhiên, hiện giá thanh long vẫn đang duy trì ở mức khả quan, người trồng thanh long vẫn có lời với mức giá dao động từ 9.000 - 20.000 đồng/kg.
Có thể thấy, tình trạng giá cả thanh long bấp bênh, không ổn định, lên xuống thất thường, luôn khiến người trồng thanh long không khỏi lo lắng. Cùng với đó là dịch bệnh đốm trắng trên cây thanh long xuất hiện trên diện rộng làm tăng chi phí canh tác và phòng trị bệnh, càng gây khó khăn cho người trồng.
Mặc dù chưa thể yên tâm về giá cả và dịch bệnh nhưng tại Tiền Giang, thanh long đang “lấn át” mạnh mẽ các cây trồng khác, nhất là ở huyện Chợ Gạo. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, huyện đã có 600 ha thanh long trồng mới, nâng diện tích thanh long toàn huyện lên 3.400 ha.Trong số thanh long trồng mới, có những diện tích trồng ngoài quy hoạch như ở các xã: Bình Phan, Bình Ninh, Bình Phục Nhứt với diện tích khoảng 50 – 70 ha.
Thanh long còn phát triển sang các vùng lân cận. Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện đã phát triển được 50 – 60 ha thanh long, tập trung ở các xã giáp ranh huyện Chợ Gạo. Còn ở huyện Tân Phước cũng đã phát triển 80 ha thanh long, huyện đang xin chủ trương lập dự án phát triển thanh long trên địa bàn.
Việc phát triển thanh long tự phát, ồ ạt không theo quy hoạch trong thời gian qua (chủ yếu chuyển đổi từ đất trồng lúa sang) đang gây khó khăn cho việc sản xuất và tiêu thụ, làm ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người trồng thanh long; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà quản lý.
Có thể bạn quan tâm

Việt Nam vừa được công bố trở thành nước thứ 3 về sản xuất cao su. Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển vượt bậc này lại còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.

Hội thảo góp phần phẩn bổ sung và hoàn thiện công tác chọn giống cá tại hai Quốc gia đặc biệt nâng chất lượng con giống cá tra tại Việt Nam.

Nhằm giúp người chăn nuôi có đầu ra ổn định và hướng tới mục tiêu cung cấp những sản phẩm chăn nuôi chất lượng, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã chủ động làm "cầu nối" để các cơ sở giết mổ và doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm ký kết hợp tác với cơ sở chăn nuôi trên địa bàn TP.

Trúng đậm phải kể đến tàu cá của ngư dân Huỳnh Sỹ, chỉ một mẻ lưới đã thu hơn 5 tấn cá sòng. Sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 20 triệu đồng, ngư dân đi bạn được chia 4 triệu đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay toàn tỉnh thả nuôi trên 70.000/89.000ha tôm, đạt gần 79% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp là 702ha, quảng canh cải tiến trên 13.740ha và tôm-lúa là 55.780ha.