Thanh Long Tìm Hướng Tiêu Thụ Nội Địa

Ngoài phần lớn sản lượng thu hoạch dành cho xuất khẩu, thanh long Bình Thuận cũng đang tìm hướng mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa…
Bình Thuận hiện là địa phương có diện tích và sản lượng thanh long nhiều nhất Việt Nam. Sản phẩm lợi thế này hầu hết được tiêu thụ ở dạng trái tươi, trong đó xuất khẩu chiếm đến 80 - 85% dưới hai hình thức: xuất khẩu chính ngạch (khoảng 10 - 15%) và theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc (60 - 65%). Riêng thị trường nội địa chiếm từ 15 - 20% sản lượng thông qua các chợ đầu mối nông sản, từ đó đưa tiêu thụ khắp địa bàn dân cư hoặc được doanh nghiệp cung ứng đến hệ thống siêu thị trong cả nước.
Qua khảo sát cho thấy, tại TP. Hồ Chí Minh có hai chợ đầu mối chuyên kinh doanh phân phối trái cây, trong đó có thanh long: chợ đầu mối Thủ Đức (khoảng 150 tấn/ngày) và chợ đầu mối Hóc Môn (15 tấn/ngày).
Nguồn thanh long đưa về hai chợ đầu mối này chủ yếu là của Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, sau đó chuyển đi tiêu thụ ở các chợ nội thành hay khu vực lân cận. Còn tại Hà Nội, hiện cũng có hai chợ đầu mối gồm Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (Khu đô thị Đền Lừ) và chợ đầu mối Long Biên.
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội, bình quân mỗi ngày có khoảng 130 tấn thanh long tiêu thụ ở 2 chợ đầu mối này… Ngoài chợ đầu mối, một lượng trái thanh long còn được tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn có đông dân cư, thu hút nhiều khách du lịch.
Có thể kể đến hệ thống Siêu thị Big C, Siêu thị Co.opmart, Siêu thị Fivimart, Siêu thị Maximart, Siêu thị Citimart, Siêu thị Intimart… nhưng đòi hỏi sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn so thanh long bày bán tại các chợ truyền thống.
Mặc dù xác định sản lượng tiêu thụ trên thị trường nội địa không cao, nhưng thanh long Bình Thuận vẫn tìm hướng mở rộng và tăng thêm thị phần. Song vấn đề hiện nay là sản phẩm lợi thế của địa phương đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyển và phải cạnh tranh với thương hiệu thanh long ở địa phương khác.
Bởi trước giờ, thanh long Bình Thuận “chào hàng” thị trường nội địa thường với loại 2 và không gắn nhãn mác, vì vậy người tiêu dùng trong nước khó phân biệt xuất xứ từ đâu. Vả lại do cung đường vận chuyển xa và lượng đặt hàng khiêm tốn, nên đa số doanh nghiệp Bình Thuận cũng chẳng mặn mà tới khâu cung ứng cho các hệ thống siêu thị bán lẻ…
Chính vì những hạn chế nêu trên, việc phát triển thị trường tiêu thụ nội địa cho thanh long Bình Thuận trong thời gian đến phải tìm ra giải pháp khắc phục hữu hiệu.
Trước hết cần liên kết với doanh nghiệp ở các tỉnh thành có thị trường tiềm năng, nhằm thực hiện tốt khâu phân phối thanh long đảm bảo mẫu mã, chất lượng và giá cả hợp lý với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời quan tâm đến việc dán tem chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” để khẳng định uy tín, tăng sức cạnh tranh...
Thêm tín hiệu vui nữa là, Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất hỗ trợ doanh nghiệp Bình Thuận thuê mặt bằng làm nơi tập trung kinh doanh, phân phối thanh long.
Còn mới đây trong tháng 9/2014, Đoàn công tác của Sở Công Thương TP. Hà Nội cũng có chuyến làm việc tại địa phương, qua đó đề xuất hướng hợp tác, liên kết tiêu thụ trái thanh long Bình Thuận… Vấn đề còn lại là địa phương và các doanh nghiệp sớm tận dụng cơ hội, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để thanh long Bình Thuận tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa.
Có thể bạn quan tâm

Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp được coi là cơ sở cho việc chứng minh nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên, tại BR-VT, việc thực hiện đại trà VietGAP trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) vẫn còn nhiều vướng mắc. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác nguồn lợi từ thế mạnh NTTS.

Với lợi thế có đường bờ biển dài (21km), vùng bãi triều rộng trên 5.500ha, trên 2.900ha rừng ngập mặn, diện tích mặt biển trên 12.000ha cùng nguồn lợi thuỷ, hải sản tự nhiên phong phú, những năm qua, phát triển thuỷ sản tại Đầm Hà (Quảng Ninh) được coi là một trong những mũi nhọn kinh tế, không những đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần giúp cho huyện ven biển này có những bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau Lý Văn Thuận cho biết, đến thời điểm này, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đạt 266.500 tấn, trong đó có 86.500 tấn tôm, tương đương so cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 29,2% so với cùng kỳ. Dự báo tổng xuất khẩu tôm Việt Nam trong 6 tháng cuối năm đạt trên 1,9 tỷ USD, còn cả năm ước đạt 3,2 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Những năm gần đây, phong trào nuôi yến ở Bình Định phát triển mạnh mẽ, hiện có khoảng 100 cơ sở nuôi, khai thác yến. Đi liền đó, các cơ sở mua bán, kinh doanh mặt hàng này cũng nở rộ.