Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thanh Long Ruột Đỏ Cầu Gì Cung Nấy

Thanh Long Ruột Đỏ Cầu Gì Cung Nấy
Ngày đăng: 01/04/2014

“Hơn 80% trái thanh long ruột đỏ đạt chất lượng xuất khẩu”- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ Nguyễn Văn Thân (ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long - Trà Vinh) nói như khoe “nhu cầu thị trường muốn ăn trái đẹp, tụi tui cùng mày mò, vuốt mấy đợt gai xanh bằng người ta rồi đó”.

Bật gốc xoài, cắm trụ thanh long

Chú Nguyễn Văn Thân (Mười Thân) là người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ về Đức Mỹ, bảo rằng:

“Vô tình thôi. Vào năm 2007, cơn bão số 9 lùa qua xoài bật gốc gần hết, hơn 20 công vườn rặt ri trồng xoài, đã làm trái chuẩn bị tết thiệt hại gần như hoàn toàn. Buồn bã, một tối ngồi coi ti vi, tui nghe đài giới thiệu trồng thanh long ruột đỏ ở Long An giống mới, năng suất cao, đầy triển vọng đã quá. Bèn phăng lên đó tìm hiểu, hỏi thăm người ta chỉ chút chút thôi. Mấy lần lên xuống coi họ xử lý đèn cho ra bông, coi năng suất thế nào. Rồi mua về trồng thử coi có phù hợp đất xứ mình”.

Có thuận lợi vườn đã sẵn liếp, chỉ đào hố, đầu tư trụ đá, giống, đổ phân chuồng xuống gốc, chăm sóc thường xuyên.

“Tốt lắm, có năng suất, trái không thua xứ Long An, bán thị trường được giá, bà con xúm nhau trồng. Mạnh dạn bỏ xoài, phát quang vườn tạp cắm trụ trồng thanh long ruột đỏ. Vì vườn thanh long cần trảng thiệt trảng. Tụi tui vừa trồng vừa đi học kỹ thuật ở các nơi, ở đâu có mô hình hay là lần tới.

Từ vườn Tư Thạch (Mang Thít- Vĩnh Long), lên vùng trồng thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), lặn lội tận Bình Thuận… coi người ta làm, rút tỉa kinh nghiệm. Nhờ vậy, thanh long nhanh chóng bén rễ ấp Đại Đức- vùng đất tưởng “không thể nào” và phát triển tốt, 8- 12 tháng bắt đầu cho trái chiếng”- chú Lê Văn Bảy- Phó Chủ nhiệm HTX nói, quá trình đó không đơn giản và tốn nhiều công sức.

Chú Bảy bảo, thanh long là loại cây mới nhưng hiệu quả. Chú có 3 công đất trồng thanh long khoảng 5 năm nay, năng suất khoảng 3 tấn/công/năm, giá bình quân 20.000- 25.000 đ/kg, gia đình chú thu hơn 200 triệu đồng. Có thời điểm giá thanh long ruột đỏ đến 47.000 đ/kg. “Tới giờ, vùng này chưa cây nào cho thu nhập cao bằng thanh long”- chú Bảy chắc như đinh đóng cột.

“Lúc đầu chào hàng ở các sạp chợ, gửi bán tùm lum, ai nấy tự bán hàng. Vài năm nay đã có thị trường và hợp đồng bán cho doanh nghiệp lớn ở Tiền Giang”- chú Mười Thân cho biết. Khi thị trường biết đến, nông dân bắt tay làm ăn tập thể, HTX thành lập liên kết phân bổ lịch thời vụ, áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP.

“Làm vậy luôn có hàng chất lượng đều đặn. Nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ đặt vấn đề cung ứng nhưng chưa làm được. Năm rồi tụi tui xuất khẩu 3,7 tấn và năm nay đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ 30 tấn. Mấy ông Tây cũng xuống tham quan nhưng tụi tui hổng biết tiếng Tây”- chú Bảy cười vui kể khi tiếp một số đoàn khách nước ngoài tới.

Liên kết từ sản xuất đến thị trường

Làm ăn tập thể, nên “tụi tui rải vụ chứ không mạnh ai nấy làm, đảm bảo đầu ra và số lượng thường xuyên”- chú Mười Thân bảo vậy.

Liên kết lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo, do đó “nông dân tự ên làm, ai cũng là hội viên HTX vì đã sẵn đầu ra ổn định, doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng với HTX. Thậm chí, nông dân ở Càng Long, Châu Thanh cũng qua… xin vào HTX tụi tui”- chú Bảy tiếp lời.

Điều thú vị là nông dân trồng thanh long ruột đỏ không sợ “trồng nhiều bán ế hàng, mà mở rộng diện tích mới đáp ứng đủ nhu cầu. Tụi tui mới đi gặp một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh do Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu, họ muốn hợp đồng mua hàng xuất khẩu, nhưng sản phẩm mình có hạn”- chú Mười Thân cho biết.

Thế nên, vấn đề liên kết mấu chốt ở đây là tuân thủ lịch thời vụ, ổn định chất lượng, số lượng. Hơn nữa, luôn tìm tòi những sáng kiến kỹ thuật mới.

Anh Trần Văn Ngọc trồng 2 công thanh long ruột đỏ và nổi tiếng với những ý tưởng “vuốt gai xanh”, “dàn phun sương tự động”.

“Trước, người mua chê thanh long gai không xanh. Tui có dàn máy vi tính lên đó tìm hiểu tập tính của cây, quá trình phát triển của trái và thử nghiệm pha trộn các loại thuốc để vuốt gai. Sau nhiều lần vất vả làm đi làm lại, đã làm gai xanh được rồi”- anh Ngọc vui mừng cho biết “loại thuốc đó tui giữ bí quyết, bà con có nhu cầu tui vuốt gai xanh giùm”.

Trái thanh long “mình đỏ gai xanh” cao giá hơn trái bình thường 5.000 đ/kg, nên sáng kiến của anh được cho là rất đáng nể. Bên ngoài vườn, anh bật công tắc điện, những chiếc vòi phun sương xoay xoay tự tưới vườn thanh long.

Anh Ngọc nhịp giò rít một hơi thuốc “hồi chưa làm dàn phun sương đâu rảnh rang vầy, kéo ống thun tưới vài tiếng đồng hồ mới xong. Tui mới làm xong cho vườn bà con rộng cả héc ta đó”. Ban chủ nhiệm HTX cho biết: “Hệ thống tưới phun sương phù hợp vườn thanh long. Khỏe về công, nước tưới đều, cây tươi tốt hơn, năng suất tăng rõ rệt”.

Trong lúc đó, có 2 vị khách đi xe máy ghé lại, cô Hai và chú Sáu ở Tích Thiện (Vũng Liêm- Vĩnh Long) qua nhờ HTX tiêu thụ, sẵn hỏi “bí kíp” vuốt gai xanh. Thấy dàn phun đã mắt, cô Hai kêu “mai mốt chú qua làm dùm tui nhe. Vườn tui chừng 400 trụ hà”. Anh Ngọc hào hứng “được mà, chừng 3 triệu chớ gì”.

Nhà vườn Trà Vinh chọn giống Long Định 1- loại giống cho trái có mẫu mã đẹp, năng suất, chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu, trọng lượng từ 0,35- 0,8 kg/trái. Trà Vinh hiện có hơn 63ha trồng thanh long ruột đỏ, trong đó xã Đức Mỹ chiếm 32ha với 24ha áp dụng VietGAP.


Có thể bạn quan tâm

Giá Tôm Thẻ Trắng Gấp 5 Lần Cá Tra Giá Tôm Thẻ Trắng Gấp 5 Lần Cá Tra

Giá bán tôm thẻ tắng hiện 128.000 đồng một kg, loại 60 – 70 con một kg trong lúc cá tra hiện được thu mua khoảng 25.000 đồng một kg.

10/04/2014
Thu Nhập Hàng Chục Triệu Đồng Mỗi Tháng Từ Sứa Biển Thu Nhập Hàng Chục Triệu Đồng Mỗi Tháng Từ Sứa Biển

Trừ chi phí hoạt động và lương cho khoảng 20 nhân công, mỗi tháng gia đình chị Nguyễn Thị Thiếc (Gio Linh, Quảng Trị) thu nhập 50 triệu đồng từ nghề chế biến và đóng gói sứa biển.

10/04/2014
Hộ Nuôi Cá Tra Quy Mô Nhỏ Cần Liên Kết Lại Để Tiếp Tục Phát Triển Hộ Nuôi Cá Tra Quy Mô Nhỏ Cần Liên Kết Lại Để Tiếp Tục Phát Triển

Vừa qua, tại TP. Cần Thơ, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Việt Nam (WWF-VN) đã tổ chức hội thảo "Nâng cao nhận thức về sản xuất cá tra bền vững tại ĐBSCL".

11/04/2014
Nuôi Lươn Không Bùn Ở Thành Phố Nuôi Lươn Không Bùn Ở Thành Phố

Không đòi hỏi diện tích rộng hay kỹ thuật cao, không gây ô nhiễm môi trường, lại có thể tận dụng được diện tích chuồng trại nuôi heo cũ, mô hình nuôi lươn không bùn đang là một hướng đi mới của nhiều hộ dân ở TP.Biên Hòa.

11/04/2014
Tình Hình Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Có Xu Hướng Tăng Tình Hình Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Có Xu Hướng Tăng

Hiện nay ở Cà Mau, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi công nghiệp đang có chiều hướng tăng. Đây là vấn đề đòi hỏi ngành chuyên môn và người nuôi tôm cần chú ý và thận trọng hơn trong việc thả tôm nuôi; nhất là trong điều kiện diện tích tôm nuôi công nghiệp đang ngày càng nhiều hơn.

11/04/2014