Thanh long chong đèn 2015 giải pháp nào để mang lại hiệu quả

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh các nhà vườn vẫn đạt kết quả cao trong các lần chong đèn, nhiều nhà vườn khác chong pha điện lần đầu đạt kết quả thấp, không như mong muốn.
Thậm chí, có nhiều hộ không ra hoa, mặc dù thời gian chong điện dài (từ 15 đến 21 ngày).
Bên cạnh đó, hiện nay tuy đã bước vào mùa nghịch, nhưng giá thanh long hiện tại được bán tận vườn với giá chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/kg.
Do đó, không ít hộ dân chần chừ chưa muốn chong đèn vì sợ lỗ.
Đơn cử, hộ chị Vân ở Hàm Thuận Nam, mặc dù đã bước vào vụ nghịch khá lâu, nhưng vườn thanh long của gia đình vẫn chưa được dọn cỏ, chong đèn.
Bởi theo chị, trước tình hình giá cả thế này, cộng thêm công thuê lao động làm cỏ, mắc dây...chắc chắn sẽ lỗ, nên cứ để từ từ.
Còn một số hộ đã rút dây sau khi thanh long bắt đầu trổ bông, đang hy vọng chừng hơn 20 ngày nữa, khi thanh long cho thu hoạch, giá cả sẽ cải thiện hơn...
Đánh giá về tình trạng này, kỹ sư Trần Minh Tân - Chi cục Phó - Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, nguyên nhân do thời tiết năm nay có thời điểm bất lợi hơn so với mọi năm.
Mặt khác, nhiều trụ và cành thanh long đã bị suy yếu, thậm chí không ít vườn có cành bị teo tóp, thối rễ.
Ngoài ra, vào thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, nhiều nhà vườn và trang trại không lấy được lứa chồi non hợp lý và khoa học để phục vụ mùa chong điện 2015.
Cộng với đó là tình trạng thanh long bị bóc lột quá nhiều, dẫn đến cây bị suy yếu, kiệt quệ.
Việc chăm sóc thanh long đầu vụ điện chưa hợp lý và tuân thủ quy trình kỹ thuật.
Giá cả thanh long không hợp lý, nên nhiều nhà vườn có tâm lý chong điện cho ra nụ rồi mới chăm sóc.
Ngoài ra, tình hình diễn biến của dịch bệnh đốm nâu, thán thư, tuyến trùng hại rễ...diễn biến phức tạp, làm cho nông dân ngại đầu tư, chăm sóc.
Mặt khác, đa phần nông dân vẫn còn chủ quan, khi thời tiết diễn biến phức tạp mà không thích ứng kịp thời, vẫn làm theo kinh nghiệm nên dễ thất bại.
Cần tập trung chăm sóc
Để vụ chong đèn thanh long năm 2015 đạt hiệu quả cao, theo kỹ sư Trần Minh Tân, bà con cần chăm sóc cho thanh long có đủ sức để ra nụ, ra hoa.
Đồng thời, phải bón phân theo nguyên tắc “4 đúng” và “4 nhìn” (nhìn trời, đất, cây và hiệu quả kinh tế).
Trong đó, ưu tiên các loại phân có hàm lượng lân, cali, can xi, magie, silic, kẽm...Nếu vườn quá suy yếu, ngoài việc bón phân theo “4 đúng”, “4 nhìn”, cần hỗ trợ thêm phân bón lá có hàm lượng lân, can xi, kẽm cao.
Kiểm tra độ chắc, khỏe của cành thanh long trước khi chong điện.
Nếu cành còn suy yếu thì phải chờ phục hồi hoàn toàn mới bắt đầu chong.
Tùy theo điều kiện thời tiết, để quyết định thời gian chong đèn, cũng như kỹ thuật mắc bóng đèn (xen kẽ bóng đèn compact và bóng tròn nếu trời lạnh).
Về phía Chi cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua đơn vị đã và đang triển khai, mở rộng tập huấn cho các vùng trọng điểm thanh long.
Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để khuyến cáo kỹ thuật; xác định các mô hình về phòng trừ bệnh đốm nâu, thán thư, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón...
đến với bà con các địa phương trồng thanh long trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu hiện nay 12 nước trong TPP sản xuất hàng năm khoảng 113,7 triệu tấn lúa mỳ và 403 triệu tấn các loại ngũ cốc khác, thì sản lượng gạo chỉ đạt 45,3 triệu tấn, chiếm 8% trong cơ cấu sản xuất lương thực của khối này.

Dù đã xuất hiện nhiều trang trại nuôi các con đặc sản trong những năm gần đây, song do nhu cầu ăn các con đặc sản sạch ngày một tăng lên, nên có thể nói, con đặc sản dù đắt nhưng đầu ra thì vẫn mênh mông...

Các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt quả tang một doanh nghiệp tại Hải Dương đang trộn chất vàng ô - chất ngoài danh mục được phép sử dụng vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, đây là nồng độ chất cấm rất cao lấy từ mẫu nước tiểu của heo, lên đến 665 ppb (so với mức 2ppb quy định cho phép).

Mường La là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La và có khá nhiều diện tích rừng nằm trong dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với nguồn lâm sản phong phú.