Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành lập vườn sâm gốc ở Nam Trà My

Thành lập vườn sâm gốc ở Nam Trà My
Ngày đăng: 04/06/2015

Điều kiện thổ nhưỡng phù hợp

Theo đề án Phát triển cây sâm Ngọc Linh với định danh thương hiệu là sâm Việt Nam đã được tỉnh phê duyệt, từ nay đến năm 2020, trên địa bàn 7 xã vùng cao ở huyện Nam Trà My sẽ có 19.000ha đất dưới tán rừng già được dành để trồng sâm Ngọc Linh. Theo đề án, bình quân mỗi héc ta vườn sâm qua 5 năm đầu tư trồng và chăm sóc sẽ đem về lợi nhuận khoảng 30 tỷ đồng. Hiện tại, ở Nam Trà My chỉ có xã Trà Linh là trồng nhiều sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 70ha. Tuy nhiên do việc khai thác sản phẩm sâm thiếu khoa học nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn giống để phát triển hàng năm.

Trước tình hình đó, để có đủ giống phục vụ nhu cầu phát triển vùng sâm trên diện tích 19.000ha, ngay từ thời điểm này Nam Trà My đã chú trọng tới việc thành lập vườn chuyên sản xuất giống. Khu vực rừng già Tắc Ngo thuộc thôn 2 (xã Trà Linh) được chọn để thành lập vườn trên quy mô diện tích 100ha. Tới đây huyện sẽ giao cho cơ quan chuyên môn tiến hành đo đạc, lập ranh giới, trong đó ưu tiên những khu vực đất dưới tán rừng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất cho cây sâm Ngọc Linh. Cách đây 3 năm, Nam Trà My cũng đã thành lập vườn sâm giống tại Tắc Ngo với diện tích hơn 10ha. Ông Trịnh Minh Quý - Phó Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh Nam Trà My cho biết: “Theo tài liệu kỹ thuật thì sâm Ngọc Linh đưa vào trồng trên 4 năm mới ra hoa, kết trái nhưng số lượng sâm mà huyện đã trồng tại vườn Tắc Ngo mới có 3 năm nhưng đã trổ bông. Điều đó chứng tỏ rằng khu vực được chọn để xây dựng vườn sâm gốc có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây sâm sinh trưởng. Vì vậy khi thành lập vườn sâm gốc sẽ đáp ứng được nguồn giống phục vụ cho nhu cầu phát triển sâm trong toàn huyện”.

Giữ nguồn gen cho cây sâm

Theo các công nhân người Xê Đăng đang bảo vệ trại sâm Tắc Ngo, trước đây sâm Ngọc Linh tự nhiên mọc nhiều tại khu vực này nên khi thành lập vườn sâm gốc sẽ đảm bảo giữ được nguồn gen cho cây sâm. Còn về chiến lược của huyện thì khi thành lập vườn sâm gốc sẽ tiến hành rào lưới thép để ngăn mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào vườn, nhất là ngăn chặn các hoạt động phát rừng làm rẫy đang diễn ra tại đây, đồng thời chỉ sử dụng nguồn giống sâm tại chỗ để nhân giống, không tiếp nhận bất cứ nguồn giống không rõ nguồn gốc từ bên ngoài nhằm tránh trường hợp sâm bị lai tạp, ảnh hưởng đến đến sự phát triển cũng như chất lượng bên trong củ. Hơn nữa, khi có được nguồn giống sâm Ngọc Linh gốc đưa vào phát triển, sẽ giữ được uy tín cũng như giá trị cho cây sâm.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, mục đích của việc thành lập vườn sâm gốc 100ha là để cung ứng cho người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đặc điểm của cây sâm là chỉ khai thác được một lần nên yêu cầu phải có cây giống mới đưa vào phát triển tiếp. Hơn nữa khi có được vườn sâm gốc, chắc chắn rằng cây sâm Ngọc Linh sẽ được bảo tồn nguyên vẹn về nguồn gen một cách bền vững nhất. Huyện cũng mong muốn các nhà khoa học sớm vào cuộc để xác định bản đồ gen gốc cho cây sâm để có cơ sở bảo vệ một cách nguyên trạng.

Theo kế hoạch thì trong tháng 6 này huyện Nam Trà My sẽ tiến hành đo đạc, cắm mốc diện tích 100ha đất dưới tán rừng nguyên sinh để thành lập vườn sâm gốc và đưa vào trồng sâm giống. Trong 3 năm, cây sâm ra hoa và mỗi hoa cho 10 - 20 hạt giống thì không lâu nữa, vườn sâm gốc Tắc Ngo sẽ không những là nơi cung ứng giống sâm Ngọc Linh chính hiệu cho nhu cầu phát triển sản xuất mà đây còn là nơi bảo vệ nguồn gen cho loài dược liệu cực kỳ quý hiếm này.


Có thể bạn quan tâm

Đầm Dơi (Cà Mau) Nuôi Sò Huyết Xen Canh Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Đầm Dơi (Cà Mau) Nuôi Sò Huyết Xen Canh Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Hiện nay trên địa bàn xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có hơn 400 hộ thực hiện mô hình nuôi sò huyết xen canh tôm cho thu nhập khá, tập trung nhiều nhất ở 2 ấp Ngã Oác và Bào Hầm.

19/03/2014
Nuôi Heo Rừng Ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) Nuôi Heo Rừng Ở Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Những tưởng vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ có gió, sóng và sản vật từ biển, nhưng rất lạ ở nơi này còn nuôi được heo rừng – vật nuôi chỉ thường nuôi ở vùng núi, trung du. Dẫu chưa phải là phổ biến song việc con heo rừng đang thích ứng tốt với điều kiện sống ở đây như một thí nghiệm hay cần được tiếp tục nghiên cứu…

19/03/2014
Ông Thành Giỏi Nuôi Cá Lồng Ông Thành Giỏi Nuôi Cá Lồng

Năm 1981, ông Thành phục viên rồi lấy vợ. Để nuôi gia đình, ông đấu thầu hơn 1ha đất ngoài bãi sông Kinh Thầy để cấy lúa, trồng ngô, khoai… Nhưng do thiên tai, cái đói, nghèo cứ bám lấy gia đình ông.

22/02/2014
Chung Tay Cứu Cây Cà Phê Chung Tay Cứu Cây Cà Phê

Theo đề nghị của Huyện ủy, UBND huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Hội nông dân (ND) tỉnh đã mời TS Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Phân bón Sông Lam trực tiếp đến xã Đa Mi giúp địa phương “cứu” cây cà phê.

19/03/2014
Triển Khai Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Hiệu Quả Triển Khai Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Hiệu Quả

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

22/02/2014