Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thanh Hóa Vùng Triều Nhộn Nhịp Vào Vụ Nuôi Tôm

Thanh Hóa Vùng Triều Nhộn Nhịp Vào Vụ Nuôi Tôm
Ngày đăng: 08/04/2012

Các hộ nuôi trồng thủy sản ở huyện Hậu Lộc chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho vụ nuôi tôm mới.

Về các vùng triều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào thời điểm này, không khí lao động tấp nập đang tràn ngập trên những khu ao, đầm nuôi tôm; sự háo hức, hiện rõ trên khuôn mặt của các chủ đầm đang chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới.

Ông Nguyễn Văn Dũng, một chủ đồng nuôi tôm tại vùng triều xã Đa Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa), cho biết: Bước vào đầu vụ nuôi tôm năm nay, thời tiết có nhiều thuận lợi so với năm 2011, nên 3 ha nuôi tôm sú của gia đình ông đã được cải tạo xong, chỉ chờ đến lịch, có con giống về là thả. Ông Cao Văn Sỹ, thôn Minh Thành, xã Minh Lộc (Hậu Lộc) cho biết thêm: Năm 2011, điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi nhưng vụ tôm của gia đình vẫn cho năng suất khá, thu nhập cao. Năm nay, tôi mở rộng thêm 7 ha nuôi tôm. Gia đình đã cải tạo xong ao đầm nuôi, trong đó có 4 ha đã trải xong bạt ni-lông...

Được biết, vụ tôm xuân – hè năm 2012, toàn huyện Hậu Lộc phấn đấu thả nuôi gần 400 ha, trong đó có 390 ha nuôi tôm sú, còn lại là nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến ngày 30-3-2012, trên địa bàn huyện đã thả được 6,5/33 triệu con tôm giống. Theo phòng nông nghiệp huyện: Năm nay, do nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải tạo ao, đầm trong quá trình sinh trưởng, phát triển của con nuôi nên người dân đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao, đầm nhiều hơn. Tuy nhiên, việc nuôi tôm trong huyện chủ yếu vẫn nuôi theo hình thức quảng canh, vì vậy tính bấp bênh, may rủi trong nuôi thả tôm vẫn phụ thuộc vào thời tiết. Hơn nữa, công tác kiểm dịch giống còn gặp nhiều khó khăn, do con giống đưa vào thả nuôi được lấy từ nhiều nơi, thời điểm thả lại không tập trung nên rất khó kiểm soát.

Rời huyện Hậu Lộc, chúng tôi đến với vùng triều huyện Hoằng Hóa, nơi đây, người dân cũng đang bận rộn với công tác cải tạo ao, đầm, chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào vụ nuôi tôm mới. Vụ tôm xuân – hè năm nay, huyện Hoằng Hóa đưa vào thả nuôi 1.351 ha. Cũng như các huyện vùng triều khác, huyện đã và đang chỉ đạo người dân tích cực cải tạo ao đầm, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tiến hành thả nuôi tôm sớm hơn so với lịch thời vụ. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa, đến hết ngày 29-3-2012, toàn huyện đã thả được 19 triệu con tôm giống, đạt 19,8% kế hoạch.

Mặc dù vụ nuôi tôm xuân – hè 2012 ở huyện Hoằng Hóa có những bước khởi đầu thuận lợi, song huyện vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn như: Dù sắp đến thời điểm đồng loạt thả tôm, nhưng huyện mới chỉ chủ động được 1/5 lượng giống tôm thả nuôi, còn lại phải di ương từ tỉnh ngoài về (chủ yếu là các tỉnh phía Nam). Tuy nhiên, việc di ương số lượng tôm giống từ tỉnh ngoài không những đẩy giá thành con giống lên cao do cước vận chuyển mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, sự thích nghi của con giống. Trước khó khăn trên, huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp với trạm khuyến nông tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho các chủ đồng nuôi tôm; khuyến khích người dân nuôi theo hướng đa canh, đa con, kết hợp với các loài nhuyễn thể nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích.

Theo thống kê của Phòng Nuôi trồng Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết ngày 29-3-2012, toàn tỉnh đã thả mới được 975/3.900 ha tôm, đạt 25% diện tích tôm sú theo kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo bà con cải tạo ao, đầm đúng hướng dẫn kỹ thuật và tuân thủ lịch thời vụ thả tôm xuống ao nuôi từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4-2012. Tuy nhiên, sở cũng khuyến cáo bà con căn cứ vào thời tiết cụ thể từng thời điểm, chỉ thả tôm khi trời ấm nắng. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y tổ chức kiểm tra chất lượng, kiểm dịch chặt chẽ chất lượng tôm sú giống sản xuất trong tỉnh và di ương từ tỉnh ngoài về. Các huyện vùng triều cần tăng cường kiểm soát các đối tượng đưa giống tôm đến địa bàn và tuyên truyền cho chủ đồng chỉ mua tôm giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có đủ giấy chứng nhận đã được kiểm tra, kiểm dịch mới đưa vào nuôi đúng hướng dẫn kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao.


Có thể bạn quan tâm

Thủ Lĩnh Nông Dân Thủ Lĩnh Nông Dân

Ở xã Trà Giác (Bắc Trà My), nhắc đến Chủ tịch Hội Nông dân xã A Lăng Má, nhân dân địa phương coi anh như “chiếc phao” giúp đồng bào thoát nghèo.

28/07/2013
Sen Mất Mùa, Rớt Giá Sen Mất Mùa, Rớt Giá

Từ năm 2007 đến nay vợ chồng anh Sáu Phù Sa ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn liên tục trồng 10 sào sen ở đầm Mông Lãnh. Từ lúc chuyên canh sen, cuộc sống của gia đình anh không còn khó khăn như trước. Anh Sáu cho biết, những năm qua nhờ nguồn nước không bị nhiễm bẩn, củ giống chất lượng cao nên lứa sen nào cũng bội thu.

28/07/2013
Sâu Bệnh Phát Sinh Mạnh, Hại Lúa Hè Thu Sâu Bệnh Phát Sinh Mạnh, Hại Lúa Hè Thu

Hiện nay, 3.300/3.500ha lúa hè thu chính vụ của huyện Núi Thành đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, một số trà muộn ở thời kỳ cuối đẻ nhánh.

28/07/2013
Phú Thọ Đã Gieo Cấy Gần 30 Nghìn Ha Lúa Mùa Phú Thọ Đã Gieo Cấy Gần 30 Nghìn Ha Lúa Mùa

Đến ngày 3-7, Phú Thọ đã gieo cấy được gần 30.000ha lúa mùa. Gieo trồng cây màu: Ngô 2.548 ha; lạc 795 ha; đỗ tương 300 ha; rau 2.006,1 ha.

28/07/2013
Thanh Thủy Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Lúa Tái Sinh Thanh Thủy Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Lúa Tái Sinh

Lúa tái sinh, lúa chét, lúa gie… tùy theo cách gọi của từng địa phương, nhưng đều có đặc điểm chung là tận dụng ruộng đã thu hoạch vụ trước, chăm sóc để cây lúa tái sinh, sau khoảng 40-45 ngày thì thu hoạch. Tuy năng suất không cao bằng lúa chính vụ, nhưng với khoảng thời gian ngắn, lại không phải đầu tư giống, công gieo cấy, mỗi sào chỉ bón ít phân là cho thu hoạch.

28/07/2013