Thanh Hóa: Mục Tiêu Trồng Đậu Tương Vụ Đông 2013 Không Đạt Kế Hoạch

Không mất nhiều công gieo vãi, chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có tác dụng làm đất tơi xốp, bên cạnh đó còn tận dụng được diện tích đất 2 lúa, nên cây đậu tương đã và đang trở thành cây trồng được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn để trồng trong vụ đông trên chân đất 2 lúa trong nhiều năm qua.
Để khuyến khích các địa phương trong tỉnh gieo vãi cây đậu tương trên đất 2 lúa, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền giống đậu tương cho các hộ nông dân, nhóm hộ, HTX, doanh nghiệp gieo trồng cây đậu tương trong vụ đông 2013-2014, với mức hỗ trợ 12.500 đồng/kg, tương đương 1 triệu đồng/ha cho đơn vị có diện tích gieo vãi đậu tương trong vụ đông từ 200 ha trở lên. Theo đó, với mục tiêu gieo vãi 10.000 ha đậu tương trong vụ đông 2013-2014, trong đó có 9.100 ha được UBND tỉnh hỗ trợ 9 tỷ 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. 70% tổng kinh phí hỗ trợ đã được tỉnh phân bổ về cho các địa phương ngay từ đầu vụ.
Chính sách trên của tỉnh đã được các địa phương và bà con nông dân hưởng ứng thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố bất lợi làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo vãi đậu tương. Nhiều địa phương chậm so với lịch thời vụ, thậm chí không hoàn thành kế hoạch, đã và đang ảnh hưởng đến mục tiêu, kế hoạch gieo trồng đậu tương trong vụ đông năm nay của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu gieo vãi 2.100 ha đậu tương trong vụ đông 2013-2014, ngay từ đầu vụ, huyện Thọ Xuân đã chủ động triển khai nhiều giải pháp theo phương án đề ra như: chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa chín và gặt đến đâu gieo vãi đậu tương đến đó... Theo thống kê của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, kết thúc lịch thời vụ, toàn huyện mới gieo vãi được 830 ha, đạt dưới 40% kế hoạch. Huyện Yên Định, địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông, đặc biệt là đơn vị tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trong việc gieo vãi đậu tương và mặc dù đã có phương án cụ thể, triển khai kịp thời, nhưng tiến độ gieo vãi đậu tương trong vụ đông năm nay vẫn bị chậm so với lịch thời vụ. Đến hết ngày 8-10 (quá 3 ngày so với khung lịch gieo vãi đậu tương), toàn huyện Yên Định gieo vãi được 1.800 ha/2.100 ha đậu tương theo kế hoạch.
Ảm đạm hơn cả 2 huyện trên, vụ đông năm nay, huyện Nông Cống còn không thực hiện được việc gieo vãi đậu tương như kế hoạch đã đề ra. Ông Đồng Minh Quân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nông Cống cho chúng tôi biết: Vụ đông năm nay, huyện Nông Cống đặt ra mục tiêu gieo vãi 50 ha đậu tương. Huyện đã chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa chín; đồng thời, thực hiện gieo vãi đậu tương theo phương châm: sáng lúa chiều đậu. Tuy nhiên, đợt mưa trong 3 ngày từ 18 đến 20-9 đã làm toàn bộ diện tích đậu tương đã được gieo vãi bị hư hỏng hoàn toàn. Tiếp sau đó là những trận mưa lớn do ảnh hưởng của 2 cơn bão số 9 và số 10 khiến bà con nông dân trong huyện không thể gieo vãi được đậu tương, đến khi thời tiết thuận lợi nhưng đã chậm lịch thời vụ nên bà con nông dân không tiến hành gieo vãi nữa.
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân khiến tiến độ gieo vãi đậu tương chậm, ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Định cho biết thêm: Theo lịch thời vụ của Sở NN&PTNT, việc gieo vãi đậu tương kết thúc trước ngày 5-10. Mặc dù huyện Yên Định đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân thực hiện thu hoạch lúa và gieo vãi đậu tương đúng khung lịch thời vụ, nhưng do ảnh hưởng các cơn bão liên tiếp khiến tiến độ thu hoạch lúa thu – mùa bị chậm, dẫn đến việc gieo vãi đậu tương trên diện tích đất 2 lúa cũng bị chậm theo. Dù bị chậm lịch thời vụ nhưng huyện vẫn đang chỉ đạo bà con nông dân gieo vãi đậu tương trên diện tích đã quy hoạch bằng các giống đậu ngắn ngày.
Ngoài yếu tố thời tiết còn một số nguyên nhân như: Khâu cung ứng giống đậu tương cho bà con nông dân của các đơn vị cung ứng giống không kịp thời; mặc dù đã được tỉnh hỗ trợ về giống nhưng do giá giống năm nay tăng, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng nên nông dân không muốn gieo vãi vì sợ lỗ.
Chính những nguyên nhân trên đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng 10.000 ha đậu tương trong vụ đông năm nay của tỉnh ta gặp trở ngại. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, kết thúc lịch gieo trồng đậu tương (đến hết ngày 10-10), toàn tỉnh mới gieo vãi được 7.430 ha đạt 74,3% KH. Mặc dù một số địa phương đang kéo dài thêm lịch thời vụ gieo vãi đậu tương bằng các giống ngắn ngày, song thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, mục tiêu gieo trồng 10.000 ha đậu tương trong vụ đông 2013-2014 của tỉnh chắc chắn sẽ không đạt kế hoạch.
Có thể bạn quan tâm

Cuộc họp triển khai công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 khu vực Trung bộ tổ chức tại TP.Phan Thiết mới đây xoay quanh 2 nội dung. Đó là phản ánh tình trạng thiếu nước tại các công trình thủy lợi trên toàn miền Trung trong diễn biến của hiện tượng El Nino và đốc thúc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn.

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng Tháp có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, chính quyền các địa phương và nông dân cũng đã năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hình thành được chuỗi khép kín thông qua mối liên kết “4 nhà”.

Năng suất lúa bình quân đạt 57,3 tạ/ha, tăng 2,1%, sản lượng tăng 1,1%; so với năm 2013. Cây bắp năng suất ước đạt 54,8 tạ/ha, sản lượng 57.746 tấn. So với kế hoạch, năng suất tăng 3,4%, sản lượng tăng 2,1%. Các loại cây trồng ngắn ngày, cây chủ lực như mía và mì đều tăng trưởng đạt kế hoạch về diện tích, sản lượng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu không ổn định. “Mỗi khi nguồn hàng khan hiếm, ngoài việc phải cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp trên địa bàn, công ty phải tổ chức đi mua ở các tỉnh lân cận mới đủ hàng sản xuất, nên chi phí đầu vào đội lên”-ông Quỳnh than.

Cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Tân An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), một trong 6 cơ sở được tỉnh duyệt đủ tiêu chuẩn đóng mới, thời điểm này khá nhộn nhịp. Chỉ vào đôi tàu có công suất gần 600CV vừa hoàn thành đóng mới và đã làm lễ hạ thủy, ông Cao Minh Êm, thôn Tân An vui mừng, bảo: “Con tàu cứng cáp lắm.