Thanh Hóa: Gồng Mình Chống Hạn

Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12.000 ha lúa thiếu nước. Ngành NN- PTNT đang chỉ đạo các Cty thủy nông thực hiện việc bơm nước liên tục để cứu lúa.
Trắng đêm cứu lúa
Cty TNHH MTV Thủy nông sông Chu trực tiếp quản lý 34 hồ, đập lớn nhỏ, đảm bảo nguồn nước tưới cho 57.800 ha lúa của 15 huyện trong tỉnh. Những ngày nắng nóng 41 độ C, các trạm bơm liên tục hoạt động 24/24h. Đã gần 23h đêm, song cán bộ Cty, lãnh đạo huyện Nông Cống cùng người dân vẫn ở trên đồng ruộng xã Hoàng Giang.
Ông Lê Văn Thủy- TGĐ Cty cho hay, ban ngày nhiệt độ rất cao, nước bốc hơi rất nhanh, nên một lượng nước rất lớn từ hồ dẫn đến các nhánh sông đã không thể bén đến các chân ruộng vàn cao. Chính vì thế, giải pháp Cty đưa ra là mở van hết công suất tại các trạm bơm để dẫn nước vào tới chân ruộng, chủ yếu vào ban đêm. Hơn nữa đây cũng là thời gian mà người dân ra ruộng đỡ vất vả hơn là đi ban ngày.
Anh Đỗ Văn Hóa, một nông dân cho hay: “Nếu nhiệt độ cao và duy trì liên tục nhiều ngày thì nước đâu mà cấp đủ cho hàng ngàn ha lúa. Chúng tôi lo lắm, không biết có bị ảnh hưởng đến năng suất không vì đây là thời điểm lúa bắt đầu trổ bông rồi”. Dứt lời thì anh Hóa, cán bộ thủy nông của huyện cam kết: “Nước tưới cho vụ xuân sẽ đảm bảo được để cho cây lúa hấp thụ, trổ bông và kết hạt. Điều mà chúng tôi lo vẫn là ở vụ thu mùa, sau khi kết thúc vụ xuân. Vì nếu thời tiết lặp lại năm 2010 thì nguy cơ thiếu nước cục bộ ở một số vùng sẽ xảy ra”.
Tại các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa cũng duy trì tất cả các trạm bơm dã chiến ở các vị trí trọng điểm để chống hạn. Lực lượng cán bộ thủy nông và các địa phương ra quân nạo vét kênh mương để lấy nước từ các trạm bơm.
Ông Đinh Quang Dương- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Đã cho thay thế 10 máy bơm cột nước cao của trạm bơm Định Hải để tiếp nước cho kênh Bắc- trạm bơm Nam sông Mã. Các công trình chống hạn trọng điểm như trạm bơm Cống Phủ huyện Hà Trung, hệ thống cấp nước vùng Đông kênh De huyện Hậu Lộc, cống Tứ Thô, trạm bơm Sa Loan huyện Nga Sơn… và các hồ đập được đầu tư cải tạo nâng cấp kịp thời đưa vào vận hành. Tranh thủ vận hành các trạm bơm để bơm trữ nước phục vụ chống hạn. Kiểm soát quy trình vận hành hồ chứa. Phối hợp chặt chẽ với ngành điện để xử lý các sự cố, ưu tiên điện chống hạn; đặc biệt là các trạm bơm đầu mối và các trạm bơm nước vùng triều”.
Vụ xuân năm 2010, Thanh Hóa đã thực hiện sáng kiến ngăn sông Mã nâng mực nước lên để các vòi bơm ở các trạm tại Yên Định hút được nước thuận lợi. Nhờ đó mà hàng ngàn ha lúa xuân của Yên Định và một số huyện phụ cận được cứu nguy cơn khát nên năng suất vẫn đạt cao.
Năm nay nếu mực nước sông xuống và hạn tiếp tục có chiều hướng căng thẳng thì giải pháp này vẫn tiếp tục được duy trì để thực hiện phương án chống hạn.
Tại huyện Triệu Sơn mấy ngày nắng nóng đã có nhiều cánh đồng nứt toác. Có những nơi xảy ra héo lúa. Song với tinh thần chỉ đạo quyết liệt và người dân đã không quản nắng nóng nên liên tục bám ruộng để có thể dẫn được nước vào đến tận các chân ruộng, nhờ đó mà lúa không bị chết. Cách mà Triệu Sơn làm cũng giống với Nông Cống và ở các nơi khác là ban ngày nước được dẫn đến các vùng thấp, trũng; còn ban đêm nước được ưu tiên dẫn đến các vùng cao để đảm bảo việc cứu lúa.
Tại huyện Hậu Lộc, PV liên lạc với ông Nguyễn Văn Hoằng- Chủ tịch UBND huyện lần nào cũng đều được ông cho hay là đang cùng người dân ở ngoài ruộng cứu lúa. Chúng tôi chạy xe máy dọc tuyến kênh De cũng cảm nhận rõ được điều đó khi nhìn thấy toàn dân ở đây đang lo lấy nước. Không chỉ thiếu nước cho cứu lúa mà ngay cả nước sinh hoạt cũng đang ở mức báo động.
Chính vì thế, giải pháp mà huyện đưa ra là lắp nhiều trạm bơm dã chiến, khơi thông các dòng chảy, nạo vét toàn tuyến kênh mương lớn nhỏ để có thể dẫn được nước từ các đầu mối sông chính. Nhờ đó mà một phần lớn diện tích lúa ở vùng liên tục bị ảnh hưởng bởi hạn hán và nhiễm mặn đã được cứu.
Bùng phát sâu bệnh
Cùng với hạn hán hoành hành thì nhiều huyện trọng điểm lúa của tỉnh bị ảnh hưởng bởi rầy nâu, rầy lưng trắng. Toàn tỉnh đã có 891 ha lúa xuân bị nhiễm rầy các loại, trong đó huyện Quảng Xương 500 ha, Nga Sơn 120 ha, Triệu Sơn 100 ha… Mật độ rầy ở mức trung bình từ 150 - 500 con/m2, nơi cao đạt đến 1.500- 8.000 con/m2, cá biệt đạt 10.000 con/m2 ở huyện Quảng Xương. Mật độ ổ trứng trung bình 30 - 40 ổ/m2, nơi cao 200- 300 ổ/m2, cá biệt có nơi 600 ổ/m2 như ở Quảng Xương, Nga Sơn, Triệu Sơn.
Hiện rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 đang ở tuổi 1 đến tuổi 3. Rầy lứa 3 sẽ nở rộ tập trung từ ngày 10 - 15/5 và gối với lứa 2. Do đó mật độ rầy sẽ tăng cao và gây cháy ổ, cháy chòm vào thời kỳ lúa trổ đến chắc xanh.
Theo khuyến cáo của Chi cục BVTV Thanh Hóa thì thời gian tới rầy các loại vẫn còn tiếp tục phát sinh, phát triển với mật độ cao trên diện rộng và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Nếu rầy nâu, rầy lưng trắng ở mật độ trên 750 con/m2 và lúa đang giai đoạn ôm đòng thì người dân phòng trừ bằng thuốc hóa học nội hấp, lưu dẫn như Conphai, Sutin 50SC, Actara 25 WG, Chess 50WG.
Trên những ruộng lúa đã trỗ bông thì sử dụng những loại thuốc tiếp xúc như Bassa 50ND, Furacar 550EC. Đặc biệt trên những chân ruộng xuất hiện bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá nếu phát hiện rầy cần phun trừ triệt để và nhổ bỏ những cây, khóm bị bệnh.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình này lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở xã Phước Mỹ, tạo nghề mới để tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi cho nông dân. Mô hình rất phù hợp với chăn nuôi gia đình vì kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ áp dụng, tận dụng được nguồn lao động và một số loại thức ăn là phế phụ phẩm nông nghiệp, thời gian vỗ béo ngắn, ít rủi ro hơn những đối tượng vật nuôi khác.

Hoạt động chăn nuôi đang có dấu hiệu khởi sắc, có lợi cho người nông dân. Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/12, tại Hà Nội.

Những năm gần đây, nông dân huyện Năm Căn không ngừng tìm hướng đi mới trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình nuôi sò huyết giờ đã trở thành phong trào và giúp nhiều nông dân có thu nhập ổn định.

Cầm trên tay một khay bắp hạt, bà Trần Thị Sạ bước ra bên hiên nhà dưới gọi “lộc, lộc, lộc...” cả chục chú hươu mới trưởng thành chạy ùa ra trước sân chuồng đón mừng một bữa trưa thường nhật. Bỗng có khách lạ vào tham quan, chúng ngơ ngác chạy lùi ra xa. Bà Sạ kể: “Hồi mới đưa về xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng này, nuôi nhốt hai chục con hươu (còn gọi là con lộc) trong chuồng nhà mãi đến mấy tháng sau, chúng mới quen dần tiếng gọi, tiếng chân đi của chủ nhà…”.

Giống lúa năng suất, chất lượng cao Japonica ĐS 1 được trồng thử nghiệm thành công tại thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ (Yên Minh) trong vụ Xuân, vụ Mùa năm 2013.