Thanh Hóa Bắt Giữ 15 Tàu Cá Khai Thác Sai Tuyến

Dồn về khai thác thủy sản vùng ven biển Sầm Sơn và Tĩnh Gia, 15 tàu cá công suất từ 68 CV đến 120 CV của ngư dân huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) và huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã bị lực lượng chức năng tỉnh bắt giữ và xử lý.
Ngày 5-9, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Phòng Cảnh sát Đường thủy (Công an tỉnh) thực hiện đợt tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thuỷ sản vùng ven biển của tỉnh. Trong đợt tuần tra, đoàn công tác đã kiểm tra 37 phương tiện tàu cá, trong đó, nhắc nhở cảnh cáo 22 tàu cá và bắt giữ 15 tàu cá do hoạt động sai tuyến khai thác.
Trong 15 tàu cá bị bắt giữ, có tàu của ông Nguyễn Văn Quyết (số đăng ký NĐ 91626 TS) và tàu mới chưa có số đăng ký của ông Hoàng Văn Phi, đều là ngư dân của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). 13 tàu cá còn lại gồm các tàu: NA 91919 TS, NA 4538 TS, NA 2477 TS, NA 3676 TS, NA 2692 TS, NA 4595 TS, NA 90578 TS, NA 2610 TS, NA 2295 TS, NA 1294 TS, NA 90919 TS, NA 3798 TS, NA 90456 TS đều là tàu của ngư dân huyện Diễn Châu (Nghệ An).
Điều đáng lưu ý là các tàu cá trên đều có công suất từ 68 CV đến 120 CV. Thời điểm bị bắt giữ, 15 tàu cá đang khai thác thuỷ sản tại vùng biển ven bờ của thị xã Sầm Sơn và huyện Tĩnh Gia.
Việc các tàu công suất lớn hoạt động sai tuyến khai thác đã làm hủy hoại đến nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sinh, đồng thời làm hư hỏng, cuốn trôi ngư lưới cụ của nhiều ngư dân khai thác ven bờ trong thời gian vừa qua. Các tàu cá vi phạm đã được bàn giao cho Phòng Cảnh sát Đường thủy xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Điểm 2, Điều 5, Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31-3-2010 của Chính phủ quy định: Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cá, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng;
Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi tham quan và nhận thấy cách nuôi thủy sản trong ruộng lúa ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đạt hiệu quả cao, ông Trần Thành Đại (ở thôn Kiên Long, xã Bình Thành, tỉnh Bình Định) đã xây dựng một mô hình nuôi lươn, cá rô đồng trên diện tích gần 3 sào ruộng lúa.

Thời tiết thay đổi bất thường, vùng nuôi ô nhiễm, con giống kém chất lượng… là nguyên nhân chính gây nên bệnh đốm trắng trên tôm nuôi. Khi ao nuôi xuất hiện dịch bệnh này, người nuôi cần có phương án xử lý thích hợp để tiêu diệt mầm bệnh, tránh lây lan.

Ngày 04/11/2015 Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã tổ chức cuộc tham quan - hội thảo mô hình nuôi ếch thương phẩm an toàn sinh học tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy cho hơn 50 nông dân thuộc 8 xã tham dự.

Liên tiếp trong những ngày vừa qua, ngư dân ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã có nguồn thu nhập đáng kể nhờ khai thác được một sản lượng tôm tít (có nơi còn gọi là tôm bàn chải) khá lớn.
Nếu giai đoạn năm 2010 - 2011 được xem là thời kỳ “hoàng kim” của vùng chuyên canh tôm càng xanh huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thì năm 2015 được đánh giá là giai đoạn khó khăn đối với người nuôi tôm càng xanh.