Thành Công Với Mô Hình Nuôi Cá Rô Đồng Thâm Canh

Là nông dân đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá rô đồng thâm canh của huyện Vĩnh Lợi, ông Đặng Thanh Phong, ngụ ấp Giồng Bướm B, xã Châu Thới chia sẻ: “Xuất pháp từ suy nghĩ cần phải thực hiện mô hình thủy sản nước ngọt nào vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mình, vừa để bà con trong xóm, ấp tham quan học hỏi để cùng thực hiện”. Với suy nghĩ đó và sau thời gian tham quan học hỏi nhiều nơi, ông đã quyết định thực hiện mô hình nuôi cá rô đồng với hình thức thâm canh với diện tích hơn 3000 m2 được 3 năm nay.
Tham quan mô hình nuôi cá rô đồng đầu vuông hiện được hơn 1,5 tháng tuổi với diện tích 3000 m3 được chia làm 3 ao nuôi, chúng tôi thầm cảm phục ý chí vươn lên thoát nghèo của người nông dân chân chất này. Ông Phong cho biết: Cách đây 3 năm sau khi được tham quan mô hình nuôi cá rô đồng ở Cần Thơ, ông đã có ý định sẽ ủi diện tích đất ruộng lên để nuôi cá rô đồng vì đầu ra sản phẩm này ở Bạc Liêu luôn ổn định, đem lại thu nhập khá cho nông dân.
Với sự giúp đỡ tận tình của những người bạn là nông dân có nhiều kinh nghiệm nuôi cá rô đồng ở Cần Thơ, ông Phong đã dùng thời gian để nghiên cứu kỹ thuật nuôi và chuẩn bị về vốn để thực hiện mô hình nuôi đối tượng này. Đầu năm 2008, ông quyết định ủi 5000 m2 đất canh tác lúa kém hiệu quả lên thành 4 ao diện tích 4000 m2 để nuôi cá rô đồng (1 ao lắng để xử lý nước, cá tạp và 3 ao còn lại nuôi cá rô đồng). Sau hơn 3 tháng nuôi áp dụng khá thành thạo các biện pháp kỹ thuật trong nuôi cá rô đồng thâm canh tích lũy được, ông Phong thu hoạch từ 4 – 5 tấn cá thương phẩm. Với giá bán bình quân từ 40 – 55 ngàn đồng/kg ông thu nhập 100-150 triệu đồng/năm, lãi trung bình từ 60 – 70 triệu đồng/năm.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá rô đồng, ông Phong thẳng thẳn: Để nuôi cá thành công người nuôi cần tuân thủ tốt các biện pháp kỹ thuật trước khi thả cá giống như khâu cải tạo ao, xử lý nước… theo đúng quy trình được khuyến cáo. Đặc biệt là khâu chọn cá giống để thả nuôi, theo kinh nghiệm ông Phong thường chọn mua cá rô đồng giống ở các trại cá giống uy tín tại Cần Thơ vì chất lượng được đảm bảo và thả với mật độ 40 – 45 con/m2. Cá rô đồng lại tương đối dễ nuôi, ít bệnh, cho năng suất cao.
Trong suốt quá trình nuôi, khâu chọn loại thức ăn cho phù hợp và phương pháp cho ăn đúng kỹ thuật được ông quan tâm hàng đầu. Theo ông Phong thức ăn thích hợp cho cá có độ đạm 20-28%, cho ăn 2 – 3 lần/ngày với lượng thức ăn khoảng 5 – 7 % trọng lượng cá trong ao, bố trí sàng để kiểm tra thức ăn được tốt hơn…. Ngoài ra, người nuôi cũng cần quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi ổn định để sức khỏe cá nuôi được đảm bảo góp phần tăng năng suất cá nuôi ở cuối vụ.
Năm 2009, cũng với diện tích 3000 m2 ao nuôi ông Phong thả hơn 600 kg cá rô đồng giống (loại 200 con/kg). Sau hơn 3 tháng nuôi thu hoạch khoảng 4 tấn cá với giá 32 ngàn đồng/kg, thu nhập gần 128 triệu đồng sau khi trừ chi phí ông còn lãi 60 triệu đồng. Từ thành công những năm qua, năm 2010 này ông Phong bắt đầu chuyển sang nuôi cá rô đồng đầu vuông và thả hơn 700 kg cá giống (giá 100 ngàn đồng/kg) trên diện tích kể trên. Các khâu kỹ thuật khi nuôi cá rô đồng đầu vuông cũng giống như cá rô đồng thường. Hiện nay cá nuôi được thả hơn 1,5 tháng, đang phát triển khá tốt ước sản lượng khoảng 5 tấn. Dự kiến khoảng giữa tháng 9/2010 dương lịch sẽ thu hoạch, với giá cá ổn định từ 50 – 55 ngàn đồng/kg vụ cá này ông Phong có lãi khoảng 80 triệu đồng.
Có thể thấy rằng, tiềm năng nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi là rất lớn và đang được bà con nông dân phát huy hiệu quả trong những năm qua từ đó đem lại thu nhập khá cho bà con ở nông thôn. Tuy nhiên, mức độ thâm canh đối với các hình thức nuôi thủy sản nước ngọt còn rất hạn chế, nhỏ lẽ, vì thế các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật trong quá trình sản xuất để bà con nông dân mạnh dạn thực hiện các mô hình này trong những năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã cung ứng cho nông dân trong vùng bị nhiễm các loại bệnh gây hại cho cây lúa 500 chai và 200 gói thuốc bảo vệ thực vật, tổng trị giá trên 8 triệu đồng; đồng thời, Trạm phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm các xã, vận động, tuyên truyền nông dân theo dõi dịch bệnh gây hại và kịp thời xử lý, tránh để các loại bệnh gây hại cây trồng, thiệt hại đến năng suất.

Vài năm trở lại đây, Chi hội phụ nữ thôn An Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) đã xây dựng nhiều mô hình giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, mang lại nguồn thu nhập chính đáng và góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phong trào hoạt động của Hội.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản, đặc biệt là với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ, sẽ có hiệu lực vào ngày 25/8 tới.

Ngày 22-8, Bộ Tài chính cho biết, Thứ trưởng Trần Xuân Hà vừa ký ban hành Thông tư số 114/2014/TT-BTC hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Năm nay là năm thứ 3 na ở đây được mùa, được giá. Diện tích na ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có khoảng 1.300ha, sản lượng trung bình đạt trên 6.000 tấn/năm. Đây là vùng na lớn nhất các tỉnh phía Bắc.