Thành công từ mô hình trồng dừa xiêm xen cam xoàn ở Khánh Vĩnh
Anh Đoàn Văn Hùng là một trong số những thanh niên tiêu biểu cho phong trào lập thân lập nghiệp của huyện Khánh Vĩnh.
Tuy còn rất trẻ tuổi nhưng anh đã tạo dựng được cho mình một cơ sở kinh tế khá vững chắc với mô hình trồng dừa xiêm lùn xen cam xoàn.
Đồng thời, anh đã tạo được việc làm cho nhiều thanh niên trên địa bàn xã.
Được tỉnh Đoàn Khánh Hòa giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đoàn Văn Hùng ở xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh vào một ngày cuối tháng 10.
Trước mắt chúng tôi là 1,5 hecta với 600 gốc dừa xiêm lùn trồng xen hơn 1.000 gốc cam xoàn đang trong mùa thu hoạch.
Được biết, anh Hùng là người đầu tiên mang giống cây cam xoàn trồng trên mảnh đất quanh năm chỉ trồng ngô và khoai mì này.
Lúc đầu mới làm, người dân địa phương cũng như bạn bè, người thân không tin tưởng vào sự thành công của giống cây mới.
Nhưng anh không nản chí, vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm.
Và công lao của anh đã được đền đáp xứng đáng.
Sau 5 năm đưa vào trồng, dưới bàn tay vun xới chăm sóc của anh, những trái cam ngọt, dừa mát lần lượt được cung ứng ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh cho biết vùng cam xoàn của anh Hùng là đầu tiên trên đất Khánh Vĩnh.
Qua thử nghiệm các vườn cam ông thấy rất hiệu quả.
Cây cam dòng cây ăn quả rất kén, mưa và nắng đều không chịu mà phải có bóng râm.
Khi gặp bóng nắng thì cây cam bị nám trái nên họ phải xen canh với cây dừa.
Theo anh Đoàn Văn Hùng, dừa anh lấy giống và trồng theo mô hình của Bến Tre là 6 thước, bờ 5 thước, mương 1 thước làm cho rõ phèn, thoát nước được nhanh.
Đất đai ở đây là vùng núi, vùng cao nhưng vẫn có nước, trồng cây ăn trái chủ yếu là phải có nước.
Vườn dừa xen cam của gia đình anh Hùng mỗi năm cho thu hoạch khoảng 25 tấn cam và hàng trăm buồng dừa.
Trừ hết mọi chi phí, anh thu về khoảng 700 - 800 triệu/năm.
Nhận thấy giá trị lợi nhuận kinh tế đem lại khá cao, anh đã chủ động tìm tòi mua thêm cây giống cũng như tự ươm cây để hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên, người dân trong xã nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đi mới để nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 10 hộ gia đình đang phát triển kinh tế theo mô hình dừa xen cam với trên 1.000 gốc mỗi hộ.
Chị Lương Thị Thu Hằng – Bí thư xã Đoàn Khánh Đông, Huyện Khánh Vĩnh cho biết lúc trước, đất ở đây rất xấu, không phù hợp với trồng bất cứ loại cây nào.
Từ khi gia đình anh Hùng triển khai mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ đó, một số thanh niên trong xã cũng như một số hộ nông dân, phụ nữ cũng đến đây tham quan và thấy được hiệu quả kinh tế, họ đã về đầu tư trồng làm vườn.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Đoàn Văn Hùng còn là một thanh niên năng động, nhiệt tình làm tốt công tác tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết trong thanh niên nông thôn.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đến nay, đoàn viên Đoàn Văn Hùng đã trở thành ông chủ của một vườn cây ăn nên làm ra.
Anh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp để các bạn trẻ noi theo.
Có thể bạn quan tâm

Thời điểm này, số lượng đàn heo đen tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang ở mức cao nhất nhằm phục vụ cho thị trường tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, tập quán chăn nuôi thả rông không mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn để lại hệ lụy môi trường.

Lợn rừng phù hợp với điều kiện chăn thả tự do hoặc trên diện tích đất rộng rãi.

Thực tế, văn hóa ăn gà lông không chỉ hằn sâu trong nếp nghĩ của người dân Thủ đô Hà Nội mà còn du nhập theo kiều bào sang tận các quốc gia phát triển.

Ngày 19/11, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội phối hợp với Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) tổ chức hội nghị triển khai chương trình hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sữa tươi trên địa bàn TP Hà Nội.

Đối với người dân huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thì cây bời lời trắng không còn xa lạ bởi từ lâu loại cây này đã có mặt hầu như ở khắp nơi, từ khe suối đến dốc đá cao. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại của nó rất thấp nên người dân chẳng mấy quan tâm tới loại cây này.