Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành công từ 1.100 cặp bồ câu Pháp, thu 45-50 triệu đồng/tháng

Thành công từ 1.100 cặp bồ câu Pháp, thu 45-50 triệu đồng/tháng
Tác giả: Kim Tiền
Ngày đăng: 15/01/2018

Bôn ba với nhiều nghề, cuối cùng ông Tuấn chọn cho mình hướng đi mới: Nuôi bồ câu Pháp. Nhờ mát tay, mỗi tháng ông Tuấn thu về 45-50 triệu đồng từ bồ câu giống và bồ câu thương phẩm.

Ông Tuấn bên trang trại bồ câu của gia đình

Mượn đất, cất trại

Đưa chúng tôi đi thăm trại bồ câu Pháp của mình, ông Nguyễn Quốc Tuấn (59 tuổi) ở thôn Phước Tân, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú (Bình Phước) không giấu nổi niềm vui: “Đất này tôi mượn của đứa cháu cùng quê để nuôi bồ câu Pháp. Nhờ đất lành chim đậu nên từ khi nuôi loài gia cầm này, kinh tế gia đình ổn định lên rất nhiều”. Thế rồi ông Tuấn kể về quãng thời gian trước đây ông đi làm thầu xây dựng. Trải qua nhiều công trình, lang bạt ở khắp nơi, công việc lúc thịnh, lúc suy. Tuổi xế chiều đã về mà ông chưa tích lũy được chút vốn “dưỡng già”.

Năm 2015, ông Tuấn cùng vợ quyết định dừng chân ở ấp Phước Tân, đầu tư vào nuôi bồ câu Pháp. “Năm đó tôi cất công trình xây dựng ở Phú Giáo, thấy người ta nuôi hiệu quả, tôi về bàn với vợ làm trại nuôi liền. Sẵn tiện người ta vừa bán giống, vừa truyền đạt kiến thức chăm sóc cho mình nên không ngại”, ông Tuấn kể. Nói là làm, ông Tuấn mua vật liệu về tự mình xây cất 500 m2 nhà xưởng, mua 200 cặp bồ câu giống về chăn nuôi. “Mỗi cặp bồ cầu giống lúc đó có 550 ngàn đồng. Giá tuy cao nhưng chúng tôi đã quyết tâm làm nên không sợ rủi ro”, bà Phạm Thị Thắm – vợ ông Tuấn chia sẻ.

Mặc dù được người bán giống chỉ dạy, nhưng khi bắt đầu nuôi ông Tuấn mới thấy phát sinh những thách thức. Do chưa ham hiểu kỹ thuật nên việc chăm sóc bồ câu còn gặp nhiều khó khăn. “Đôi khi đàn bồ câu biếng ăn, ủ rũ và ốm yếu vì môi trường sống thay đổi, thức ăn không phù hợp”, bà Thắm nói. Từ đó, ông Tuấn bắt đầu đi tham quan học hỏi các mô hình thành công khác, học hỏi qua sách báo, ti vi và nhờ đến tư vấn viên thú y. Từ đó đàn bồ câu của gia đình ông phát triển khỏe mạnh, ít ốm đau và cho gia đình ông thu nhập ổn định.

Hiện tại mỗi tháng vợ chồng ông Tuấn xuất chuồng khoảng 400-500 cặp bồ câu giống và bồ câu thương phẩm. “Tôi xuất bán chủ yếu là bồ câu thương phẩm, giá mỗi cặp 100 ngàn đồng. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi thu nhập từ 40-50 triệu đồng. Trừ chi phí ăn uống của chim, mỗi tháng chúng tôi lời khoảng trên 30 triệu đồng”, ông Tuấn nhẩm tính. Ngoài ra, mỗi năm ông Tuấn còn bán được hơn chục triệu tiền phân chim cho các nhà vườn.  

Mở rộng trại

Từ 200 cặp bồ câu giống, hiện trang trại của ông Tuấn có 1.100 cặp bồ câu cha mẹ. Các cặp này được vợ chồng ông Tuấn chăm sóc rất kỹ. Mỗi cặp được nuôi nhốt trong một lồng trại riêng. Thức ăn, nước uống được cung cấp ngày hai lần. Thức ăn chủ yếu là lúa, bắp. Nước uống được ông Tuấn mắc dàn tự động. Để đàn bồ câu phát triển tốt, ông Tuấn vệ sinh chuồng trại rất kỹ. Sau khi cho chim ăn, vợ chồng ông phải lau sạch máng, dọn sạch thức ăn thừa.

Khách tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại trại chim của ông Tuấn

“Như vậy vừa đảm bảo vệ sinh, vừa giúp chim ăn đúng bữa.Với những cặp chim non mình phải để ý kỹ hơn. Nếu chim chưa thể tự mổ, hoặc bữa nào nó yếu, mình phải đút cho nó ăn. Nhìn chung nuôi chim bồ câu phải tận tụy với nó như chăm con mọn”, ông Tuấn giải thích.

Do nhu cầu của thị trường đang cao, nhất là vào thời kỳ cưới hỏi, tiệc tùng cuối năm nên ông Tuấn quyết định mở thêm trang trại với gần 500 chuồng. Nếu ai có nhu cầu mua chim giống, ông Tuấn đều tận tình truyền đạt kỹ thuật chăm sóc chim non. “Chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng có cơ hội cải thiện cuộc sống, đó là điều tốt, mình cần phải làm, không nên dấu diếm”, ông Tuấn khẳng định.

Theo kinh nghiệm của ông Tuấn, bồ câu thường có bệnh phân xanh, phân trắng. Để trị bệnh này ông Tuấn sẽ ra thú y mua thuốc. Ngoài ra ông còn điều trị theo kinh nghiệm dân gian từ quả sung. “Đợt rồi mình trị theo hướng dân gian, lấy lá quả sung nghiền nước cho chim uống, ngờ đâu chết mấy cặp. Sau đó mình hỏi các bạn nuôi khác mới biết rằng phải nấu nước sôi cho nó mới khỏi. Từ đó, đàn chim khỏe mạnh trở lại”, ông Tuấn kể. Bồ câu mỗi tháng đẻ một lứa. Vừa ấp trứng, vừa nuôi con nên năng suất rất cao. Nhờ bồ câu, ông Tuấn thu nhập trung bình khoảng 400 triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình ổn định, ông Tuấn đã thực sự gắn bó với loài chim bồ câu, gắn bó với mảnh đất Phước Tân.

Bồ câu Pháp, loài gia cầm giúp kinh tế hộ gia đình thêm ổn định


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Lo Lắng Vì Phân Bón Rởm Tràn Lan Nông Dân Lo Lắng Vì Phân Bón Rởm Tràn Lan

Ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL cho biết, hiện nông dân trong khu vực đang vào vụ sản xuất lúa nên nhu cầu sử dụng phân bón là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều đang mang lại rất nhiều nỗi lo cho nông dân trong vùng.

22/02/2012
Lương Thấp, Tự An Ủi Mình Lương Thấp, Tự An Ủi Mình

Liên kết khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) là mô hình mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn KNVCS đều phàn nàn bởi khối lượng công việc quá lớn, song mức phụ cấp thấp; chỉ đủ tiền xăng xe hàng tháng nên họ không mặn mà.

22/02/2012
Xuất Khẩu Cá Ngừ Bứt Phá Xuất Khẩu Cá Ngừ Bứt Phá

Tính đến giữa tháng 3/2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 101 triệu đô la Mỹ, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

18/04/2012
Bí Quyết Làm GAP Nhanh Bí Quyết Làm GAP Nhanh

Ở Bình Thuận, làm GAP trên thanh long nhưng trang trại Duy Lan ở thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam đã tìm được một cách đi cho riêng mình và đây thực sự là một mô hình siêu tốc vì từ lúc nộp đơn là ngày 30/10/2006 đến ngày 12/3/2007 là lần thẩm định cuối cùng và đến 5/7/2007 là đã được tổ chức IMO của Thụy Sỹ công nhận chính thức đạt tiêu chuẩn Euro GAP.

17/05/2012
Để Nghề Nuôi Trồng Thuỷ Sản Bền Vững Ở Quảng Ninh Để Nghề Nuôi Trồng Thuỷ Sản Bền Vững Ở Quảng Ninh

Những năm qua, nghề nuôi trồng thuỷ sản của Quảng Ninh đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích nuôi không ngừng được mở rộng trên cả 3 vùng nuôi mặn, lợ và nuôi nước ngọt. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tính bền vững của nghề nuôi còn thấp.

19/07/2012