Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành Công Nhờ Dám Nghĩ, Dám Làm

Thành Công Nhờ Dám Nghĩ, Dám Làm
Ngày đăng: 13/12/2013

Những năm qua, nhiều gia đình trong xã An Bồi (Kiến Xương - Thái Bình) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp với thả cá. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi gần 20ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình chăn nuôi, giúp phát triển kinh tế.

Điển hình là gia trại nuôi gà đẻ lấy trứng thương phẩm theo phương pháp chuồng lạnh bảo đảm trứng gà sạch của gia đình anh Trần Văn Tiến, thôn Tân Hưng.

Qua cuộc trò chuyện chúng tôi được biết, anh sinh ra và lớn lên tại Thành phố Thái Bình, tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1998, ra trường từng tham gia công tác tại nhiều công ty. Năm 2009, trong chuyến công tác tại xã An Bồi, anh thấy những mảnh ruộng chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả bị người dân bỏ hoang. Ngay sau đó, anh đã làm đơn gửi lên UBND xã An Bồi đề nghị được chuyển đổi mục đích sử dụng 2,5ha ruộng chua, trũng bị bỏ hoang sang xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá.

Với 2,5 ha đất đấu thầu được, anh dành 1 ha đào ao thả cá, đầu tư xây dựng 1.000m2 chuồng trại chăn nuôi gà đẻ siêu trứng… Hệ thống chuồng nuôi gà của anh Tiến được thiết kế, xây dựng rất kiên cố, hiện đại, có hệ thống chiếu sáng, trang bị nhiều quạt gió lớn để luôn duy trì nhiệt độ phù hợp và hệ thống cung cấp nước uống tự động.

Hệ thống chuồng trại xây xa khu dân cư không chỉ bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn hạn chế được dịch bệnh cho vật nuôi. Chuồng nuôi gà được chia làm 3 dãy, mỗi dãy gồm nhiều lồng, được bố trí khoa học để tiện cho việc đi lại chăm sóc gà và thu hoạch trứng. Anh còn dành một phần diện tích đất trồng hàng trăm gốc mít Thái Lan, bưởi da xanh, chanh không hạt… và nhiều loại cây có giá trị khác.

Hiện nay, chuồng nuôi của gia đình anh có gần 10.000 con gà đẻ đang trong thời gian cho thu trứng. Mỗi ngày, anh thu gần 9.000 quả, với giá bán 1.500 - 2.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí mỗi tháng từ đàn gà cho gia đình anh thu lãi gần 30 triệu đồng. 1 ha ao của gia đình, anh cho thả các loại cá thương phẩm như trắm, mè, chép, trôi… mỗi năm ao cá cho thu hoạch khoảng 10 tấn, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Để đạt được thành công như ngày hôm nay, anh đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả.

Khu chuồng trại của anh nằm tách biệt, cách xa khu dân cư gần 1 km nên ngoài xây dựng chuồng trại, anh còn phải đầu tư đổ đất, xây dựng đường cho xe ô tô có thể ra vào để thu mua sản phẩm, kéo đường điện để phục vụ sản xuất, chăn nuôi… Bão số 8 năm 2012 đi qua khiến toàn bộ chuồng trại đổ sập, đàn gà gần 10.000 con đang trong thời gian chuẩn bị cho thu hoạch trứng chết hết, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhìn đàn gà chất thành đống, phải thuê máy xúc đào hố đem chôn anh như đứt từng khúc ruột. Được sự động viên, giúp đỡ từ gia đình, anh em, bạn bè, anh không nản chí mà bắt tay vào làm lại từ đầu.

Hiện nay, mỗi năm gia đình thu lãi trên 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1.000m2 chuồng để mở rộng chăn nuôi gà đẻ; hoàn thiện hơn 100m2 chuồng nuôi giun quế để cung cấp con giống cho những người dân trong xã và các xã lân cận.

Khi được hỏi về kinh nghiệm chăm sóc gà đẻ lấy trứng, anh không ngần ngại chia sẻ: Để đạt được kết quả như mong muốn đòi hòi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm bởi trong suốt quá trình nuôi, gà thường bị nhiều loại dịch bệnh tấn công có thể gây chết hàng loạt hoặc giảm tỷ lệ đẻ trứng.

Người chăn nuôi cần lưu ý, gà đẻ sợ nhất là thay đổi thời tiết, làm cho đàn gà ăn ít dẫn đến dễ mắc bệnh và giảm tỷ lệ đẻ trứng. Chính vì vậy, người chăn nuôi phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ, phun phòng hóa chất, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thường xuyên. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm chế độ cho ăn, bổ sung kháng sinh, vitamin để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Từ thành công của mô hình nuôi gà đẻ, gia đình anh Tiến trở thành địa chỉ tin cậy để các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

2,5 Triệu Đồng/con Nhím Cảnh Màu 'Độc' 2,5 Triệu Đồng/con Nhím Cảnh Màu 'Độc'

Giá nhím cảnh phụ thuộc vào màu lông. Nhím màu chocolate, muối tiêu, trắng có giá 250.000 - 500.000 đồng/con. Riêng nhím màu pintos (trắng đen hoặc trắng xám), giá lên đến 1 triệu đồng/con. Ngoài ra, những con màu cam hiếm có, khó tìm giá cao gấp 3 lần màu thường, giá lên đến 5 triệu đồng/cặp.

29/07/2014
Xây Dựng Chuỗi Liên Kết Sản Xuất, Tiêu Thụ Cà Phê, Tiêu Xây Dựng Chuỗi Liên Kết Sản Xuất, Tiêu Thụ Cà Phê, Tiêu

Theo báo cáo của Tổng công ty Tín nghĩa, doanh nghiệp này hiện đang đứng trong top 5 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam với sản lượng 100 ngàn tấn/năm.

08/08/2014
Rau Củ, Trái Cây Nhập Khẩu An Toàn? Rau Củ, Trái Cây Nhập Khẩu An Toàn?

Dù nông sản Trung Quốc vẫn tràn về thị trường trong nước nhưng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trấn an người tiêu dùng cứ yên tâm về hàng nhập khẩu từ nước láng giềng

29/07/2014
Phát Triển Rừng Gắn Với Giảm Nghèo Phát Triển Rừng Gắn Với Giảm Nghèo

Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, từ nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ đã có nhiều biện pháp, giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ dân đang sống trong rừng, sống gần rừng và hàng ngày vì mưu sinh đang có những tác động tới rừng.

08/08/2014
Chuyển Giao Quy Trình Nuôi Gà Tây Đà Lạt Chuyển Giao Quy Trình Nuôi Gà Tây Đà Lạt

Từ đầu năm 2014 đến nay, “Hải gà tây” Đà Lạt chính thức chuyển giao, tư vấn miễn phí cho người nông dân về quy trình ấp nở, thả nuôi gà tây thích nghi với môi trường, khí hậu của Đà Lạt và các vùng phụ cận, góp phần nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ gia đình.

08/08/2014