Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành Công Nhờ Biết Chọn Mô Hình Kinh Tế Phù Hợp

Thành Công Nhờ Biết Chọn Mô Hình Kinh Tế Phù Hợp
Ngày đăng: 12/04/2012

Sau gần 5 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, anh Trần Văn Hiếu, thôn Bích La, xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị) đã rút ra một kinh nghiệm quý báu: “Với tiềm năng, thổ nhưỡng ở địa phương, muốn vươn lên khá giả cần phải có sự chuyển đổi trong cách thức làm kinh tế, đồng thời nắm bắt được nhu cầu thị trường và tìm đầu ra thích hợp cho sản phẩm”. Chính ý chí ham học hỏi và quyết tâm làm giàu đã giúp anh Hiếu thành công với mô hình chăn nuôi vịt khép kín.

Những năm gần đây, trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên đàn gia súc, gia cầm, gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ nuôi tại nhiều địa phương thì mô hình chăn nuôi vịt đẻ và ấp nở bán con giống của gia đình anh Hiếu vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Lò ấp trứng được anh Hiếu đặt cách ly với khu chuồng trại để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho con giống.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn thức ăn phong phú nên không ít gia đình ở xã Triệu Đông đã thành công với mô hình chăn nuôi vịt. Tuy nhiên, với phương thức chăn nuôi mang tính tự phát, chủ yếu là nuôi vịt chạy đồng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh khá cao, nhất là tại các thời điểm dịch bệnh trên đàn gia cầm diễn biến phức tạp. Không ít hộ chăn nuôi bị rơi vào cảnh phá sản, nợ nần do dịch bệnh.

Quyết tâm bám đất quê làm giàu bằng nghề chăn nuôi nhưng anh Hiếu không làm theo phương pháp truyền thống mà tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, tìm hiểu thêm kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi vịt khép kín thành công tại các địa phương khác.

Đầu năm 2007, đem những kiến thức học hỏi được, anh Hiếu chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa kém hiệu quả và khu vực trồng rau màu trong vườn để xây dựng trang trại chăn nuôi vịt khép kín. Khu trang trại được chia làm nhiều phần, ở giữa có ao rộng để vịt bơi lội, khu chuồng trại được xây dựng xung quanh ao với thiết kế thoáng mát, đảm bảo vệ sinh.

Ở cuối trang trại, anh dành một khu tách biệt để xây lò ấp trứng nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho con giống. Lứa đầu tiên, anh thử nghiệm nuôi trên 300 vịt đẻ, chỉ sau một thời gian ngắn, đàn vịt đẻ đã cho thu nhập nhờ bán trứng.

“Trang trại đảm bảo vệ sinh, con nuôi được chăm sóc chu đáo, tiêm phòng đầy đủ, cách ly với môi trường bên ngoài nên đàn vịt phát triển đều, khỏe mạnh, chất lượng trứng tốt. Đây chính là những ưu thế của mô hình chăn nuôi khép kín so với phương thức chăn nuôi vịt chạy đồng như trước đây”, anh Hiếu cho biết.

Từ kết quả bước đầu, anh Hiếu tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi qua các năm, đến nay trang trại đã có trên 1.000 vịt đẻ, trung bình 2 ngày lò ấp xuất bán ra thị trường từ 900 - 1.000 vịt con. Do đàn vịt con khỏe mạnh, đảm bảo chất lượng nên vịt con tại lò anh Hiếu luôn được thương lái đặt mua tại chỗ. Với giá bán hiện nay trên thị trường từ 7 - 8 ngàn đồng/vịt con, bình quân mỗi phiên ấp đã đem lại cho gia đình anh Hiếu thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng.

Chia sẻ về bí quyết chăn nuôi, anh Hiếu cho biết, ngoài việc tiến hành tiêm phòng định kỳ đầy đủ các loại vắc-xin trên đàn gia cầm, chuồng trại phải tiêu độc khử trùng thường xuyên để loại trừ các mầm bệnh. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn phù hợp, thức ăn đảm bảo chất lượng để tăng sức đề kháng cho đàn vịt. Để đàn vịt con khỏe mạnh, người chăn nuôi cũng cần quan tâm đến việc điều chỉnh tỷ lệ vịt trống phù hợp trong đàn giúp đảm bảo tỷ lệ đậu trứng cao; sau 2 năm nên thay thế đàn vịt để đảm bảo năng suất và chất lượng trứng...

Với phương thức chăn nuôi khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, mô hình trang trại nuôi vịt khép kín của gia đình anh Hiếu đã đem lại nguồn thu nhập khá cao, bình quân mỗi năm lãi ròng từ 120 - 150 triệu đồng.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đây thực sự là mô hình chăn nuôi phù hợp, hiệu quả cần được nhân rộng nhằm phát triển kinh tế gia đình, tạo sự ổn định trong chăn nuôi và tăng thu nhập cho người dân.

Có thể bạn quan tâm

Tạo sức bật cho kinh tế biển Tạo sức bật cho kinh tế biển

Nhắc đến nghề khai thác biển, nhiều người nghĩ ngay đến cửa biển Sông Đốc, bởi đây không chỉ là cửa biển lớn, có đội tàu hùng hậu nhất tỉnh Cà Mau mà xứ biển này nhiều năm qua đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế - xã hội của huyện Trần Văn Thời nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Để tiếp tục phát huy thế mạnh của ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh, huyện đã có không ít chính sách ưu đãi, từ đầu tư hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá cho đến đổi mới trang thiết bị, phương tiện, hướng tới hiện đại hoá.

20/08/2015
Phong phú nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi Phong phú nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi

Mùa nước nổi năm nay tuy mực nước lên chậm và không cao như các năm trước, nhưng nguồn lợi thủy sản khá phong phú khiến cho những người làm nghề lưới cá cảm thấy phấn khởi.

20/08/2015
Hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị Hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Chiều 17/8, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển chăn nuôi.

20/08/2015
Giá heo hơi ít biến động nhờ thị trường Trung Quốc hút hàng Giá heo hơi ít biến động nhờ thị trường Trung Quốc hút hàng

Theo nhiều chủ trang trại nuôi heo lớn tại Đồng Nai, hiện giá heo hơi bán tại trại dao động từ 43 - 44 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 2 ngàn đồng/kg so với hồi đầu tháng.

20/08/2015
Thức ăn chăn nuôi không bị nhiễm chất cấm Thức ăn chăn nuôi không bị nhiễm chất cấm

Do tình trạng một số hộ chăn nuôi heo ở khu vực miền Đông Nam bộ, đặc biệt là Đồng Nai, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã làm rộ lên tin đồn trong một số thức ăn chăn nuôi bị nhiễm chất cấm (beta-agonist). Phóng viên Báo Công Thương đã tìm hiểu vấn đề này và ghi nhận: Chỉ có những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tự bỏ chất cấm vào cám để trục lợi vừa bị các cơ quan chức năng phanh phui, không có chuyện cám bị nhiễm chất cấm.

20/08/2015