Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thăng Trầm Chuyện... Nuôi Nhím

Thăng Trầm Chuyện... Nuôi Nhím
Ngày đăng: 16/07/2014

Đã có thời kỳ, nuôi nhím trở thành đề tài được nhắc tới nhiều trong những câu chuyện làm giàu của người nông dân ở không ít nơi. Tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang), nơi một thời ghi nhận sự “lên ngôi” của con nhím và cũng là nơi điển hình về sự thăng trầm của loài vật nuôi này.

Người dân ở Vĩnh Tuy nuôi nhím, góp phần làm “nóng” thị trường con nhím giống, và chính họ cũng góp phần đưa nó trở lại giá trị thực.

Con nhím ở thời... ngọt ngào và hy vọng:

Nếu về thị trấn Vĩnh Tuy khoảng những năm từ 2004 – 2007, đó thực sự là những năm tháng của loài vật đầy gai góc này.

Ban đầu từ vài hộ nuôi nhím sinh sản để bán nhím giống, dần dần việc nuôi nhím được nhân ra như một mô hình hứa hẹn làm giàu cho nhiều hộ dân. Có thời điểm “nóng”, giá nhím giống lên đến 16 - 17 triệu đồng/một đôi có trọng lượng khoảng 4kg.

Theo bà con ở Vĩnh Tuy cho biết, một đôi nhím khi ấy còn đổi được cả một đôi trâu. Việc nuôi nhím chỉ là để bán con giống và việc bán cho các hộ khác nuôi cũng để nó sinh sản và bán... giống. Khi ấy ở Vĩnh Tuy chẳng ai nuôi nhím để thịt, trừ khi nó không may bị què quặt, ốm đau.

Con nhím, một loài vật nuôi từng mang đến ngọt ngào và cả gai góc cho người chăn nuôi, hiện đã trở về với giá trị thực.

Anh Nguyễn Công Nghiệp, cán bộ thị trấn Vĩnh Tuy, nguyên là cán bộ khuyến nông của thị trấn tâm sự, thời cao điểm, cả thị trấn nuôi trên 2.000 cá thể nhím sinh sản.

Nhím được nuôi nhiều ở các thôn như: Tân Lập, Phố Mới, Tân Long. Nhím giống được xuất bán đi nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh, sau đó cung cấp đi nhiều nơi tận Sơn La, Lai Châu, Vĩnh Phúc...

Nhiều hộ nuôi nhím có tiếng ở thị trấn như hộ anh Cao Xuân Hậu ở thôn Phố Mới, Hoàng Bình Định ở thôn Tân Thành, Trần Minh Thể ở thôn Tân Long... Trong đó, hộ anh Cao Xuân Hậu nuôi nhiều nhất, có thời điểm nuôi gần 600 cá thể. Khi ấy, rất nhiều cá nhân, tổ chức chăn nuôi đã tìm đến thị trấn Vĩnh Tuy để tìm hiểu, học hỏi và mua nhím giống.

Anh Cao Xuân Hậu cho biết, do phát triển đúng vào lúc con nhím có giá nên gia đình anh và không ít hộ ở thị trấn đã có nguồn thu khá. Đến khi giá nhím bắt đầu “hạ nhiệt”, từ năm 2010, gia đình anh Hậu và một số gia đình khác cũng dần xuất bán và bảo toàn đồng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, anh Hậu cũng thẳng thắn cho biết, không phải ai cũng may mắn, có những hộ nông dân khi thấy con nhím có giá đã đầu tư nuôi, nhưng khi giá nhím rớt xuống nhanh chóng đã gặp phải thiệt hại, đó cũng là câu chuyện thường thấy của người nông dân ở nhiều nơi.

Đến khi trở về với giá trị thực:

Điểm đáy của phong trào nuôi nhím vào năm 2012, khi mà thị trường và chính những người chăn nuôi thực sự nhìn nhận thấy giá trị thực của con nhím, khiến cho giá nhím bị bão hòa. Giá nhím thương phẩm và nhím giống bằng nhau với mức chỉ từ 150 – 180.000đ/kg.

Nhưng trước đó, có những hộ nông dân ở Vĩnh Tuy và nhiều nơi trong tỉnh do chưa bắt được xu thế của thị trường nhím nên đã đầu tư mua 10 – 15 triệu đồng/1 đôi nhím giống, phải chấp nhận đầu tư... lỗ cho niềm hy vọng làm giàu của mình.

Vì thế, từ năm 2012 đến nay, do đã đầu tư nên có những hộ ở thị trấn Vĩnh Tuy và nhiều hộ ở các xã thuộc huyện Bắc Quang, huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Quản Bạ, thành phố Hà Giang... vẫn duy trì đàn nhím một cách cầm chừng như để chờ cơ hội phục hồi của giá nhím!. Nhưng có một thực tế là giá nhím thịt hiện nay trên thị trường chỉ vào khoảng trên dưới 150.000đ/kg.

Cơ hội “phục hồi” của con nhím là khó có thể xảy ra, bởi giá con nhím giờ chỉ được xác định bằng giá thịt thương phẩm và đầu tư cho con nhím không thể hiệu quả như việc đầu tư cho chăn nuôi nhiều loại vật nuôi phổ thông khác như gà, lợn.

Anh Cao Xuân Hậu cho biết, hiện giờ gia đình chỉ còn nuôi lại hơn chục con nhím để... thịt. Giờ đây, gia đình đã chuyển sang trồng rừng với 13ha và cam, quýt với 17ha, đồng thời coi đó như một hướng phát triển kinh tế bền vững.

Anh Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Tuy chia sẻ, Vĩnh Tuy có lẽ là nơi khởi đầu cho phong trào nuôi nhím ở tỉnh ta. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, con nhím chỉ là sự lựa chọn tức thời của người chăn nuôi.

Dần dần, chính thị trường mới là nơi lựa chọn cây gì, con gì. Rất may là trong quá trình phát triển đàn nhím, ở thị trấn gần như không có những thiệt hại lớn trong đầu tư. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhím cũng là một bài học kinh nghiệm đầy bổ ích cho người nông dân...

Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ theo dõi mảng nông nghiệp, thuộc Cục Thống kê tỉnh cho biết, những năm trước, mặc dù có giá trị kinh tế cao, nhưng chính con nhím lại không có tên trong danh sách thống kê, theo dõi phát triển đàn vật nuôi trong tỉnh.

Có một điều thực tế là chính các kế hoạch, chủ trương hay nghị quyết của các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng dường như không hề có mục tiêu, chỉ tiêu nào đặt ra cho việc phát triển con nhím, mà ở đâu đó chỉ có những báo cáo điển hình về một số hộ làm giàu từ mô hình nuôi nhím.

Trở lại thị trấn Vĩnh Tuy, đến thời điểm này, theo chúng tôi được biết, toàn thị trấn chỉ còn khoảng 4 hộ nuôi nhím với khoảng 23 cá thể. Đàn nhím ít dần, ít dần ở một nơi đã từng được coi là chuyên cung cấp nhím giống.

Với người nông dân ở thị trấn và nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, họ đã trải nghiệm qua một hành trình thăng – trầm với một loại vật nuôi đầy ngọt ngào nhưng cũng đầy gai góc mà bà con tự đưa giá con nhím lên cao để rồi, nó lại tự rơi xuống với giá trị thực.


Có thể bạn quan tâm

Hội An Khai Thác Hơn 8 Nghìn Tấn Thủy Sản Trong 5 Tháng Đầu Năm Hội An Khai Thác Hơn 8 Nghìn Tấn Thủy Sản Trong 5 Tháng Đầu Năm

Theo tin từ UBND thành phố Hội An cho biết, trong 5 tháng đầu năm, ngư dân Hội An đã khai thác được hơn 8 nghìn tấn thủy sản các loại, đạt 60,4 % kế hoạch năm.

13/06/2014
Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản 6 Tháng Đầu Năm Đạt Trên 70.000 Tấn Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản 6 Tháng Đầu Năm Đạt Trên 70.000 Tấn

UBND tỉnh tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá theo hướng nâng cao công suất để tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ, nâng cao hiệu quả nghề cá; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả thông qua các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, HTX đánh bắt xa bờ, nghiệp đoàn nghề cá,…

13/06/2014
Triển Khai Các Biện Pháp Cấp Bách Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Triển Khai Các Biện Pháp Cấp Bách Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2014 đến 30/5/2014, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại 232 xã, phường, thị trấn của 60 huyện, thị, thành phố trực thuộc 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích bị thiệt hại khoảng là 14.000 ha (nguyên nhân do dịch bệnh khoảng 10.000 ha, do môi trường 4.000 ha), bao gồm diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng khoảng 5.000 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính khoảng 1.700 ha và một số bệnh khác.

14/06/2014
Nuôi Lợn Rừng Thu Lãi Cao Nuôi Lợn Rừng Thu Lãi Cao

Chỉ sau một thời gian ngắn nhân giống lợn rừng, ông Trương Văn Năm thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo - Vĩnh Phúc) đã trở thành chủ nhân của một trang trại lợn rừng rộng tới 8ha với hơn 100 con, bao gồm cả lợn sinh sản, lợn phối giống và lợn giống.

14/06/2014
6 Mô Hình Sản Xuất Lúa VietGap Đạt Hiệu Quả Cao 6 Mô Hình Sản Xuất Lúa VietGap Đạt Hiệu Quả Cao

Vụ lúa xuân 2013-2014, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng xây dựng 6 mô hình sản xuất lúa VietGap và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 160 ha tại các xã: An Tiến (huyện An Lão), Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên), Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo), Tiên Hưng (huyện Tiên Lãng), Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo) và Đông Phương (huyện Kiến Thụy).

14/06/2014