Thắng Mai Tết

Tết này rất nhiều người thích chơi mai nguyên thủy vì cây phát triển mạnh, bền vững, so với mai ghép nhẹ công chăm sóc hơn.
Chưa năm nào mai tết lại đa dạng và phong phú như Tết Ất Mùi này. Tuy sức mua giảm so với các năm trước nhưng mặt hàng mai tết vẫn được coi là cây chủ lực ở hầu hết các chợ hoa xuân miền Tây.
Theo ước tính, tại mỗi tỉnh, thành, năm nay quy tụ hàng chục ngàn cây mai tết đủ loại, từ mai nhỏ, mai trung đến mai cổ thụ...
Phòng Kinh tế huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, hàng năm, làng hoa Cái Mơn (Chợ Lách) xuất đi các tỉnh khoảng 7 triệu giỏ hoa và cây cảnh, trong đó mai vàng chiếm tới 1/3.
Có thể nói mai vàng từ lâu đã là một loại hoa truyền thống, là biểu tượng của mùa xuân phương Nam. Từ ý nghĩa và giá trị nhân văn đó mà người người đều thích chưng mai trong ngày tết. Đó cũng là cơ hội tốt nhất cho các nhà vườn giới thiệu những đặc sản tết của mình.
Bấy lâu nay, đa phần khách hàng đều chọn mai giảo để chơi tết vì đây là một loại mai ghép, hoa to, nhiều cánh, màu sắc rực rỡ và lâu tàn. Nhưng, đặc biệt năm nay, do thời tiết thay đổi bất thường, nhiều cây mai giảo ra hoa không đúng tết, có cây nở sớm, cây nở muộn, giá lại cao nên nhiều người chuyển hướng sang chơi mai vườn, giá rẻ chỉ bằng 50% giá mai ghép, phù hợp túi tiền.
Mai vườn là loại mai nguyên thủy (không ghép) thường mọc ngoài thiên nhiên, các nhà vườn bứng cho vào chậu, cũng chăm sóc, uốn sửa, cắt tỉa và tạo dáng cho cây trước khi đưa ra chợ tết. Mai vườn đa số là mai 5 cánh, một số ít thuộc loại nhiều cánh, hoa to, rực rỡ không thua gì mai giảo Thủ Đức.
Ông Tiêu Hùng Minh, một nghệ nhân chuyên trồng mai nguyên thủy ở làng mai Phước Định (Vĩnh Long) phấn khởi cho biết, tết này rất nhiều người thích chơi mai nguyên thủy vì cây phát triển mạnh, bền vững, so với mai ghép nhẹ công chăm sóc hơn.
Trong những năm gần đây, do kinh tế còn khó khăn, một số nhà vườn đã nắm bắt được thị hiếu của người chơi, thay vì kinh doanh các cây cổ thụ, có giá từ vài chục triệu trở lên, họ lại chuyển sang đầu tư cho các loại mai trung, mai tiểu, vừa đẹp vừa hợp với túi tiền của khách hàng. Nhờ vậy mà người trồng mai năm nay thắng to.
Hiện làng mai Phước Định có trên 200 hộ trồng mai nguyên thủy, đa số bà con thoát nghèo và vươn lên khá giả là nhờ loại mai này. Người trồng ít nhất thu nhập cũng được vài chục triệu đồng/vụ tết, người trồng nhiều có khi thu nhập vài trăm triệu như chơi.
Giữa lúc người trồng mai ghép đang ăn nên làm ra thì phong trào chơi mai nguyên thủy lại xuất hiện và ngày càng lớn mạnh, khiến cho nhiều nhà vườn phải cạnh tranh quyết liệt về chất lượng và giá cả.
Cụ thể như dịp tết năm nay, tại TP.Cần Thơ, mai vườn đã chiếm lĩnh 60%, nhiều nhất là ở đường Hoàng Văn Thụ và khu vực Hồ Xáng Thổi, mai ghép 30% và mai Bình Định khoảng 10%.
Mới đây, tại gần cảng Cái Cui, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ đã hình thành một làng mai nguyên thủy ước trên 40.000 cây.
Chị Phạm Thị Thanh Thủy năm nay đã đưa ra 350 cây mai vườn có giá từ 200.000 – 1 triệu đồng/cây. Đến sáng ngày 30 tết chị đã bán được 2/3 số cây. Chị phấn khởi cho biết, chưa có năm nào mai vườn đắt hàng như năm nay. Trừ hết các chi phí chị còn lời trên 200 triệu đồng.
Năm nào mai vàng cũng chiếm vị thế hàng đầu ở các lô kiểng mà phần thắng chắc chắn thuộc về những nghệ nhân có tay nghề cao, biết uốn sửa, tạo dáng và làm cho hoa ra đúng tết, đặc biệt là giá cả chấp nhận được. Mai vườn năm nay lên ngôi là nhờ các yếu tố đó.
Để có được những cây mai đẹp, vừa ý người chơi, nhiều nhà vườn phải đầu tư, chăm sóc, uốn sửa và tạo dáng cho cây ngay từ giữa năm cho đến tết.
Có thể bạn quan tâm

Về xã Tân Trung, hỏi ông Hai Xích nuôi cá rô rất nhiều người biết bởi cái tính chịu khó, luôn tìm tòi trong sản xuất kinh tế. Ngay con đường vào nhà ông là hai ao nuôi cá rô được ông thiết kế bài bản, tạo sức hấp dẫn đối với những ai đến tham quan mô hình nuôi cá của ông.

UBND TP.HCM đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển TP.HCM nông thôn dự thảo Quy định về quản lý nuôi chim yến và quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Trong cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng diễn ra ngày 8/3, các đại biểu đã thảo luận nội dung trọng điểm của địa phương là tình hình xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa Xuân Hè (còn gọi là lúa vụ 3) tại các địa địa bàn trong tỉnh.

Với tính cần cù, chịu khó, tinh thần say mê lao động, sau khi xuất ngũ vào năm 1980, ông Ngô Văn Chúa (ấp Tân Thới A, xã Tạ An Khương Đông) về quê bắt tay vào đa canh trên 2 ha đất do cha mẹ cho. 14 năm làm ruộng, 18 năm nuôi tôm, ông luôn là người thực hiện tốt phương châm “tích tiểu thành đa”.

Xã Phú Xuân (huyện Tân Phú - Đồng Nai) là nơi có nhiều diện tích đất đồi trồng cây ăn quả. Trong đó, ông Lâm Toàn Sơn ở ấp 1 là người đầu tiên đưa giống ổi ruột trắng Thái Lan về trồng trên vùng đất này. Với hơn 1,2 hécta đất vườn trũng, mỗi năm ông thu nhập hàng trăm triệu đồng từ vườn ổi giống mới này.