Thắng lợi vụ hành lá

Những ngày này, dù cái nắng gay gắt, nhưng tại các rẫy màu ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), không khí mùa vụ rất nhộn nhịp.
Vừa thu hoạch xong những líp hành lá, bà con đã tranh thủ làm đất ngay để xuống giống vụ mới. Cả một vùng trồng hành rộng lớn hàng ngàn ha của huyện, lúc nào cũng tất bật, khẩn trương, đất không nghỉ.
Thị trường hành lá đang nóng, nhu cầu lớn nên giá hành lá tăng khá mạnh. Theo các chủ vựa ở huyện Mỹ Xuyên, từ đầu năm đến nay, do thời tiết nắng nóng nên sản lượng hành lá tại hầu hết các địa phương đều giảm mạnh. Trong khi đó thị trường trong nước và đặc biệt Campuchia đang có nhu cầu cao nên giá hành cứ tăng liên tục.
Ông Trần Thanh Tân, hộ dân chuyên trồng hành lá ở ấp Đại Ân, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Do thời tiết nắng nóng kéo dài, nên năng suất hành lá vụ này giảm trung bình từ 20 - 30% so với những vụ trước. Khác hẳn với mấy tháng trước, hiện hành lá cứ đến tuổi là có thương lái đến tận nhà thu mua, người dân không phải tốn chi phí vận chuyển”.
Gia đình ông Tân vừa thu hoạch xong 3 công hành lá, được khoảng 3 tấn, thương lái mua ngay tại ruộng. Sau khi trừ chi phí còn lời hơn 30 triệu đồng, chỉ trong thời gian có 65 ngày.
Theo người dân trồng hành, giá hành lá tháng trước thương lái mua chỉ trên dưới 8.000đ/kg, sau đó tăng dần và hiện tại đang đứng ở mức 13.000đ/kg, giá bán tại chợ cho người tiêu dùng lên đến 20.000đ/kg.
Nhờ giá cao, nguồn lợi nhuận của người dân tăng thêm gần 50%, tính ra mỗi công người trồng hành lá thu được khoảng 10 triệu đồng sau khoảng 2 tháng. Lợi nhuận cao, nhưng trồng hành khá cực, đa phần mỗi hộ gia đình chỉ làm vài công, nhiều cũng chỉ 1 ha.
Tuy chưa đến ngày thu hoạch, nhưng với giá tăng từng ngày, ông Lâm Thế Lữ, một hộ dân trồng hành tại Đại Tâm vui ra mặt, vì hành của ông đang phát triển rất tốt. Ông Lữ chia sẻ: “Chỉ cần giá hành giữ được ở mức 13.000đ/kg như hiện tại, 2 công hành này tôi lời ít cũng được 20 triệu đồng”.
Tổ trưởng tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Đại Ân, Chung Kim Hoàng cho biết, thông thường, hành lá chỉ có giá cao trong mùa mưa do điều kiện canh tác khó khăn (vụ nghịch). Còn vụ này là vụ thuận mà giá lại cao như vậy thì hơi bất ngờ.
Ở vụ này, do điều kiện sản xuất thuận lợi, nên phần lớn nông dân sử dụng giống hành lá địa phương. Sang mùa mưa, nông dân phải chuyển sang trồng giống mới, vì giống địa phương không chống chịu tốt với thời tiết mưa nhiều. Cũng nhờ chuyển đổi giống kịp thời, mà nông dân vùng trồng màu Đại Tâm có thể trồng hành lá quanh năm, chứ không chỉ gói gọn trong mùa khô như những năm trước.
Hành lá được trồng rải rác khắp các địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đối với Mỹ Xuyên thì đây là một trong những cây trồng đặc trưng của huyện. Riêng xã Đại Tâm có diện tích chuyên canh hành lá lên gần 300 ha. Ngoài ra khi giá hành cao, người dân còn tận dụng chân ruộng trồng hành với diện tích hơn 100 ha.
Bà Trần Thị Mỹ Liên, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên cho biết: Vụ này nhiều nơi hạn hán, người trồng màu nói chung gặp khó khăn, nhưng ở địa phương nhờ có thủy lợi rất tốt, cộng thêm kinh nghiệm trồng hành lá chuyên canh lâu năm nên năng suất ổn định.
“Đối với dân trồng hành lá, vấn đề họ quan tâm nhất chính là giá bán, còn thâm canh đạt năng suất cao đối với họ không quá khó. Tuy nhiên người trồng hành cũng cảnh giác, không nên phát triển tràn lan, tránh vượt quá nhu cầu thị trường để rồi lại được mùa mất giá”, bà Liên khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Đan Phượng (Hà Nội), nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã chuyển sang trồng đu đủ, dưa chuột, dưa lê… Đây là hướng đi đang mang lại thu nhập cao cho người dân so với trồng lúa, ngô truyền thống.

Các tỉnh thành ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ lúa hè thu, tuy nhiên mấy ngày qua liên tục bị mưa dầm khiến việc thu hoạch ùn ứ do lúa đổ ngã, ẩm ướt… Lúa gặp mưa làm chất lượng giảm nên bị thương lái chê, đẩy nông dân vào cảnh khốn đốn vì không tiêu thụ được.

Qua 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu thanh long ước đạt 16,9 triệu USD tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 11,8% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, chiếm 61,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản và chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu thanh long đã có biến chuyển tích cực, phát triển vào thị trường Mỹ, Hồng Kông và Qatar, tuy số lượng thấp, nhưng đây vẫn là điều đáng mừng của các doanh nghiệp.

Nhờ nguồn giống chất lượng cao, nước tưới dồi dào, chú trọng đầu tư thâm canh nên 3 tháng nay 7 sào lúa hè thu trên cánh đồng Cồn Mồ của anh Tám Duy Vinh ở huyện Duy Xuyên sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Đồng Tháp nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên đã dần thoát khỏi đói nghèo, trở nên khá giả, có hộ thu nhập gần 800 triệu đồng/năm.