Tháng 2/2014, Tổng Sản Lượng Thủy Sản Ước Đạt 369,5 Nghìn Tấn, Tăng 4%

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tháng 2/2014 ước đạt 369,5 nghìn tấn (tăng 4% so với cùng kỳ 2013), trong đó sản lượng khai thác đạt 228,5 nghìn tấn (tăng 7,6%), sản lượng nuôi trồng đạt 141 nghìn tấn (đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2013)
Đối với hoạt động khai thác, thời tiết trên các ngư trường tương đối thuận lợi, các đối tượng cá nổi xuất hiện nhiều tạo điều kiện cho bà con ngư dân khai thác hiệu quả trước và sau Tết nguyên đán. Ngay từ đầu năm mới, ngư dân các tỉnh đã đồng loạt ra quân khai thác, các chuyến khơi đầu năm có kết quả cao. Tính đến ngày 17/2/2014, có khoảng 85% tàu cá của các tỉnh ra khơi, trong đó 10% tàu cá làm nghề lưới rê, nghề chụp và lưới kéo. Sản lượng khai thác hải sản đạt 204 nghìn tấn, sản lượng khai thác nội địa đạt 13 nghìn tấn.
Đối với nuôi trồng, nuôi cá tra ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang tập trung nuôi tiếp diện tích đã thả giống của năm 2013 cùng với thả giống cho vụ nuôi mới. Tính đến ngày 20/2/2014 có gần 1.400 ha được thả mới (bằng 79% so với cùng kỳ 2013), sản lượng thu hoạch trong tháng từ diện tích năm 2013 chuyển sang là 70 nghìn tấn (tương đương cùng kỳ), đạt năng suất 262 tấn/ha.
Nuôi tôm tại một số tỉnh đã bắt đầu thả giống. Tỉnh Kiên Giang thả nuôi 47.495 ha/89.000 ha, đạt 53,36% kế hoạch, sản lượng 1.445 tấn. Tại Sóc Trăng, người dân thả nuôi 4.494,6 ha, với 1.657,1 triệu con giống, đạt 10% kế hoạch và tăng 5,3 lần so với cùng kỳ 2013, sản lượng tôm thẻ thu hoạch đạt 2.128,2 tấn, năng suất bình quân đạt 3,3 tấn/ha. Ước tổng diện tích tôm nước lợ thả mới của cả nước đạt 180 nghìn ha (trong đó tôm thẻ chân trắng khoảng 12 nghìn), sản lượng thu hoạch đạt 11,5 nghìn tấn.
Tại cuộc họp giao ban tháng 3 (ngày 03/3/2014), Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đánh giá sản xuất thủy sản tháng 2/2014 đạt kết quả khả quan. Xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu tôm tăng mạnh, là cứu cánh cho lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam khi các mặt hàng thuộc các lĩnh vực khác giảm.
Thứ trưởng chỉ đạo, thời gian tới, các cơ quan quản lý ngành thủy sản cần tập trung giải quyết các vấn đề về giống, dịch bệnh, chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, tập trung chỉ đạo sản xuất an toàn trong khai thác thủy sản.
Hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 – 01/4/2014), tập trung chuẩn bị tốt các hoạt động của ngành phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức thành công Festival Thủy sản Việt Nam 2014 tại Phú Yên diễn ra từ ngày 28/3 – 02/4/2014.
Có thể bạn quan tâm

Để khôi phục nghề nuôi cá đồng từ xưa của nông dân, năm 2002, Sở Thủy sản Bến Tre đầu tư Dự án “Phục hồi nghề nuôi cá đồng Lạc Địa” tại xã Phú Lễ (Ba Tri - Bến Tre).

Năm 2013, nuôi tôm nước lợ của cả nước nói chung, các tỉnh phía Nam nói riêng không chỉ phục hồi mà còn được mùa, được giá. Chính từ những thuận lợi này, ngành chuyên môn dự báo từ nay trở đi diện tích nuôi tôm sẽ phát triển mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh trên tôm sẽ khó đảm bảo

Tại Đam Rông (Lâm Đồng), đầu năm 2012, dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lăng thương phẩm trong bè tại huyện Đam Rông năm 2012” đã được triển khai. Mặc dầu dự án nói rõ “nuôi cá lăng thương phẩm trong bè” (lồng) nhưng trong thực tế, 2 khu vực nuôi cá lăng đã được triển khai thực hiện đó là nuôi trong ao và nuôi trong lồng (bè). Cụ thể, ở khu vực nuôi ao, đã tiến hành thả 100 con giống cá lăng; ở khu vực nuôi lồng, 80 con giống cá lăng được thả.

Thái Thụy (Thái Bình) có trên 2.000 ha ao đầm nước ngọt và vùng chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Để giúp bà con đa dạng hóa đối tượng nuôi, Thái Thụy đã xây dựng thành công mô hình “nuôi cá rô phi lai xa dòng Chinchifu thương phẩm trong vùng chuyển đổi nước ngọt”, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá...

Mỹ Xuyên là huyện có địa hình nhiều sông rạch, không xảy ra triều cường lũ lụt, có nguồn nước ngọt, nguồn cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp dồi dào rất thuận lợi cho nghề chăn nuôi bò, bò sữa. Trong những năm qua, từ dự án nâng cao đời sống nông thôn, phong trào chăn nuôi bò sữa ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã phát triển mạnh tập trung ở các xã có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống như: Đại Tâm, Tham Đôn, thị trấn Mỹ Xuyên, Thạnh Quới... đã góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo, nhiều gia đình nhờ nuôi bò sữa nay được thoát nghèo vươn lên khá, giàu, thu nhập mỗi năm từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.