Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thân Và Phận Con Cá Tra

Thân Và Phận Con Cá Tra
Ngày đăng: 31/07/2014

Theo Tổng cục Thủy sản, Nghị định 36/2014/NĐ-CP trao nhiều quyền hạn cho Hiệp hội Cá tra Việt Nam; đây không phải một quyết định dễ dàng của cấp có thẩm quyền.

Những ai từng nhiều năm theo dõi lĩnh vực thủy sản sẽ nhận thấy, trước đây VASEP cũng từng bất lực trước tình trạng doanh nghiệp thi nhau giảm giá đến nỗi… cá tra bị kiện bán phá giá ở Mỹ. Vì thế, có thời điểm VASEP dù không chính thức đã đưa ra giá sàn xuất khẩu fillet cá tra thấp nhất là 3 USD/kg. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp "nghe rồi để đó" và vẫn bán với giá 2,6 USD/kg.

Họ lý giải: Do doanh nghiệp ngoài việc đầu tư vùng nuôi còn có nhà máy sản xuất thức ăn nên không phải chịu 5% thuế giá trị gia tăng (VAT), trong khi đó người dân nuôi cá tra mua thức ăn từ đại lý phải chịu thuế này; giá thành nuôi cá tra của doanh nghiệp thấp hơn các hộ dân nên họ bán với giá 2,6 USD/kg đã có lãi.

Lý giải như thế là có cơ sở, vì theo lẽ thường thì doanh nghiệp không bán sản phẩm với giá thấp hơn giá thành. Tuy nhiên, chính điều này, ở khía cạnh nào đó, lại là cớ để doanh nghiệp hạ giá mua cá tra, hoặc khi thấy cá của người nuôi đến kỳ thu hoạch thì ngưng mua, tìm cách hạ giá.

Còn phía người nuôi, khi con cá tra đạt 0,8 - 1 kg/con là phải bán, bởi càng nuôi lớn càng khó bán vì vượt quá kích cỡ để làm fillet.

Vì thế, trong Nghị định 36 có điều khoản, tất cả các doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Ngoài ra, còn thêm điều kiện ràng buộc là Hải quan chỉ chấp nhận thông quan những lô hàng xuất khẩu cá tra đã được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận.

Khi Nghị định còn ở dạng Dự thảo, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã hơn một lần bày tỏ ý kiến muốn Ban soạn thảo xem xét và điều chỉnh những điều này. Tuy nhiên, gần như những câu chữ ở điều 7 và 8 của Dự thảo vẫn được giữ nguyên khi Nghị định chính thức ban hành.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra (xin được giấu tên) nói, mọi quyền lực của Hiệp hội Cá tra Việt Nam đều nằm trong điều 7 và 8 của Nghị định 36 - "Điều 8 nói rõ, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải đưa ra bản sao hợp đồng mua cá tra nguyên liệu không thuộc quyền quản lý, sở hữu của doanh nghiệp đó, tức là từ các cơ sở nuôi cá tra ở bên ngoài bán cho doanh nghiệp.

Điều này có thể hiểu, khi Hiệp hội Cá tra Việt Nam thấy hợp đồng mua cá tra với giá thấp hơn giá thành thì họ có thể không cho xuất khẩu".

Nhưng cũng theo vị này, Hiệp hội Cá tra Việt Nam là một "quan tòa" có quyền đưa ra quyết định mà trong phiên tòa đó người nuôi cá tra không bị ép giá như trước. Còn phía doanh nghiệp khi Nghị định 36 được thực thi sẽ không còn cơ hội ép giá các cơ sở nuôi cá tra nữa.

Thực tế, trong quá trình lấy ý kiến để xây dựng Nghị định 36, VASEP biết bất lợi đang ở phía mình, nên trong những kiến nghị đã cố gắng nêu bật vai trò không thể thay thế của Hiệp hội trong các vụ kiện bán phá giá vào thị trường Mỹ, để cơ quan quản lý xem xét và cân nhắc đưa VASEP trở thành một phần không thể thiếu trong Nghị định 36.

Tuy nhiên, như đã nói trên, nếu VASEP có những "quyền lực" được ghi rõ trong Nghị định thì mục đích ban đầu là doanh nghiệp ép giá người nuôi cá tra, hạ giá bán sản phẩm fillet cá tra sẽ khó giải quyết.

Nghị định 36 khi còn ở Dự thảo gọi là "sản xuất và xuất khẩu cá tra", nhưng khi chính thức ban hành là "Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra". Từ "nuôi" được đặt trước tiên, được hiểu là sẽ ưu tiên người nuôi.

Ưu tiên ở đây là làm sao để người nuôi cá tra có thể có lãi, tránh hiện tượng giá bán thấp hơn giá thành khiến nhiều hộ nuôi phải "treo ao" như thời gian qua.

Tóm lại, để cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chiến lược của Việt Nam những năm tới, việc đầu tiên là phải có nguồn nguyên liệu ổn định, mà muốn ổn định thì phải giúp người nuôi cá tra có lãi. Đó là mục đích của những nhà quản lý đặt ra, khi manh nha ý tưởng về Nghị định cho cá tra.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam, khi “cờ đến tay”, Hiệp hội với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người nuôi có làm được những việc mà họ đã được trao nhiều quyền hay không, câu trả lời đang ở phía trước.

Còn VASEP, sau "bàn thua" đầu tiên, đang gắng dồn lên "tấn công", bằng việc kiến nghị lùi thời điểm thực hiện Nghị định, vì cho rằng những quy định của Nghị định 36 còn bất cập.

Một trong những phản biện được đưa ra từ VASEP là việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam có thể vi phạm nguyên tắc bí mật kinh doanh, tức là ở khía cạnh nào đó gây bất lợi cho doanh nghiệp, và chính việc chia sẻ thông tin mang tính bí mật của doanh nghiệp này được VASEP nhiều lần nhắc lại là chưa hợp lý.

Tuy nhiên, phản ứng của VASEP khi Nghị định chuẩn bị có hiệu lực, đặc biệt trong bối cảnh họ mất đi nhiều "quyền" từ con cá tra cũng là điều dễ hiểu.


Có thể bạn quan tâm

Đồng Nai Tạo Giống Bưởi Đường Lá Cam Ít Hạt Bằng Biện Pháp Đột Biến Đồng Nai Tạo Giống Bưởi Đường Lá Cam Ít Hạt Bằng Biện Pháp Đột Biến

Sở Khoa học và công nghệ (KHCN) vừa tổ chức Hội đồng khoa học nhằm tổng kết, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống bưởi Đường lá cam theo hướng triệt tiêu hạt bằng biện pháp xử lý đột biến, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của giống bưởi đặc sản tỉnh Đồng Nai” do Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ phối hợp với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện.

12/08/2014
Bình Thuận Đưa Chuối Già Lùn Lên Vùng Cao La Dạ Bình Thuận Đưa Chuối Già Lùn Lên Vùng Cao La Dạ

Viện Sinh học Nhiệt đới (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) là đơn vị chuyển giao công nghệ cho đơn vị chức năng ở địa phương để triển khai dự án xây dựng mô hình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn tại Bình Thuận.

12/08/2014
Thị Xã Bắc Kạn 30ha Rừng Mỡ Bị Sâu Ong Gây Hại Thị Xã Bắc Kạn 30ha Rừng Mỡ Bị Sâu Ong Gây Hại

Trên địa bàn thị xã Bắc Kạn hiện có khoảng 30ha rừng mỡ bị sâu ong gây hại, tập trung ở các thôn Bản Rạo (xã Xuất Hóa); thôn Nà Ỏi, Bản Bung (xã Dương Quang); Nà Chom, Khau Pút (xã Nông Thượng) và gần đây nhất là ở tổ 18, phường Sông Cầu.

12/08/2014
Thu Hút Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Chế Biến Nông, Lâm Sản Cần Hoàn Thiện Chính Sách Để Hỗ Trợ Doanh Nghiệp Thu Hút Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Chế Biến Nông, Lâm Sản Cần Hoàn Thiện Chính Sách Để Hỗ Trợ Doanh Nghiệp

Tại Hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong thời kỳ suy thoái kinh tế” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch-Đầu tư) tổ chức vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã phân tích, nhận định, dù tỉnh có nhiều lợi thế nhưng cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

12/08/2014
Liên Kết Giữa Doanh Nghiệp - Nông Dân Lo Chữ Tín Liên Kết Giữa Doanh Nghiệp - Nông Dân Lo Chữ Tín

Hiện tại, không thiếu mô hình doanh nghiệp (DN) liên kết với nông dân trong sản xuất, bao tiêu nông sản. Nhưng trong thực tế, nhiều mô hình liên kết này thiếu tính bền vững. Nông dân sẵn sàng phá vỡ cam kết bán sản phẩm ra ngoài khi giá thị trường cao hơn, DN không thực hiện đúng các cam kết trong bao tiêu khi thị trường bất lợi.

12/08/2014