Thần tượng lúa nếp của nông dân

* Giống nếp đầu tiên được cấp bằng bảo hộ
Mặc dù mới được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức năm 2013, nhưng N98 đã lan tỏa rộng khắp cả nước với tốc độ kinh ngạc.
“Làm mưa làm gió” trong tập đoàn giống nếp
Chủ sở hữu giống lúa này là Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Trung tâm CGCN&KN - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và Cty CP Giống cây trồng I.
Một số liệu điều tra, khảo sát năm 2014 của Cục Trồng trọt khiến không ít người phải ngỡ ngàng, đó là chỉ sau 1 năm được công nhận chính thức, diện tích gieo trồng giống lúa nếp N98 đã đứng thứ 4 trong danh sách 20 giống nếp được sản xuất và thuộc tốp nhóm giống lúa nếp có diện tích gieo trồng lớn, trên 10.000 ha/năm.
Báo cáo tổng hợp “Điều tra thực trạng cơ cấu sản xuất, chất lượng sử dụng giống cây ngũ cốc” năm 2013 – 2014 của Bộ NN-PTNT cũng cho biết, diện tích gieo trồng N98 ở vùng ĐBSH đã lên tới 7.000 ha/năm, đứng trong nhóm 10 giống lúa có diện tích lớn nhất vùng.
Tại miền Trung, N98 thực hiện một bước nhảy vọt ngoạn mục để vượt mặt các giống lúa nếp “đàn anh, đàn chị” được công nhận sớm hơn, với tổng diện tích gieo trồng hơn 11.000 ha. Riêng Hà Tĩnh là 3.500 ha.
N98 cũng đang dần lấn các giống nếp được trồng phổ biến như N97 và IRi352 ở khu vực miền núi phía Bắc (với diện tích khoảng khoảng 900 ha).
Giống lúa nếp N98 đã được công nhận giống quốc gia năm 2013 và đã được cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng (số bằng 36.VN.2014 ngày 5/12/2014) của Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT. |
Vì sao N98 lại có sức lan tỏa nhanh như vậy? TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm CGCN&KN, cho biết trước hết, nó là “đứa con trí tuệ” của nhiều nhà chọn tạo giống lúa giàu kinh nghiệm như PGS.TS Lê Vĩnh Thảo, GS.TS Nguyễn Hữu Nghĩa, PGS.TS Tạ Minh Sơn…
Thứ hai, N98 là giống lúa nếp cảm ôn, có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng rộng với nhiều vùng sinh thái nên rất phù hợp gieo cấy trong vụ xuân muộn, mùa sớm và hè thu tại các tỉnh miền Bắc và Trung bộ.
Năng suất số 1
Tuy được công nhận chính thức chưa lâu, nhưng N98 đã có 16 năm khảo nghiệm và sản xuất thử tại nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung, miền Bắc như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ…
Có thời kỳ, trước năm 2007, giống nếp N98 được khảo nghiệm tác giả, khảo nghiệm sản xuất với tên giống là N87-2 và đã được nhiều địa phương vùng miền núi phía Bắc, ĐBSH gieo trồng, diện tích gieo trồng N87-2 phủ gần kín một số vùng trồng lúa các huyện Thuận Châu, Yên Châu, Mường La của tỉnh Sơn La.
Tuy nhiên, điểm yếu của N87-2 là độ thuần chưa cao, năng suất cao nhưng chưa ổn định. Do đó, các chuyên gia của Trung tâm CGCN&KN đã thực hiện chọn lọc lại để tìm ra dòng thuần, cao cây, năng suất cao, ổn định và có chất lượng tốt, thích nghi với nhiều điều kiện sinh thái.
"Mặc dù Trung tâm CGCN&KN và Cty CP giống cây trồng I là đơn vị sở hữu độc quyền giống lúa nếp N98 nhưng chúng tôi không cản trở các đơn vị đang sản xuất, kinh doanh giống lúa này mà rất có thiện chí mời họ hợp tác cùng để quản lý chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất", TS Lê Quốc Thanh cho biết. |
Kết quả tổng hợp từ các vụ sản xuất thực nghiệm đã khẳng định rằng, giống nếp N98 có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, vụ mùa 105 - 110 ngày, vụ xuân muộn 130 - 135 ngày. Cây cao 105 - 110 cm, chống đổ tốt, đẻ nhánh khỏe, bông dài, số hạt 190 - 230 hạt/bông, trọng lượng 23,5 - 24,5g/1.000 hạt. Năng suất trung bình 6,5 tấn/ha/vụ, thâm canh tốt đạt 8 tấn/ha/vụ. Năng suất cao hơn nếp IRi352 từ 15-20%.
Giống N98 có chất lượng khá, xôi dẻo, đậm, có thể sử dụng chế biến bột làm các loại bánh, bánh chưng, xôi sáng, nấu rượu phục vụ nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là các vùng cao và thành thị.
Giống nếp N98 có khả năng chịu rét và chống đổ khá (điểm 3); chống chịu khá với một số loại sâu bệnh hại chính (đạo ôn, bạc lá và rầy nâu), đặc biệt giống có khả năng kháng bệnh khô vằn, đạo ôn khá hơn so với giống đối chứng nếp N97 và IRi352.
Theo ông Nguyễn Trí Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Tĩnh, N98 là một trong những giống lúa chủ lực của tỉnh với diện tích gieo trồng mỗi vụ trung bình từ 7.000 – 8.000 ha (chiếm 15% tổng diện tích gieo cấy).
Không chỉ có chất lượng tốt, năng suất của N98 cũng đứng đầu bảng so với các giống lúa nếp đang được trồng ở Hà Tĩnh.
Từ năm 2011 – 2012, hàng loạt mô hình khảo nghiệm, công nhận và hoàn thiện qui trình sản xuất lúa nếp N98 tại miền Trung và miền Bắc, đã được Trung tâm CGCN&KN thực hiện.
Kết quả, tại ĐBSH, đánh giá về hiệu quả kinh tế giống lúa N98 cho thu nhập cao hơn giống BT7 từ 7,5 - 8 triệu đồng/ha, có khả năng mở rộng sản xuất, phát triển thành vùng lúa hàng hóa.
Tại Trung bộ, kết quả xây dựng mô hình trình diễn tại Can Lộc và Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh cho thấy so với giống lúa HT1, giống lúa chất lượng gieo trồng phổ biến tại các tỉnh miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, hiệu quả kinh tế của giống N98 cao hơn từ 20,1 - 21,6%.
Có thể bạn quan tâm

Chủ trương trên đã giúp nhiều địa phương hình thành và phát triển được các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, như: Vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; vùng sản xuất rau an toàn; trang trại tập trung; nuôi trồng thủy sản... cho thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/ha/năm.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thương hiệu gạo quốc gia theo hướng xây dựng và phát triển thương hiệu ở cả ba cấp độ: quốc gia, vùng và địa phương. Đến thời điểm này, đây là việc không thể trì hoãn.

Bước vào vụ nuôi xuân hè năm 2015, nông dân ở các huyện vùng triều đã tập trung cải tạo ao, đầm bảo đảm yêu cầu kỹ thuật từ trước Tết Nguyên đán. Vụ nuôi tôm này, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) có kế hoạch đưa vào thả nuôi khoảng 25 triệu đến 30 triệu con tôm sú trên diện tích khoảng 400 ha.

Năm 2015, huyện Ngọc Lặc đặt ra mục tiêu trồng mới 800 ha rừng, hơn 20.000 cây phân tán. Để công tác trồng rừng diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch, thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo các đơn vị, địa phương chuẩn bị nguồn giống bảo đảm chất lượng, huyện đã phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện trồng cây phân tán.

Vụ chiêm-xuân 2013-2014 xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, đặc biệt là ở 2 huyện Nga Sơn, Hậu Lộc luôn duy trì ở mức 0.10-5 phần nghìn khiến các trạm bơm vùng triều gặp khó khăn do nguồn nước bị xâm nhập mặn nặng, thời gian bơm bị giảm đến mức báo động, một số cống lấy nước vùng triều phải đóng cửa.